Nhận thức chung về nhiệm vụ học tập của người sinh viên
Ngay khi còn học tập ở giảng đường đại học, sinh viên phải nhận thức rằng việc học tập, rèn luyện không chỉ có ý nghĩa phục vụ cho bản thân mà còn có ý nghĩa cho xã hội.
Việc học của sinh viên phải được thể hiện bằng chính quá trình hoạt động, rèn luyện và nỗ lực của bản thân. Đó chính là con đường tạo ra tri thức bền vững cho mỗi con người trên con đường học vấn thường xuyên của cả cuộc đời.
Họ phải đóng góp vào sự nghiệp cách mạng những gì có thể làm được ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Đối với sinh viên, họ càng phải nhận thức được rằng: “Học để cống hiến cho đất nước” chứ không phải “Học để được tuyển dụng”.
Có lẽ vì vậy mà Thủ tướng Nhật Bản hiện nay đã luôn “ủng hộ mạnh mẽ tư tưởng cải cách giáo dục theo hướng đặt trọng tâm vào giáo dục lòng yêu nước cho người học và quay lại với tư tưởng chủ đạo thời Minh Trị: “Học để cống hiến cho đất nước”.
Nếu tất cả sinh viên ở thời đại nào cũng có quan điểm như trên thì sẽ không bao giờ có tình trạng sinh viên học đối phó, thi đối phó hoặc học một cách thực dụng mà họ sẽ luôn có ý thức học để nâng cao tri thức và phục vụ đất nước.
Nhận thức về nhiệm vụ học tập của sinh viên ngành Giáo dục tiểu học
Người giáo viên tiểu học cũng phải nắm được đặc điểm của học sinh ở lứa tuổi này. Đó là bước chuyển từ giai đoạn tiền học đường sang giai đoạn đi học, chuyển từ hoạt động chủ đạo vui chơi sang hoạt động học tập.
Để thấy đây là lần đầu tiên học sinh được trang bị một công cụ học tập mới: nghe, nói, đọc, viết; lần đầu tiên học sinh tiếp xúc với một phong cách ngôn ngữ mới – phong cách ngôn ngữ viết; lần đầu tiên học sinh có ý thức về “chuẩn ngôn ngữ”, “chuẩn văn hóa”; lần đầu tiên tiếng Việt trở thành đối tượng cần tìm hiểu của các em.
Vì vậy, giáo viên phải là một “hình mẫu chuẩn” để các em học tập theo, nhất là trong việc truyền đạt những vấn đề, những kiến thức mới mẻ - lần đầu tiên - cho các em.
Tiếng mẹ đẻ đóng vai trò to lớn trong việc hình thành những phẩm chất quan trọng nhất của con người và trong việc thực hiện những nhiệm vụ của hệ thống giáo dục quốc dân.
Nắm ngôn ngữ, lời nói là điều kiện thiết yếu của việc hình thành tính tích cực xã hội của nhân cách. Không có một khoa học nào mà người học sẽ nghiên cứu trong tương lai, không có một phạm vi hoạt động xã hội nào mà không đòi hỏi một sự hiểu biết sâu sắc về tiếng mẹ đẻ.
Trình độ trau dồi ngôn ngữ của một người nào đó là tấm gương phản chiếu trình độ nuôi dưỡng tâm hồn của anh ta. Chính vì vậy, người giáo viên phải không ngừng trau dồi tiếng mẹ đẻ nhằm góp phần nâng cao năng lực giảng dạy, đặc biệt là môn Tiếng Việt – môn học trọng tâm ở trường tiểu học và đảm bảo cung cấp cho học sinh những “chuẩn ngôn ngữ”, “chuẩn văn hóa”.
Bởi những gì thuộc về tri thức và kĩ năng, về hành vi và tình cảm... được hình thành và định hình ở học sinh tiểu học sẽ theo suốt đời mỗi người (như chữ viết, kĩ năng ứng xử trong cuộc sống hằng ngày,...). Những gì đã hình thành và định hình ở trẻ em rất khó thay đổi, khó cải tạo được.
Nhận thức về việc rèn luyện kĩ năng, nghiệp vụ sư phạm góp phần thực hiện chức năng giảng dạy và giáo dục của người giáo viên
Năng lực dạy học của giáo viên ảnh hưởng đến kết quả học tập của học sinh, ảnh hưởng đến cả chất lượng giáo dục.
Vì vậy, việc nâng cao tay nghề, rèn luyện các kĩ năng sư phạm nói chung, rèn luyện kĩ năng đọc, viết nói riêng càng thuần thục, nhuần nhuyễn bao nhiêu thì hiệu quả giảng dạy càng tăng lên bấy nhiêu.
Trước hết, sinh viên cần phải nhận thức rằng việc rèn luyện kĩ năng học tập là một phương tiện giáo dục lao động cho học sinh tiểu học. Nhà giáo dục người Nga Makarencô cho giáo dục lao động là phương pháp chủ đạo trong hệ thống giáo dục của mình.
Ông không những chỉ đưa lao động chân tay, mà còn đưa cả lao động trí óc vào phạm trù giáo dục lao động. Nhưng không phải hình thức lao động nào cũng có tác dụng giáo dục mà chỉ có lao động sáng tạo mới có ý nghĩa giáo dục.
Học sinh tham gia vào quá trình học tập là hoạt động lao động sáng tạo. Ví dụ khi tham gia học tập trong giờ Tập đọc, học sinh phải vận động những bộ máy phát âm, thị giác, thính giác và huy động các chức năng tâm lí như tư duy, trí tưởng tượng, liên tưởng,…
Có như vậy, các em mới có thể hình dung, nghe thấy, nhìn thấy những hình tượng nghệ thuật chứa đựng trong văn bản, có thể hiểu và thưởng thức những giá trị phong phú chứa trong văn bản. Đó là những giá trị nhân văn, giá trị giáo dục cho người đọc, đặc biệt với đối tượng là học sinh tiểu học.
Người giáo viên tiểu học cũng cần phải nhận thức rằng: việc giáo dục đạo đức cho học sinh tiểu học được lồng ghép thông qua các môn học gián tiếp, chứ không chỉ giáo dục một cách trực tiếp thông qua môn Đạo đức.
Ví dụ khi dạy môn Tiếng Việt (gồm nhiều phân môn như: Tập đọc, Tập làm văn, Luyện từ và câu,…) giáo viên tạo cơ hội cho các em cách tiếp cận những tác phẩm văn học, qua đó giúp các em hình thành và phát triển những nhận thức, tình cảm và thái độ đúng đắn trong cuộc sống: biết phân biệt đẹp/xấu, thiện/ác, đúng/sai; biết yêu ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè, trường lớp, quê hương, đất nước; sống tự tin, năng động, trung thực, dũng cảm; có ý thức và nhu cầu nhận thức bản thân..
Tóm lại, đổi mới phương pháp giảng dạy và đổi mới phương pháp học tập đều phải được thực hiện đồng bộ với nhau.
Riêng đối với sinh viên, việc đổi mới phương pháp học tập chính là thay đổi cách thức học tập sao cho hiệu quả. Nhưng điều quan trọng nhất vẫn chính là ý chí, nghị lực của bản thân mỗi người.
Chính vì vậy, quan điểm cá nhân tôi vẫn cho rằng, đổi mới phương pháp học tập của sinh viên phải được bắt đầu từ việc đổi mới nhận thức. Từ nhận thức đúng đắn sẽ giúp sinh viên có cách học tập đúng đắn và hiệu quả hơn.