Đòi hỏi từ đổi mới giáo dục
Trong những năm gần đây, nhiều nhà trường đã và đang áp dụng và cải thiện nhiều phương pháp dạy và học khác nhau nhằm đổi mới giáo dục, nâng cao chất lượng đào tạo. Thực tế cũng cho thấy, mỗi phương pháp giảng dạy dù truyền thống hay cải tiến đều nhấn mạnh một khía cạnh nào đó của cơ chế dạy học và học hoặc nhấn mạnh vai trò của người thầy và trò.
Cho dù các phương pháp thể hiện hiệu quả như thế nào thì nó vẫn tồn tại một vài khía cạnh mà người học và người dạy chưa khai thác hết. Chính vì vậy mà không có một phương pháp giảng dạy nào được cho là lý tưởng. Mỗi một phương pháp đều có ưu điểm của nó, do vậy người thầy nên xây dựng cho mình một phương pháp riêng phù hợp với mục tiêu, bản chất của vấn đề cần trao đổi, phù hợp với thành phần nhóm lớp học, các nguồn lực, công cụ dạy học – học sẵn có.
Theo quan điểm của dạy học truyền thống, vai trò trọng trách được đặt lên người thầy. Người thầy đóng vai trò là trung tâm của việc dạy học, học sinh là người thụ động tìm đến kiến thức. Chính sự thụ động trong học tập sẽ làm hạn chế sự động não, tư duy tìm tòi, thể hiện sự suy nghĩ đa chiều, cũng như hạn chế khả năng vận dụng kiến thức vào thực tế và ngược lại.
Đặc biệt đối với một số ngành học đặc thù đòi hỏi cao cả về kiến thức cũng như kỹ năng, cần có sự liên hệ thực tế… nếu người học không được đào tạo đúng hướng, đúng phương pháp thì vô hình trung là người thầy đã trao cho học trò một mớ kiến thức suông, hạn chế khả năng vận dụng vào thực tế.
Như vậy, khi sinh viên ra trường phải đối diện với thực tế, với những tình huống bất ngờ sẽ lúng túng không biết sử dụng kiến thức nào thích hợp để giải quyết vấn đề. Chính vì vậy, trong xu thế đổi mới phương pháp giảng dạy đại học hiện nay theo hướng lấy người học làm trung tâm, đặc biệt là phương pháp dạy học dựa trên vấn đề đang được các nền giáo dục đại học ở nhiều nước quan tâm nghiên cứu và ứng dụng.
Dạy học dựa trên vấn đề là phương pháp giáo dục trong đó sinh viên là trung tâm của quá trình học tập. Trong phương pháp này sinh viên có trách nhiệm chính về quá trình học tập của chính mình. Sinh viên quyết định những gì cần phải học và chủ động kiểm soát quá trình lựa chọn tài liệu tham khảo để đạt được mục tiêu học tập đề ra. Mục tiêu cơ bản của dạy học giải quyết vấn đề nhằm rèn luyện năng lực giải quyết vấn đề cho người học, trong đó cần bao gồm khả năng nhận biết, phát hiện, phân tích vấn đề cho đến khi vấn đề được giải quyết…
Những ưu điểm tích cực
Theo nhóm giáo viên Khoa Điều dưỡng – Trường ĐH Y Dược Huế: Ở Việt Nam, nhiều cơ sở đại học đã được biết đến phương pháp dạy học này, tuy nhiên bắt tay vào áp dụng trực tiếp và dạy học thì rất ít. Tại Trường ĐH Y Dược Huế, xuất phát từ nhu cầu đào tạo điều dưỡng ngày càng tăng nhằm đáp ứng nhu cầu thiếu hụt về đội ngũ điều dưỡng có chất lượng và trình độ chuyên môn cho khu vực miền Trung và cả nước… trường đã tiến hành xây dựng thí điểm chương trình “Giảng dạy dựa trên vấn đề” đối với môn học Điều dưỡng và áp dụng vào giảng dạy trực tiếp cho đối tượng sinh viên Điều dưỡng năm thứ 2.
Sau quá trình ứng dụng phương pháp này, đã ghi nhận những tín hiệu tích cực đối với quá trình học tập của sinh viên.
Cụ thể, sinh viên được tiếp xúc với nhiều kiến thức được lồng ghép với nhau. Đã tiếp thu vấn đề nhanh hơn, tốt hơn, chủ động hơn và nhớ lâu hơn. Ngoài ra các em đã học tập được từ các bạn xung quanh, tìm hiểu vấn đề sâu hơn và đặc biệt có thể nhớ bài ngay trên lớp.
Dưới góc độ áp dụng, sinh viên được thảo luận và tìm hiểu vấn đề kĩ càng ở những buổi thảo luận trước khi thực hành nên phần thực hành dễ dàng hơn và có thể làm thành thạo. Các tình huống gần với thực tế khách quan, sinh động để có thể ứng dụng khi bản thân gặp những tình huống tương tự, những tình huống thực tế này ít được chú ý đến khi chỉ học lý thuyết, giúp hiểu rõ và quen thuộc với các dụng cụ cần thiết. Khi xử lý ở hiện trường, giảm bớt lúng túng nếu thực sự thực hành.
Quá trình ứng dụng phương pháp giảng dạy dựa trên vấn đề tại Trường ĐH Y Dược Huế cũng cho thấy, đã tạo cơ hội cho tất cả các thành viên phát biểu, đưa ra ý kiến cá nhân. Rèn luyện sự tự tin và kĩ năng trình bày trước đám đông. Rèn luyện kĩ năng nói, viết, sắp xếp những nội dung cần trình bày, trình bày vấn đề trước đám đông, kĩ năng đưa ra vấn đề, kĩ năng phản biện, sử dụng máy vi tính. Cùng đó, được phát biểu tích cực giúp cho mỗi cá nhân mạnh dạn; tự tin nói lên ý kiến; suy nghĩ của bản thân; tư duy độc lập cao.
Trong vấn đề làm việc nhóm, sẽ phát huy tinh thần làm việc nhóm hiệu quả, biết cách tổ chức nhóm và thảo luận nhóm. Nâng cao tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân và chuẩn bị trước các câu trả lời từ các nhóm khác hỏi khi trình bày bài tập nhóm.
Với phương pháp giảng dạy dựa trên vấn đề đặc biệt mang lại hiệu quả khi tăng cường khả năng tự tìm kiếm thông tin phục vụ cho bài học qua sách, báo, mạng Internet. Tự tin khi tìm kiếm tài liệu. Thái độ của sinh viên cũng khá tích cực vì đã chủ động học, chủ động hoàn toàn trong việc tìm kiếm thông tin, thầy cô chỉ đóng vai trò là người hướng dẫn và giải đáp thắc mắc những vấn đề mà sinh viên còn mập mờ.
Trong môi trường học tập, phương pháp giảng dạy dựa trên vấn đề còn tạo ra sự thoải mái hơn khi học. Mỗi buổi học không còn căng thẳng, gò bó như trước; rất vui vẻ và cởi mở với các sinh viên có thể tự do nêu ra quan điểm của mình. Mặt khác, sinh viên còn dễ dàng hòa đồng với bạn bè, tạo nên tính đoàn kết giữa các thành viên, hiểu hơn và giúp đỡ nhau trong học tập.
Có sự tương tác giữa giáo viên và sinh viên và các bạn trong lớp. Tạo mối quan hệ gần gũi giữa thầy cô hướng dẫn với sinh viên. Đáng nói, để triển khai phương pháp giảng dạy dựa trên vấn đề sẽ giúp học sinh được học trong phòng học đầy đủ tiện nghi với số lượng ít sinh viên, có các “thầy, cô ruột” riêng tạo không gian cho tất cả sinh viên đều được nêu ý kiến, đều được quan tâm, làm sinh viên có thể phát huy tố đa khả năng của mình.