Đổi mới đào tạo giáo viên thể chất

GD&TĐ - Giáo dục thể chất đóng vai trò quan trọng trong phát triển toàn diện học sinh. 

Giảng viên Trường ĐH Thể dục Thể thao TP Hồ Chí Minh đang hướng dẫn sinh viên chơi môn khúc côn cầu. Ảnh: Anh Tú
Giảng viên Trường ĐH Thể dục Thể thao TP Hồ Chí Minh đang hướng dẫn sinh viên chơi môn khúc côn cầu. Ảnh: Anh Tú

Đặc biệt, khi ngành Giáo dục triển khai Chương trình GDPT 2018 với mục tiêu lấy người học làm trung tâm thì đổi mới đào tạo, nâng chất nguồn nhân lực thể chất càng trở thành yêu cầu bắt buộc.

Đổi mới chương trình đào tạo

TP Hồ Chí Minh có 2 trường đào tạo chuyên ngành thể thao là Trường ĐH Thể dục Thể thao và Trường ĐH Sư phạm Thể dục Thể thao TP Hồ Chí Minh. Hai đơn vị này cùng Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh, ĐH Quốc tế Hồng Bàng… đang chịu trách nhiệm chính trong việc đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực giảng dạy, quản lý các môn học liên quan đến giáo dục thể chất khu vực phía Nam.

PGS.TS Châu Vĩnh Huy, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Thể dục Thể thao TP Hồ Chí Minh cho biết, chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm ngành Giáo dục thể chất của trường khoảng 300 sinh viên. Trường đặc biệt quan tâm đến chất lượng đào tạo nên tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp và có việc làm sau khi ra trường khá cao.

“Phát triển thể chất học sinh, sinh viên không đơn thuần cho các em chọn và chơi môn thể thao yêu thích (bơi lội, chạy bộ, nhảy...) mà cần hành trình của tổng hòa nhiều lĩnh vực khoa học. Do đó, để có chương trình và hoạt động giáo dục thể chất trường học, bài bản đòi hỏi giáo viên phải được đào tạo chuyên nghiệp”, PGS.TS Châu Vĩnh Huy khẳng định.

Cũng theo ông Huy, trong bối cảnh đời sống, ý thức rèn luyện thể dục - thể thao của người dân nâng cao, việc duy trì sức khỏe được chăm chút thì cơ hội việc làm cho cử nhân ngành Giáo dục thể chất rất lớn. Các trường phổ thông, trung tâm thể dục - thể thao cũng khát giáo viên và mong muốn tuyển dụng được nhân lực đã qua đào tạo bài bản.

Hiện nay, nhân lực (giáo viên) có thể giảng dạy, hướng dẫn hoạt động thể chất trong nhà trường xuất phát từ 4 nhóm ngành: Giáo dục thể chất, huấn luyện thể thao, y sinh học thể dục - thể thao, quản lý thể thao. Tuy vậy, giáo viên có chuyên ngành, đào tạo chuyên sâu, bài bản về huấn luyện thể thao vẫn được các trường ưu tiên tuyển dụng.

Điều này được TS Nguyễn Thanh Bình, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thể dục - Thể thao TP Hồ Chí Minh lý giải: Sinh viên học chuyên ngành giáo dục thể chất không chỉ có năng khiếu, tinh thần yêu thể thao, các em còn được đào tạo nghiên cứu khoa học, huấn luyện và tổ chức các hoạt động thể dục - thể thao tại trường học, trung tâm hoặc làm việc ở các cơ quan tổ chức.

Cùng với đó, ngoài kiến thức đại cương, sinh viên được đào tạo môn thể thao chuyên sâu, tự chọn (bóng bàn, bóng rổ, bơi lội, fustal...), giải phẫu cơ thể người, sinh lý học TDTT, tâm lý giảng dạy thể chất, y học TDTT… để phòng tránh những chấn thương, sai sót đáng tiếc xảy ra cho người dạy và học.

Theo TS Nguyễn Thanh Bình, giáo viên ngành Giáo dục thể chất sau tốt nghiệp sở hữu nhiều kỹ năng sư phạm bắt buộc. Bởi, trong chương trình đào tạo đổi mới hiện nay, các học phần như: Kiến thức nghiệp vụ sư phạm, Tâm lý học đại cương, Tâm lý lứa tuổi sư phạm, Giáo dục học TDTT, Giao tiếp sư phạm, Tổ chức hoạt động trong giáo dục, Giải phẫu học, Sinh lý học TDTT, Kiểm tra y học, Hồi phục dinh dưỡng.... đều được chú trọng kỹ bên cạnh môn cơ sở ngành.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn (thứ 2 từ phải sang) trong một buổi làm việc với Trường ĐH Sư phạm Thể dục thể thao TP Hồ Chí Minh HCM về công tác xây dựng cơ sở vật chất, đào tạo. Ảnh: Anh Tú

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn (thứ 2 từ phải sang) trong một buổi làm việc với Trường ĐH Sư phạm Thể dục thể thao TP Hồ Chí Minh HCM về công tác xây dựng cơ sở vật chất, đào tạo. Ảnh: Anh Tú

Khẳng định vị thế Giáo dục thể chất

Người học ngành Giáo dục thể chất sở hữu kiến thức, kỹ năng rộng, cơ hội việc làm trong tương lai cao. Tuy vậy, thực tế đầu tư đào tạo của nhóm trường trọng điểm về ngành học này (phía Nam) chưa nhiều, sức hút với người học không cao (chỉ tiêu tuyển sinh các trường từ 300 - 500; trường không chuyên 50 - 70 sinh viên/năm). Điều này đặt ra nhiều trăn trở, suy nghĩ trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy và phát triển giáo dục thể chất cho học sinh hệ thống trường học các cấp.

Nhìn nhận đây là vấn đề các trường Sư phạm Thể dục Thể thao phải nghiên cứu và đánh giá, trong nhiều buổi làm việc với các trường, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn tin rằng: Xu hướng đổi mới giáo dục và đào tạo, giáo dục toàn diện lấy con người làm trung tâm của sự ưu tiên thì giáo dục thể chất và khoa học phát triển thể chất ngày càng có vai trò quan trọng.

Bộ trưởng cũng cho rằng: Với tính liên ngành cao của hoạt động giáo dục thể chất, các trường Sư phạm Thể dục Thể thao cần tính đến đào tạo liên ngành với các ngành như y học, sinh học, dinh dưỡng, tâm lý, công nghệ… để gia tăng chất lượng nhân lực đào tạo cũng như tạo thêm sức hút với người học.

Cùng với đào tạo, các trường cần tham gia tư vấn sâu hơn cho Bộ GD&ĐT trong việc đổi mới dạy học môn giáo dục thể chất từ bậc mầm non đến đại học như: Cá biệt hóa việc huấn luyện cho học sinh; đa dạng hóa môn học để học sinh, sinh viên yêu thích; đo lường, đánh giá, kiểm tra; đổi mới khoa học giáo dục với môn… Bởi, theo Bộ trưởng thời điểm hiện nay môn học này vẫn chưa thực sự hấp dẫn người học.

Nhìn nhận ở góc độ giáo viên thể dục, thầy Nguyễn Trung Quân, Trường THPT Linh Trung, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh cho rằng: Những đổi mới trong chương trình đào tạo cần thiết và phù hợp trong bối cảnh thực tế là giá trị cốt lõi giúp sinh viên sau khi ra trường có năng lực chuyên môn đáp ứng đòi hỏi của xã hội.

Cũng theo thầy Quân, Giáo dục thể chất là môn học đặc thù nên cần thống nhất một chương trình đào tạo chung cho các trường sư phạm, các trung tâm có ngành Sư phạm giáo dục thể chất.

“Ngoài việc thống nhất khung chương trình đào tạo thì các trường cần xây dựng chương trình theo hướng tăng thời lượng thực hành, giảm số lượng môn tự chọn. Đồng thời, xây dựng kế hoạch, đề cương chi tiết theo mẫu hướng dẫn mới nhất; xây dựng mục tiêu, chuẩn đầu ra rõ ràng cho từng học phần chuyên ngành. Đặc biệt, do đặc thù môn học phải thường xuyên vận động nên ngành Sư phạm thể chất cần thiết kế các kỳ học hè giúp sinh viên vừa rèn thể lực vừa khắc sâu chuyên môn với những đổi mới của khoa học thể dục thể thao…”. - Thầy Nguyễn Trung Quân, Trường THPT Linh Trung, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.