Không bỏ rơi học sinh khuyết tật trong giáo dục thể chất

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nhiều trường chuyên biệt đã triển khai môn Giáo dục thể chất linh hoạt giúp trẻ khuyết tật phát triển toàn diện hơn...

Học sinh Trường Tiểu học Bình Minh trong một trò chơi vận động tại trường. Ảnh: Đình Tuệ
Học sinh Trường Tiểu học Bình Minh trong một trò chơi vận động tại trường. Ảnh: Đình Tuệ

Với phương châm “không để học sinh không vận động thể chất”, nhiều trường chuyên biệt đã triển khai môn Giáo dục thể chất linh hoạt nhằm đảm bảo phù hợp thời lượng, yêu cầu tối thiếu, giúp trẻ khuyết tật phát triển toàn diện hơn.

Linh hoạt hình thức tập luyện

Trường Tiểu học Bình Minh (Hoàn Kiếm, Hà Nội) có 322 học sinh/17 lớp. Số trẻ khuyết tật là hơn 200 em, chủ yếu rối loạn phát triển và khuyết tật trí tuệ. Thầy Dương Bảo Ngọc - giảng dạy bộ môn Giáo dục thể chất 30 năm tại trường - chia sẻ:

“Dạy học sinh thường và khuyết tật có sự khác biệt cơ bản về chương trình và phương pháp. Với học sinh khuyết tật, người thầy phải hiểu đặc điểm để áp dụng hình thức lên lớp khác nhau. Trẻ bị hạn chế khả năng vận động do điều khiển của trí não, tập trung kém… càng phải thay đổi phương pháp liên tục, triển khai nhiều trò chơi vận động tạo hứng thú, cuốn hút tham gia”.

Cũng theo thầy Ngọc, trong chương trình giáo dục phổ thông môn Giáo dục thể chất có nhiều nội dung nếu áp dụng nguyên sẽ khiến học sinh khuyết tật nhàm chán. Do đó, giáo viên cần giảm bớt yêu cầu bài học, thay thế bằng trò chơi dân gian với mức độ yêu cầu đơn giản và triển khai nhiều lần giúp học sinh biết cách chơi, vận động cả thể chất và trí tuệ.

Ví như, với bài tập hợp hàng dọc, giáo viên đánh dấu 1 tổ/hàng vị trí từng em, dùng nhiều màu sắc bằng sơn hoặc giấy decan với hình thù khác nhau (vuông, tròn, chữ nhật…) để các em dễ nhớ đội hình đội ngũ. “Nếu giáo viên chỉ ra hiệu lệnh, điều khiển, học sinh sẽ kém tương tác. Thầy cô không chỉ dạy mà cần tích cực tập luyện với học sinh khuyết tật, tạo không khí học tập hòa đồng, thân thiện để kích thích các em khi tham gia môn học…”, thầy Ngọc chia sẻ kinh nghiệm.

Cô Trịnh Thị Lệ Thu, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Minh trao đổi, nội dung Giáo dục thể chất nằm trong kế hoạch giáo dục nhà trường và được xây dựng từ đầu năm. Trường có 2 mô hình là khối tiểu học hòa nhập và giáo dục đặc biệt. Khối tiểu học hòa nhập, mỗi lớp có cả học sinh hòa nhập và học sinh bình thường, thực hiện Chương trình GDPT 2018 từ lớp 1 đến lớp 3, đảm bảo chương trình mục tiêu của môn Giáo dục thể chất.

Riêng khối giáo dục đặc biệt, nội dung môn Giáo dục thể chất được điều chỉnh linh hoạt với từng lớp và đối tượng học sinh. Dựa trên hiểu biết, đặc điểm thể loại khuyết tật của học trò, giáo viên quyết định phương pháp dạy học sao cho sát thực tế, và hiện thực hóa trong các chủ đề, bài soạn giảng.

“Khó khăn lớn nhất hiện nay trong Giáo dục thể chất học sinh khuyết tật là điều kiện sân bãi, trang thiết bị dụng cụ học tập mang tính đặc thù thiếu nhiều. Chúng tôi mong muốn lãnh đạo các cấp tiếp tục quan tâm để tạo sân chơi đầy đủ, đảm bảo hơn cho học sinh khuyết tật…”, cô Thu bày tỏ mong muốn.

Cô Thu cũng cho rằng, mục tiêu giáo dục thể chất học sinh khuyết tật đôi khi chỉ nhằm giúp các em đạt hiệu quả vận động. Học sinh nào khuyết tật nặng, tính khí thất thường, không nghe lời thầy cô thì không thể áp dụng tiêu chuẩn thông thường.

Những em bị tăng động, chạy ra ngoài nguy cơ mất an toàn cao thì giáo viên cần lựa chọn dụng cụ tập luyện tránh nguy cơ sát thương, chấn thương khi tập. Tất cả thiết bị hỗ trợ tập thể dục cho học sinh khuyết tật phải được nhà trường, giáo viên bộ môn tìm hiểu, nghiên cứu để đảm bảo an toàn cao nhất cho trẻ…

Tạo sân chơi giúp trò vận động

Với 425 học sinh đang theo học ở 27 lớp, trong đó 280 em khuyết tật dạng khiếm thính, Trường PTCS Xã Đàn (Đống Đa, Hà Nội) là một trong những trường chuyên biệt có bề dày giáo dục trẻ khuyết tật. Thầy Phạm Văn Hoan, Hiệu trưởng nhà trường thông tin, trường có 3 cấp học: Mầm non, Tiểu học và THCS.

Ảnh minh họa/ INT

Ảnh minh họa/ INT

Trong đó Mầm non có 3 lớp, cấp Tiểu học 15 lớp, THCS có 9 lớp. Học sinh bình thường học lớp A, học sinh khiếm thính học lớp B và giao tiếp chủ yếu bằng ngôn ngữ ký hiệu. Riêng Mầm non, trường sắp xếp trẻ lành hoạt động chung với trẻ khiếm thính nhưng có chương trình can thiệp sớm dành riêng cho các em.

“Ngoài chú trọng công tác chuyên môn, trường luôn quan tâm đến công tác phát triển Văn - Thể - Mỹ cho học sinh khuyết tật. Trường đang áp dụng thời khóa biểu môn Giáo dục thể chất đúng theo khung chương trình của Bộ GD&ĐT, ngoài ra còn tổ chức các hoạt động để học sinh được trải nghiệm như CLB thể thao, các cuộc thi dịp lễ, Tết…

Đặc biệt, Ngày Người Khuyết tật Việt Nam (18/4) hằng năm đã trở thành ngày hội văn hoá - thể thao toàn trường. Vào ngày này, học sinh được cắm trại, trổ tài văn nghệ, thi đấu các môn thể thao tại sân trường như kéo co, nhảy bao bố, cầu lông, bóng bàn, bóng chuyền, bóng rổ, cờ vua, cờ tướng, trò chơi Trí Uẩn… Các hoạt động được thiết kế đảm bảo sự bình đẳng giữa học sinh thường và khiếm thính, tạo niềm vui, trải nghiệm thú vị, khuyến khích học tập”, thầy Hoan nhấn mạnh.

Thầy Phạm Văn Huy, giáo viên môn Giáo dục thể chất của trường cho biết thêm, với học sinh (đặc biệt khiếm thính), quan trọng phải giúp các em ý thức được tầm quan trọng môn học thể chất. Trong sách giáo khoa mới lớp 6, lớp 7, giáo viên cần chú ý lựa chọn và dạy các chủ đề phù hợp giúp học sinh tập luyện hài hòa Đức - Trí - Thể - Mỹ. Việc xây dựng chương trình ngoại khóa, mở CLB thể thao cũng cần được quan tâm để học sinh có cơ hội tập luyện, phát triển năng khiếu cá nhân...

Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu (Hai Bà Trưng, Hà Nội) hiện có 167 học sinh khiếm thị. Cô Trần Thị Phương Lan – Phó Hiệu trưởng cho biết, với đặc thù riêng nên việc tổ chức hoạt động thể dục thể thao cho học sinh đang thực hiện theo hướng linh hoạt, phù hợp từng đối tượng.

Chẳng hạn, phần định hướng di chuyển, trường duy trì sự hỗ trợ của cả phụ huynh và giáo viên để học sinh tăng cường vận động. Bên cạnh đó, trường thường xuyên tổ chức giải bóng đá mini cho học sinh khiếm thị dưới cả hình thức chia đội để đá vòng tròn và sút bóng vào gôn; tổ chức nhiều cuộc thi giúp học sinh tăng cường vận động như dùng gậy di chuyển qua vật cản, chạy có người mắt sáng dẫn đường. Ở môn Giáo dục thể chất có động tác theo yêu cầu, giáo viên dạy theo phương pháp “tay trên tay” trực tiếp, đảm bảo dù học sinh khiếm thị không nhìn được cô làm mẫu vẫn thực hiện được bài học…

“Các nhà trường cần căn cứ vào từng đối tượng học sinh khuyết tật để có giải pháp linh hoạt trong triển khai dạy học Giáo dục thể chất, giúp các em được giáo dục toàn diện. Với học sinh khuyết tật có khả năng và đam mê bộ môn thể thao nào, nhà trường cần tạo điều kiện cho các em được tham gia môn, giải thể thao đó để khẳng định giá trị của bản thân...”. - Ông Phạm Xuân Tiến – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ

Hầm biogas nơi 3 người tại Đồng Nai gặp nạn.

Phòng tránh ngạt khí trong hầm biogas

GD&TĐ - Việc sử dụng hầm biogas tiềm ẩn không ít rủi ro nếu không tuân thủ đúng quy tắc an toàn khi vận hành. Thủ phạm gây ngộ độc khí gas là oxit carbon (CO).
Mẫu viên nang điều trị mất ngủ có thành phần từ dược liệu: Xấu hổ, vông nem, hậu phác nam và cam thảo nam.

Viên nang dược liệu chữa mất ngủ

GD&TĐ - Các nhà khoa học Đại học Y Dược TPHCM đã nghiên cứu bào chế viên nang hỗ trợ điều trị mất ngủ có thành phần từ dược liệu.
Minh họa/INT.

Phê bình nghệ thuật đang ở đâu?

GD&TĐ - Một thực tế khá phổ biến trong đời sống sinh hoạt nghệ thuật là các nhà phê bình lặng lẽ “đi trốn”, phó mặc “sân chơi” truyền thông, mạng xã hội.
Với tư cách ông bà, bạn có rất nhiều điều để cống hiến cho các thế hệ trẻ trong gia đình mình. (Ảnh: ITN)

Kỹ năng giúp ông bà gần gũi cháu

GD&TĐ - Hãy cùng khám phá những lợi ích của việc kết nối với thế hệ trẻ và cách xây dựng mối quan hệ lành mạnh, giàu cảm xúc với con cháu của bạn.