Dở khóc, dở cười
Bắt đầu học kỳ II năm học 2022 – 2023, thầy giáo Châu Văn Sơn, Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Trà Mai (Nam Trà My, Quảng Nam) đảm nhiệm thêm 8 tiết môn Thể dục ở khối lớp 7 và 8. Số tiết dạy tăng thêm của thầy Sơn là 8 so với định mức chuẩn của giáo viên.
Trước đó, nhà trường ký hợp đồng với một giáo viên thể dục nhưng do lương thấp, không đủ đảm bảo cuộc sống nên chỉ sau 4 tháng đã xin chấm dứt hợp đồng. “Trắng” giáo viên dạy thể dục, Ban giám hiệu buộc phải phân công 2 giáo viên bộ môn Hóa và Vật lý kiêm nhiệm. Mỗi giáo viên sẽ dạy thể dục cho 2 khối lớp.
Vừa đảm nhận vai trò Tổng phụ trách Đội, vừa đứng lớp dạy môn Vật lý ở khối 7 và 9, nay lại kiêm thêm phân môn Thể dục, số giáo án phải soạn giảng của thầy Sơn vì vậy cũng nhiều lên. Như thầy Sơn chia sẻ: “Thời gian đầu tư để nghiên cứu, lên kế hoạch bài dạy cho môn Thể dục nhiều hơn cả môn chính. Để có một tiết dạy thể dục “trôi chảy”, tôi phải xem đi xem lại clip tiết dạy mẫu, một số nội dung phải tham khảo thêm kinh nghiệm của giáo viên thể dục các trường bạn”.
Dù đã đầu tư cả công sức và thời gian cho môn Thể dục, nhưng thầy Sơn vẫn thừa nhận, không thể đạt kỹ thuật và thành tích như một giáo viên thể dục. Chưa kể cách tổ chức dạy học ở không gian sân thể dục cũng khác hẳn với không gian trong phòng học, từ cách khởi động đến ổn định lớp…
Theo thầy Sơn, có những tình huống dở khóc dở cười như, khi thị phạm động tác nhảy cao, giáo viên do có tập luyện trước đó nên vẫn đảm bảo kỹ thuật. Thế nhưng, khi nâng lên mức xà cao hơn thì thành tích nhảy còn thua cả học sinh. “Dạy học không đúng chuyên môn đào tạo thì chất lượng không thể bằng giáo viên chuyên môn, nhưng phải cố gắng vì nhiệm vụ của trường và để học sinh không bị thiệt thòi”, thầy Sơn chia sẻ.
Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học – THCS Trà Nam (Nam Trà My, Quảng Nam) có 2 chỉ tiêu biên chế giáo viên thể dục nhưng chỉ có một biên chế còn lại là một hợp đồng. Tuy nhiên, vì giáo viên tiểu học cũng đang rất thiếu nên giáo viên thể dục hợp đồng được nhà trường bồi dưỡng thêm để dạy lớp 3. Với một giáo viên thể dục dạy cho cả tiểu học và THCS, số tiết dạy phải đảm nhận trong một tuần là 27 tiết, giáo án rải đều ở các khối lớp từ 1 đến 9. Vì vậy, khối lượng công việc của giáo viên thể dục rất lớn, dạy phủ cả sáng và chiều.
Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Nam Trà My (Quảng Nam) chơi bóng đá sau giờ học. Ảnh: Trường Kỳ |
Khó giữ chân giáo viên hợp đồng
Có duy nhất giáo viên thể dục biên chế nên Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Trà Dơn (Nam Trà My, Quảng Nam) phải hợp đồng thêm một giáo viên nữa. Dù trường có chỉ tiêu biên chế cho vị trí giáo viên thể dục nhưng cũng không tuyển được. Theo Chương trình GDPT 2018, mỗi lớp có 2 tiết thể dục/tuần, cộng với số tiết dạy các khối 4 - 5 Chương trình GDPT 2006 thì chỉ 1 giáo viên đảm nhận dạy thể dục sẽ vượt quá nhiều tiết.
Thầy Trương Công Một, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Các trường tổ chức bán trú, ngoài dạy phân môn Thể dục thì các hoạt động thể dục - thể thao rất nhiều. Điều này phù hợp với đặc điểm tâm lý của học sinh đồng bào là thích hoạt động văn nghệ - thể thao. Vì vậy, trường hợp đồng thêm một giáo viên thể dục để đảm bảo các hoạt động thể chất cho học sinh. Tuy nhiên, giáo viên này còn kiêm nhiệm dạy một số môn khác như Tự nhiên – Xã hội, Đạo đức để giảm bớt số tiết cho giáo viên văn hóa”.
Với 12 điểm trường, 2 giáo viên thể dục của Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Trà Dơn chỉ có thể đảm nhận dạy ở điểm trường chính và điểm trường nóc Ông Hà. Các điểm trường còn lại, giờ thể dục do giáo viên đứng điểm đảm nhiệm. “Từ điểm trường này di chuyển sang điểm trường kia cũng mất 4 - 5 tiếng đồng hồ đi bộ. Vì vậy, giáo viên bộ môn không thể đến từng điểm để dạy được”, thầy Một chia sẻ.
Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Trà Tập (Nam Trà My, Quảng Nam) có 11 điểm trường. Nhà trường có 2 giáo viên dạy thể dục, trong đó có một giáo viên theo diện hợp đồng với mức lương 3,9 triệu đồng/tháng sau khi đã đóng bảo hiểm xã hội.
Thầy giáo Lê Huy Phương - Hiệu trưởng nhà trường - cho biết: “Do khoảng cách giữa các điểm trường lẻ khá xa nên nhà trường phân công cho giáo viên dạy văn hóa đảm nhiệm luôn dạy phân môn Thể dục. Trong chương trình đào tạo giáo viên tiểu học đã có phân môn Thể dục nên trường chỉ bồi dưỡng, cập nhật những yêu cầu, nội dung mới cho giáo viên”.
Trong khi đó, ở Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Trà Mai (Nam Trà My, Quảng Nam), nhà trường ký hợp đồng với một giáo viên thể dục nhưng do lương thấp, không đủ đảm bảo cuộc sống nên chỉ sau 4 tháng đã xin chấm dứt hợp đồng.
Huyện miền núi Nam Trà My (Quảng Nam), nhiều trường phải hợp đồng giáo viên dạy thể dục hoặc bố trí giáo viên dạy trái môn để giải quyết sự thiếu hụt trong đội ngũ. Một trong những lý do mà cán bộ quản lý các trường học đưa ra cho việc thiếu và khó tuyển giáo viên thể dục là điều kiện công tác ở vùng miền núi cao quá khó khăn trong khi thu nhập thấp, không đủ trang trải cuộc sống.