Kinh nghiệm đổi mới phương pháp dạy học Sinh học ở trường THPT

GD&TĐ - Một giờ dạy theo phương pháp đổi mới, không chỉ người thầy phải lập kế hoạch bài dạy công phu mà người học cần phải có phương pháp học để lĩnh hội tri thức.

Kinh nghiệm đổi mới phương pháp dạy học Sinh học ở trường THPT

Đối với giờ tự học của học sinh ở nhà: Để thực hiện tốt một giờ dạy trên lớp theo hướng đổi mới giáo viên phải hướng dẫn học sinh cách đọc sách giáo khoa, tài liệu trước khi đến lớp. Sau các tiết học, yêu cầu học sinh làm các bài tập trong sách giáo khoa.

Đọc trước sách giáo khoa là công cụ quan trọng trong quá trình học tập, giáo viên cần hướng dẫn học sinh cách đọc. Vấn đề là với nhiều học sinh khi yêu cầu đọc chỉ hiểu đơn giản là đưa mắt đọc qua từng từ như ta đọc truyện và cho rằng cứ đọc qua một lượt như vậy là đã hoàn thành nhiệm vụ giáo viên giao.

Vì vậy, tôi thường xuyên hướng dẫn cách đọc cho học sinh như sau:

- Nhìn vào những đầu mục trước khi nghiên cứu nội dung.

- Ghi ra giấy những câu hỏi mà các em muốn có lời giải đáp.

- Gạch chân hoặc tô màu những khái niệm quan trọng và những nội dung chính.

- Tóm tắt các nội dung quan trọng ra giấy.

- Lập dàn bài khi đọc: Lập dàn bài trước hết cần phải tách các ý chính trong bài đọc và thiết lập mối quan hệ giữa chúng trên cơ sở đó chia bài đọc thành các phần tương ứng với tên đề mục cho phù hợp.

- Với những nội dung kiến thức dài, khó, kiến thức có liên quan đến thực tế, cần đưa ra các câu hỏi, bài tập định hướng để học sinh khi đọc sách giáo khoa, thu thập thông tin từ các nguồn khác như tài liệu tham khảo, thực tế... để tìm cách trả lời. Câu hỏi đặt ra yêu cầu học sinh phải khái quát được nội dung cơ bản, câu hỏi phải yêu cầu học sinh vận dụng tư duy để trả lời.

- Thường xuyên kiểm tra việc đọc tài liệu và sự chuẩn bị của học sinh, yêu cầu mỗi học sinh có vở bài tập ở nhà để soạn bài trước.

- Với việc học bài cũ, yêu cầu học sinh học bài cũ bằng cách về nhà đọc lại bài ghi ngay, hoàn thành các bài tập về nhà, hướng dẫn học sinh học theo hướng tổng hợp kiến thức theo sơ đồ tư duy, hệ thống hoá kiến thức, học qua hình vẽ, sơ đồ, giải thích các hiện tượng thực tế có liên quan đến kiến thức vừa học.

- Luôn chú ý hướng dẫn học sinh rèn luyện cách trình bày ý kiến của bản thân về một vấn đề nào đó được đưa ra thảo luận.

Đối với giờ học trên lớp: Trong giờ học, tuỳ nội dung của từng bài có thể sử dụng một số phiếu học tập dạy học theo phương pháp hợp tác nhóm nhỏ, học sinh thảo luận và trình bày kết quả của nhóm mình.

Các nhóm khác nhận xét, bổ sung và giáo viên chốt lại bằng hệ thống sơ đồ hoá kiến thức. Hoặc sử dụng phương pháp nêu vấn đề xen kẽ những câu hỏi trên cơ sở đã đọc sách giáo khoa để chiếm lĩnh tri thức.

- Một số phần kiến thức đơn giản trong sách giáo khoa đã viết rõ ràng, đầy đủ chỉ cân hướng dẫn học sinh tự nghiên cứu và rút ra kết luận.

- Hướng dẫn học sinh cách ghi bài để giúp học sinh hiểu, tái hiện kiến thức dễ dàng và sâu sắc.

Cách ghi bài cần thể hiện:

- Các mục lớn nhỏ cần sắp xếp theo thứ tự logic.

- Ghi tóm tắt các ý chính của lời giải và ghi theo cách hiểu của mình.

- Thể hiện rõ các ý chính của bài học

Sau mỗi chương, phần, cung cấp cho học sinh hệ thống ngân hàng câu hỏi ôn tập được chọn lọc trong các đề thi các cấp. Yêu cầu học sinh lập đề cương ôn tập và trả lời các câu hỏi ôn tập, phản hồi một số nội dung khó. 

Hướng dẫn học sinh cách ghi nhớ kiến thức bằng cách ghi nhớ câu hỏi. Bởi học thuộc các câu hỏi giúp tiết kiệm thời gian học mà vẫn ghi nhớ hiệu quả.

Thường xuyên khuyến khích học sinh biết đặt câu hỏi và tìm cách trả lời sau khi đã nghiên cứu sách giáo khoa, tài liệu tham khảo và quan sát thực tế môi trường xung quanh để khắc sâu và mở rộng kiến thức.

Kết quả đạt được so với những năm học trước, dạy học theo phương pháp truyền thống, cũng có kết hợp sử dụng tranh ảnh, mô hình, nhưng chủ yếu là sử dụng phương pháp thuyết trình kết hợp với phương pháp trực quan minh hoạ.

Trong giờ dạy học, chủ yếu giáo viên giảng, chỉ trên sơ đồ tranh ảnh. Học sinh nghe, quan sát và ghi chép. Học sinh không được thể hiện ý kiến của mình, hầu như không cần sách giáo khoa vì tất cả kiến thức đã được giáo viên đọc cho chép, khi học bài thì theo vở ghi.

Cuối giờ có củng cố nhưng chủ yếu là giáo viên tóm tắt lại những kiến thức vừa trình bày. Với cách dạy - học như thế rất khó đánh giá được sự hiểu bài của học sinh.

Việc kiểm tra, đánh giá chỉ thực hiện khi kiểm tra 15 phút, một tiết, bài làm học sinh thường máy móc sao chép từ vở ghi không thể hiện tính sáng tạo trong trả lời các câu hỏi.

Khi áp dụng đổi mới phương pháp dạy học, tôi đã tăng cường sử dụng những phương pháp dạy học tích cực: quan sát tìm tòi, thảo luận nhóm, nêu vấn đề kết hợp với các phương pháp dạy học tho dự án, đồng thời hướng dẫn học sinh cách học và tự học nghiên cứu sách giáo khoa, trình bày ý kiến của mình trong thảo luận nhóm để tìm ra kiến thức, qua đó rèn cho học sinh kỹ năng nói, viết...

Trong giờ học, học sinh đã chủ động, tích cực tự giác tìm kiếm tri thức dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Vì vậy, giờ học đã sôi nổi hơn, sách giáo khoa đã được sử dụng nhiều hơn trong học tập.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ