Không để cơ sở vật chất thành rào cản giáo dục thể chất

GD&TĐ - Để triển khai giảng dạy môn Giáo dục thể chất theo Chương trình GDPT 2018, địa phương, ngành Giáo dục phải chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất...

Màn thể dục giữa giờ của học sinh Trường Tiểu học Thượng Ấm (Sơn Dương, Tuyên Quang). Ảnh: NTCC
Màn thể dục giữa giờ của học sinh Trường Tiểu học Thượng Ấm (Sơn Dương, Tuyên Quang). Ảnh: NTCC

“Liệu cơm gắp mắm”

Cô Hoàng Thị Kim Thu - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thượng Ấm (Sơn Dương, Tuyên Quang) - chia sẻ: “Sở GD&ĐT đã quan tâm, đầu tư, cấp đầy đủ trang thiết bị để giảng dạy môn Giáo dục thể chất. Bên cạnh đó, trường ưu tiên dành diện tích để xây dựng 2 sân tập (1 sân cỏ hơn 400m2; sân bê tông 1.000m2) đạt chuẩn yêu cầu Chương trình GDPT 2018. Chúng tôi đang triển khai xây dựng phòng đa năng mới, dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng đầu năm học 2023 - 2024”.

Để nâng cao chất lượng giảng dạy, tạo sự hứng thú cho học sinh với môn học này, Trường Tiểu học Thượng Ấm còn thành lập câu lạc bộ giáo dục thể chất. “Học sinh có môi trường giải trí sau mỗi ngày học tập căng thẳng. Câu lạc bộ còn bồi dưỡng thêm đam mê thể thao cho những em có năng khiếu; đặc biệt giúp các em nâng cao ý thức tập thể dục, thể thao, rèn luyện sức khỏe, phát triển cả thể chất lẫn tinh thần…”, cô Kim Thu cho biết thêm.

Trường Tiểu học Thạnh An (huyện Cần Giờ, TPHCM) đã được đầu tư đầy đủ cơ sở vật chất, nhà chức năng, sân thể thao, trang thiết bị, dụng cụ. Tuy nhiên, hằng năm, Ban giám hiệu vẫn vận động thêm trang thiết bị giúp học sinh có điều kiện thuận lợi hơn trong quá trình học tập môn Giáo dục thể chất.

Thầy Lê Hữu Bình, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay: “Dựa trên cơ sở vật chất được đầu tư từ khi xây dựng, trường vận động nhà hảo tâm làm thêm mái che để học sinh học tập thuận lợi trong điều kiện thời tiết nắng nóng. Đầu năm học, nhà trường vận động xã hội hóa đồng phục, giày thể thao cho tất cả học sinh, nhờ đó các em vơi đi một phần khó khăn và yên tâm học tập”.

Tương tự, để thực hiện nhiệm vụ giáo dục thể chất trong Chương trình GDPT 2018, Trường THCS Yên Phúc (Văn Quan, Lạng Sơn), đã trang bị đồ dùng giảng dạy, cơ sở vật chất tương đối đủ. Ngoài sân bãi tập, nhà trường bố trí thêm đường chạy các cự ly, hố cát nhảy xa; đồ dùng giảng dạy nhảy cao, tranh, ảnh mô phỏng động tác thể dục trong các bài học cũng được bổ sung.

Học sinh Trường THCS Yên Phúc (huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn) tham gia đá bóng. Ảnh: NTCC

Học sinh Trường THCS Yên Phúc (huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn) tham gia đá bóng. Ảnh: NTCC

“Chúng tôi yêu cầu giáo viên tìm hiểu, nghiên cứu các video chiếu cho học sinh xem những bài học khó trước khi đi vào thực hành. Hàng năm, trường tiến hành rà soát, bổ sung đồ dùng dạy học còn thiếu (đệm nhảy, cầu, bóng chuyền, lưới...) để chủ động bổ sung, đáp ứng yêu cầu cơ bản trang thiết bị đồ dùng giảng dạy bộ môn”, cô Trần Thị Lý - Hiệu trưởng nhà trường cho biết.

Những năm qua, cùng với nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (Quận 4, TPHCM) luôn ưu tiên, dành nhiều nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất và tích cực triển khai các hoạt động thể dục, thể thao trong trường học.

Thầy Hiệu trưởng Đỗ Đình Đảo cho biết: “Dù điều kiện chưa đáp ứng hết yêu cầu cơ sở vật chất, thiết bị theo môn Giáo dục thể chất đề ra, song dựa trên hiện trạng đã có cũng như chuyên môn giáo viên, trường lựa chọn ra các môn thể thao (bóng rổ, bóng bàn, bóng chuyền, cầu lông, đá cầu…) để giảng dạy. Đầu mỗi năm học, chúng tôi đều xây dựng kế hoạch đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất cho môn Giáo dục thể chất như cải tạo sân, mua mới trụ bóng rổ, lưới đánh bóng chuyền, vợt cầu lông, đá cầu…”.

Bên cạnh đó, từ nguồn kinh phí được cấp, Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ cũng “liệu cơm gắp mắm”, phân bổ đầu tư, mua sắm cơ sở vật chất hợp lý cho từng môn học, nhằm đảm bảo triển khai giảng dạy và yêu cầu về chất lượng của chương trình môn học đề ra.

Hằng năm, Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ đều xây dựng kế hoạch đầu tư, cải tạo cơ sở vật chất. Ảnh: NTCC

Hằng năm, Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ đều xây dựng kế hoạch đầu tư, cải tạo cơ sở vật chất. Ảnh: NTCC

Nỗ lực đầu tư

Tại huyện Đình Lập (Lạng Sơn), bước vào năm học mới, Phòng GD&ĐT đều chỉ đạo, yêu cầu các trường rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học trong đó chú trọng đến sân chơi, bãi tập, nhà thể chất và dụng cụ, thiết bị học nhằm giúp học sinh nâng cao thể lực, ý thức việc rèn luyện sức khỏe qua các hoạt động thể dục, thể thao.

Bà Ninh Thu Giang, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đình Lập (Lạng Sơn), chia sẻ: “Các trường học trên địa bàn huyện đều có sân chơi, bãi tập, nhà đa năng, trang thiết bị cơ bản đảm bảo yêu cầu cho giảng dạy. Đối với những xã khó khăn, diện tích chưa đủ, các trường sẽ tận dụng nhà văn hóa, sân bóng của xã khi giảng dạy. Đồng thời, ngoài đảm bảo yêu cầu chương trình đề ra, chúng tôi cũng lưu ý các trường dựa trên thực tế để lựa chọn, tổ chức các môn và hoạt động hội thao phù hợp. Mỗi giáo viên cần nghiên cứu các phương pháp giảng dạy hiệu quả nhất…

Đình Lập là huyện vùng núi khó khăn, có nhiều điểm trường lẻ, quy mô, diện tích trường học nhỏ. Do vậy, hằng năm khi xây dựng quy hoạch, Phòng GD&ĐT đã định hướng các trường, địa phương chú ý bố trí quỹ đất xây dựng sân chơi, bãi tập và phòng đa năng để triển khai giảng dạy môn Giáo dục thể chất”.

Tương tự Đình Lập, Si Ma Cai cũng là huyện miền núi khó khăn của tỉnh Lào Cai. Tuy nhiên, ngành Giáo dục đã đặc biệt chú trọng đầu tư cơ sở vật chất để triển khai các môn học, trong đó có Giáo dục thể chất.

“Những trường đang xây dựng, chưa bố trí được khu giáo dục thể chất, Phòng sẽ hướng dẫn chủ động triển khai với điều kiện thực tế. Ví như, có thể mượn sân của trường gần nhất; những trường gần nhà đa năng xã cũng có thể tận dụng để giảng dạy”, bà Oanh chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Kiều Oanh, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Si Ma Cai, cho biết: “Đầu năm học, chúng tôi yều cầu các trường báo cáo điều kiện, cơ sở vật chất, giảng dạy; lưu ý các đơn vị bám sát yêu cầu chung của chương trình để triển khai; gặp khó khăn, vương mắc báo cáo về Phòng để có sự hướng dẫn khắc phục. Các thiết bị được cấp trước đó nếu hư hỏng, Phòng sẽ nắm bắt thực tế và mua bổ sung. Hiện nay, về cơ bản sân chơi bãi tập các trường học đã đáp ứng môn học”.

Bước vào năm thứ 3 triển khai Chương trình GDPT 2018, và đóng chân ở thành phố nhưng nhiều trường học ở Quận 4, TP Hồ Chí Minh còn thiếu một số dụng cụ dạy học cần thiết để giảng dạy. Bà Phạm Thúy Hà, Phó Trưởng phòng GD&ĐT Quận 4, cho biết: “Với môn Giáo dục thể chất, một trong những khó khăn lớn chúng tôi gặp phải là nguồn kinh phí mua sắm trang thiết bị phụ thuộc vào ngân sách. Do đó, tùy theo tình hình thực tế mới được đầu tư.

Cùng với đó, đa số sân trường trên địa bàn quận có kích thước nhỏ, không đủ điều kiện để học sinh học tập chính khóa; rèn luyện ngoại khóa còn khó khăn hơn với các môn bóng đá, bóng ném, bóng chuyền để tham gia thi đấu giải thể thao học sinh. Vì vậy, giáo viên Giáo dục thể chất phải tận dụng thiết bị có sẵn và một phần từ nguồn vận động phụ huynh, tự làm thêm dụng cụ giảng dạy…”.

Một tiết học thể dục của Trường THCS Yên Phúc (huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn). Ảnh: NTCC

Một tiết học thể dục của Trường THCS Yên Phúc (huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn). Ảnh: NTCC

Linh hoạt gỡ khó

Bà Hà Thị Khánh Vân - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn - chia sẻ: “Mới đây, UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Đề án đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho trường mầm non, phổ thông công lập trên địa bàn giai đoạn 2022 – 2025. Theo đó, để triển khai Chương trình GDPT 2018, Lạng Sơn đặc biệt chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ cho tất cả các môn học, trong đó có Giáo dục thể chất.

Sở đồng thời, yêu cầu các nhà trường thực hiện rà soát đất đai, cơ sở vật chất tại trường chính, điểm trường; xác định chính xác nhu cầu đầu tư xây dựng từng điểm trường theo quy hoạch phát triển để đảm bảo hiệu quả. Quan tâm trang bị cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các trường, lớp học, xây dựng và đăng ký sử dụng đất cho các trường cần mở rộng mặt bằng theo kế hoạch đầu tư xây dựng.

Đặc biệt, Sở đã triển khai rà soát, thống kê, xác định nhu cầu đầu tư, mua sắm thiết bị dạy học chi tiết của từng cơ sở giáo dục để thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới trên địa bàn tỉnh. Xây dựng kế hoạch chi tiết sử dụng thiết bị dạy học theo quy định của chương trình giáo dục đối với từng khối, lớp, môn học. Quản lý, sử dụng thiết bị dạy học, phương tiện dạy học, phòng học bộ môn đúng mục đích, đảm bảo gọn gàng, khoa học, an toàn, đúng quy định”.

Bà Khánh Vân cũng cho biết thêm, dù quy mô, diện tích các trường học nhỏ kéo theo diện tích sân tập, nhà đa năng hạn chế, song vẫn luôn lưu ý các trường phải đảm bảo yêu cầu chương trình giảng dạy đề ra. Trong quá trình thực hiện quy hoạch xây dựng trường lớp, phải tính toán có diện tích xây dựng phòng đa năng, sân tập… phục vụ giảng dạy môn Giáo dục thể chất.

Với Trường THCS Yên Phúc (Lạng Sơn), cô Trần Thị Lý - Hiệu trưởng nhà trường - trao đổi, một số yêu cầu về cơ sở vật chất của Chương trình GDPT 2018 tại Thông tư 13/2020/TT-BGDĐT như sân thể dục, thể thao có tổng diện tích từ 350m2; nhà đa năng 450m2… trường chưa đạt được. Không những thế, trường chưa có nhà đa năng để tổ chức các hoạt động giáo dục thể chất cho học sinh toàn trường, kinh phí mua sắm, bổ sung trang bị đồ dùng môn học ít nên hoạt động giáo dục thể chất chưa đa dạng.

“Tháo gỡ những khó khăn này, chúng tôi đang tận dụng sân trường để giảng dạy môn Giáo dục thể chất. Khi tổ chức thể dục, thể thao toàn trường sẽ mượn sân bóng của địa phương. Trường đang nỗ lực tận dụng và gỡ khó theo nhiều cách để tăng cường điều kiện học tập, học sinh có cơ hội thể hiện năng khiếu với các môn thể thao, từ đó phát hiện và bồi dưỡng thêm cho các em…”, cô Lý cho biết.

“Trường có 2 giáo viên giảng dạy bộ môn Giáo dục thể chất. Theo đó, ngoài những tiết dạy tại sân tập, chúng tôi còn yêu cầu giáo viên xây dựng bài giảng, tư liệu phong phú, sinh động để những ngày thời tiết khắc nghiệt không thể học ngoài trời, có thể dạy trong lớp. Từ đó, cũng giúp giáo viên có thêm nhiều bài giảng lý thuyết hấp dẫn, video hướng dẫn thực hành chi tiết các động tác môn học. Việc đầu tư bài giảng cũng giúp học sinh nhận thức rõ ý nghĩa môn học và có phương pháp học tập hiệu quả…”. - Cô Hoàng Thị Kim Thu – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thượng Ấm (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.