Trăn trở dạy giáo dục thể chất

GD&TĐ - Vận dụng nhiều giải pháp để ngày càng nâng cao chất lượng môn học nhưng trên thực tế, việc triển khai dạy môn học này còn không ít khó khăn...

Giờ Giáo dục thể chất tại Trường THCS Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội. Ảnh: NTCC
Giờ Giáo dục thể chất tại Trường THCS Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội. Ảnh: NTCC

Nỗi lo thường trực

Cơ sở vật chất, sân chơi, bãi tập… phục vụ dạy học giáo dục thể chất là khoảng trống khó lấp ở đa số các trường, dù vùng thuận lợi hay khó khăn.

“Việc chỉ đánh giá bằng tiêu chí “đạt” và “chưa đạt” là hợp lý, học sinh có ý thức tốt là có thể đạt được tiêu chí đánh giá môn Giáo dục thể chất”. - Cô Đặng Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội

Nằm ở nội thành Hà Nội, lại đúng quận có áp lực lớn nhất về trường, lớp, Trường THCS Hoàng Liệt (Hoàng Mai) không tránh khỏi khó khăn khi triển khai dạy học Giáo dục thể chất, dù đây là môn học được nhà trường hết sức chú trọng. Cô Hiệu trưởng Đặng Thị Thu Hà cho biết, trường còn một số hạn chế về cơ sở vật chất như không có nhà thể chất, diện tích trường hẹp, sân chơi liền khu tập thể dục nên khó triển khai hiệu quả các môn học. Hố nhảy xa, hố cát không có…

“Khu vực sân khoảng 1.000m vừa là địa điểm học thể chất, vừa là chỗ học sinh vui chơi. Với môn điền kinh, trường không có đủ cự ly 200m, 400m, 800m. Môn bơi cũng không thể đáp ứng được trong trường. Do đó, hầu như giáo viên dạy chỉ mang tính chất giới thiệu, làm quen, học những vấn đề cơ bản… Với học sinh có năng khiếu, trường phối hợp chặt chẽ với phụ huynh cho con tham gia các CLB bên ngoài để có điều kiện phát triển.

Nếu có nhà thể chất thì sẽ thuận lợi hơn, nhưng trên thực tế, cùng một khoảng thời gian có tới 3 tiết thể dục thì nhà thể chất cũng không thể đáp ứng. Trong khi đó, yêu cầu với môn Giáo dục thể chất là không xếp 2 tiết liền nhau, không xếp tiết 5 nên thường dồn vào các tiết giữa”, cô Đặng Thị Thu Hà cho hay.

Đối với các trường vùng khó, ông Phan Văn Thiết, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) cho biết, hiện nay 100% các trường trên địa bàn nghiêm túc tổ chức dạy học môn Giáo dục thể chất đúng theo chương trình quy định của Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, tổ chức dạy học còn ở mức độ trung bình do điều kiện về sân bãi, thiết bị đồ dùng dạy học thiếu và yếu…

“Với đặc điểm học sinh chủ yếu ở vùng núi cao, từ nhỏ thường xuyên đi lại trên cung đường khó khăn, nên hầu hết các em có tố chất về sức khỏe, ham học môn Giáo dục thể chất. Đội ngũ giáo viên môn học này cũng cơ bản đầy đủ số biên chế trong mỗi trường học, trẻ khỏe, năng động, nhiệt tình, trách nhiệm cao. Tuy nhiên, do địa hình đồi núi cao, nên ít trường học đủ mặt bằng sân chơi theo quy chuẩn.

Ngoài Trường PTDTNT THCS Kỳ Sơn, còn 18/19 trường không đủ diện tích sân chơi bãi tập, thiếu đầu tư đồng bộ nên cơ sở vật chất còn nghèo nàn. Hằng năm có sự bổ sung mua sắm nhưng mới ở mức đáp ứng tối thiểu, như bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, đá cầu, dây nhảy… Điều này làm ảnh hưởng lớn đến nâng cao chất lượng môn học”, ông Phan Văn Thiết chia sẻ.

Tương tự, tại huyện Than Uyên, Lai Châu, Trưởng phòng GD&ĐT Trịnh Ngọc Hải thông tin đã có 100% trường được cấp phương tiện, học liệu dạy học; 100% trường có sân bãi. Học sinh học chương trình mới có đủ SGK. Một số trường học sinh được trang bị giày khi học bộ môn song, đa số sân bãi tập luyện chưa đủ diện tích, không có sân ném bóng, phương tiện thiết bị được cấp nhưng số lượng ít so với nhu cầu thực tế.

Giờ Giáo dục thể chất tại Trường Tiểu học xã Ta Gia, huyện Than Uyên, Lai Châu. Ảnh: NTCC
Giờ Giáo dục thể chất tại Trường Tiểu học xã Ta Gia, huyện Than Uyên, Lai Châu. Ảnh: NTCC

Nỗ lực dạy học theo chương trình mới

Trong điều kiện còn khó khăn, môn Giáo dục thể chất theo Chương trình GDPT 2018 được các trường nỗ lực triển khai. Thầy Nguyễn Ngọc Hưng, Trường THPT Nguyễn Thị Định, Bến Tre cho biết: Quán triệt chỉ đạo, hướng dẫn của Sở GD&ĐT, nhà trường đã quan tâm chuẩn bị mọi điều kiện và tổ chức triển khai thực hiện chương trình mới, trong đó có môn Giáo dục thể chất.

Trường chỉ đạo tổ bộ môn rà soát lại trang thiết bị, vật chất, dụng cụ giảng dạy để kịp thời bổ sung đảm bảo phù hợp cho sự lựa chọn môn thể thao học sinh sẽ đăng ký học trên nhu cầu thực tế. Từ đó, bảo đảm mọi học sinh đều được học tập, rèn luyện với nội dung phù hợp, đáp ứng yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực quy định trong chương trình.

Tổ bộ môn triển khai nội dung thể thao tự chọn gồm 3 nhóm: Kĩ thuật cơ bản (lớp 10), kĩ thuật nâng cao (lớp 11), vận dụng, thi đấu (lớp 12). Học sinh có thể lựa chọn một môn thể thao cho cả ba năm học hoặc mỗi năm học lựa chọn một môn. Giáo viên chủ động xây dựng, thực hiện kế hoạch giáo dục môn học phù hợp với tình hình thực tế nhà trường và lớp học mình phụ trách, trên cơ sở bảo đảm mục tiêu giáo dục và yêu cầu cần đạt của chương trình đối với cấp học, lớp học.

“Có thể nói, thuận lợi của nhà trường là quan điểm về bộ môn của cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh, học sinh, cộng đồng được thay đổi, không còn xem như môn học phụ, đã có cái nhìn thấu đáo hơn về sự cần thiết của môn học. Học sinh được lựa chọn môn thể thao yêu thích hay sở trường để luyện tập nên giáo dục thể chất không còn là môn học khó khăn, ám ảnh đối với các em ít năng khiếu.

Tuy nhiên, với điều kiện cơ sở vật chất như hiện nay (chưa có nhà thi đấu đa năng), phải thiết kế sân bãi và học ngoài trời nên hiệu quả mang lại chưa cao. Đồng thời, chưa đa dạng hóa các môn thể thao để học sinh lựa chọn theo đúng nguyện vọng của mình”, thầy Nguyễn Ngọc Hưng chia sẻ.

Nghiên cứu về việc triển khai môn Giáo dục thể chất theo Chương trình GDPT 2018, TS Nguyễn Xuân Đoàn và TS Nguyễn Thị Hà, Khoa Giáo dục Thể chất, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đã tiến hành điều tra, khảo sát 34 trường THPT thuộc 12 tỉnh thành phía Bắc. Nội dung điều tra, khảo sát cụ thể gồm: Số lượng giáo viên, học sinh, số lớp học, cơ sở vật chất (nhà tập đa năng, sân tập, sân vận động sử dụng tập luyện bóng đá, điền kinh).

Kết quả khảo sát cho thấy, số lượng giáo viên thể dục - thể thao biên chế trong các trường THPT không đều. Cụ thể, 11/34 trường có biên chế từ 6 - 8 giáo viên; 23/34 trường có biên chế từ 2 - 5 giáo viên (trong đó, 7 trong số 23 trường chỉ có từ 2 - 3 giáo viên thể dục - thể thao). Khi chuyển sang thực hiện dạy - học theo chương trình mới, số môn thể thao tự chọn trong mỗi lớp có từ 5 - 7 môn.

Các nhà trường chỉ có từ 2 - 5 giáo viên (có chuyên sâu) sẽ khó đáp ứng được yêu cầu về biên chế lớp học trong một tiết học. Như vậy, số đông giáo viên thể dục - thể thao không thể đáp ứng được yêu cầu cao về chuyên môn ở nhiều môn thể thao khác nhau. Khảo sát tại 34 trường THPT cho thấy: 14/34 trường có sân vận động (dạy môn Bóng đá và Điền kinh); 24/34 trường có nhà tập đa năng; 18/34 trường có sân tập Bóng chuyền riêng; 10/34 trường có sân tập Bóng rổ riêng và 4/34 trường chỉ có sân bóng đá mini.

Với thực trạng cơ sở vật chất và sân bãi tập luyện của các trường, khi thực hiện chương trình mới sẽ khó đáp ứng được hoạt động dạy và học. Đặc biệt, những trường ở thành phố đều có số lượng học sinh đông sẽ gặp khó khăn về sân bãi. Cụ thể: Diện tích thiếu, không gian chật hẹp (mặc dù khả năng kinh phí để xây dựng có nhưng khó khăn về diện tích đất)… Điều này có thể ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình triển khai nội dung tiết học, hiệu quả của các hoạt động dạy và học trong môn Giáo dục thể chất.

Để triển khai tổ chức thực hiện có hiệu quả, TS Nguyễn Xuân Đoàn và TS Nguyễn Thị Hà cho rằng, cần có sự vào cuộc và quan tâm của các cấp lãnh đạo, quản lý. Theo đó, đội ngũ giáo viên được bổ sung đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu dạy học. Thầy cô cần được bồi dưỡng hoặc đào tạo bổ sung về chuyên môn nghiệp vụ, có khả năng đáp ứng yêu cầu cao về chuyên môn ở nhiều môn thể thao khác nhau. Cơ sở vật chất cần đáp ứng tối thiểu về sân bãi, dụng cụ luyện tập cho nhiều lớp học lựa chọn một hoặc nhiều môn thể thao khác nhau trong cùng một tiết học.

Giờ Giáo dục thể chất tại Trường PTDTBT Tiểu học xã Khoen On, huyện Than Uyên, Lai Châu. Ảnh: NTCC

Giờ Giáo dục thể chất tại Trường PTDTBT Tiểu học xã Khoen On, huyện Than Uyên, Lai Châu. Ảnh: NTCC

Giải pháp khắc phục khó khăn

Trong điều kiện còn khó khăn, đặc biệt về cơ sở vật chất, các nhà trường đã có những giải pháp, cách làm để tăng hiệu quả môn học. Tại Trường THCS Hoàng Liệt, khắc phục diện tích chật chội, cô Đặng Thị Thu Hà cho biết, giáo viên nhà trường căn cứ tình hình thực tế, điều tiết để từng nhóm học sinh vận động, tranh thủ, xen kẽ, không để có “thời gian chết”; trong lúc lớp này vận động mạnh thì lớp kia vận động tĩnh và ngược lại...

Còn với Trường THPT Nguyễn Thị Định, theo thầy Nguyễn Ngọc Hưng, nhà trường tận dụng trang thiết bị hiện có, bổ sung kịp thời trang thiết bị cấp thiết, hoán đổi nội dung dạy giữa các giáo viên bộ môn để đảm bảo sân bãi, dụng cụ phục vụ tốt cho việc học tập của học sinh. Hằng tuần, họp nhóm giáo viên Giáo dục thể chất rút kinh nghiệm để kịp thời giải quyết, khắc phục khó khăn, vướng mắc, đưa ra giải pháp tối ưu nhất trong triển khai giảng dạy.

Tại huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), theo Trưởng Phòng GD&ĐT Phan Văn Thiết, Phòng GD&ĐT có công văn chỉ đạo việc thực hiện hoạt động Giáo dục thể chất trong trường học từ đầu năm học. Qua đó, giao trách nhiệm cho các trường nghiêm túc tổ chức dạy học đúng, đủ số tiết Giáo dục thể chất theo quy định của Bộ GD&ĐT. Đồng thời, tăng cường kiểm tra tu bổ sân chơi bãi tập, mua sắm đáp ứng cơ bản về thiết bị, đồ dùng dạy học môn Giáo dục thể chất.

“Huyện tổ chức Hội khỏe Phù Đổng cấp trường 1 lần/năm học. Hằng tháng, hằng tuần có kế hoạch tổ chức đa dạng các hình thức tập luyện và thi đấu theo bộ môn: Bóng chuyền, Bóng đá theo khối, Cầu lông theo cặp, theo bản làng, phòng ở… Tăng cường các giải thi đấu trong trường nhằm thu hút học sinh, kích thích sự ham muốn chơi thể thao, bởi đây là đặc thù mà học sinh vùng cao, vùng dân tộc thiểu số yêu thích. Từ đó, góp phần giảm tỷ lệ học sinh bỏ học”, ông Phan Văn Thiết cho hay.

Với huyện Than Uyên, Lai Châu, ông Trịnh Ngọc Hải cho biết, Phòng GD&ĐT chỉ đạo các trường triển khai đề án Giáo dục thể chất giai đoạn 2017 - 2025, trong mỗi năm học tổ chức phát hiện và bồi dưỡng học sinh năng khiếu về thể dục thể thao; thường xuyên tổ chức các hoạt động thể thao trong nhà trường cho học sinh thông qua hoạt động các câu lạc bộ thể dục - thể thao. Phòng đồng thời quan tâm chỉ đạo các trường tích cực làm bổ sung đồ dùng dạy học bộ môn. Hằng năm tổ chức kiểm tra việc tổ chức dạy học môn Giáo dục thể chất và việc triển khai đề án Giáo dục thể chất giai đoạn 2017 - 2025 của các trường.

Để triển khai tốt môn Giáo dục thể chất, các nhà trường đều mong mỏi được quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, tăng cường bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên để có thể đảm nhiệm tốt hơn các môn chuyên sâu khác trong giảng dạy. Sự thay đổi nhận thức, nhận thấy tầm quan trọng của môn học cũng là điều vô cùng cần thiết để Giáo dục thể chất nhận được sự quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện, phối hợp của cơ quan quản lý, nhà trường, gia đình…

“Theo Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT, kết quả giáo dục thể chất phải căn cứ vào mục tiêu và các yêu cầu cần đạt trong chương trình, bảo đảm toàn diện, khách quan, có phân hóa. Phải kết hợp giữa đánh giá thường xuyên và định kỳ, kết hợp giữa đánh giá của giáo viên và tự đánh giá của học sinh để điều chỉnh kịp thời hoạt động dạy - học”. - Thầy Nguyễn Ngọc Hưng, Trường THPT Nguyễn Thị Định, xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, Bến Tre.


Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ