Đầu tư phòng thí nghiệm tiền tỷ
Ngày 8/4, Trường Đại học Lạc Hồng (LHU) phối hợp cùng Tập đoàn sản xuất thiết bị khí nén và công nghệ tự động hóa SMC Corporation (Nhật Bản) khánh thành phòng thực hành khí nén đầu tiên tại Đồng Nai đặt tại tầng 5, Trung tâm Nghiên cứu Khoa học và Ứng dụng LHU. Dự án SMC Automation Lab do SMC tài trợ, chính thức đi vào hoạt động sau một năm triển khai. Phòng thực hành trị giá hơn 6,5 tỷ đồng, dành cho giảng viên, sinh viên.
Ngoài ra, nhà trường nhận được sự tài trợ từ Công ty Trách nhiệm hữu hạn SMC Manufacturing Việt Nam (thuộc SMC Nhật Bản) các gói thiết bị khí nén và công nghệ tự động hóa cho hoạt động chế tạo robot, hợp tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ.
SMC Manufacturing Việt Nam hoàn thành chuyển giao phòng thí nghiệm cho LHU với hàng nghìn thiết bị khí nén, công nghệ tự động hóa hiện đại, tiêu chuẩn cao. Doanh nghiệp này còn giúp nhà trường đào tạo chuyên sâu cho đội ngũ giảng viên ngành Cơ điện - điện tử về lĩnh vực khí nén và tự động hóa, trang bị các phần mềm giảng dạy vận hành thiết bị khí nén, tự động hóa thực tế. Trong hai năm 2023 và 2024, SMC Manufacturing Việt Nam còn tài trợ cho sinh viên nhà trường nhiều gói thiết bị khí nén và tự động hóa phục vụ chế tạo robot để tham dự Cuộc thi sáng tạo Robocon Việt Nam.
Theo lãnh đạo Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, việc xây dựng các phòng thực nghiệm tại Khoa Công nghệ Thông tin mang lại nhiều lợi ích thiết thực và quan trọng cho sinh viên, giảng viên. Phòng thực nghiệm cung cấp môi trường học tập thực tế, nơi sinh viên có thể áp dụng lý thuyết vào thực hành, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo.
Những thiết bị trên giúp sinh viên có nhiều cơ hội tiếp cận, làm việc với các công nghệ, phần mềm hiện đại. Ngoài ra, đây cũng là nơi sinh viên có thể thực hiện các dự án nghiên cứu, thử nghiệm ý tưởng mới và phát triển giải pháp sáng tạo.
Hiện, LHU là trường đại học đào tạo đa ngành. Trong đó, Công nghệ kỹ thuật Điện - Điện tử, Cơ khí, Điều khiển và Tự động hóa là 3 chương trình đào tạo có giảng dạy môn học lý thuyết và thực hành về Khí nén - Thủy lực, thường xuyên tổ chức các cuộc thi chuyên ngành về thiết kế mạch điều khiển khí nén sử dụng PLC.
Đối với lĩnh vực chuyển giao công nghệ, LHU được đánh giá là một trong những cơ sở giáo dục đại học hàng đầu cả nước trong đổi mới công nghệ, có nhiều thành tích trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Theo lãnh đạo nhà trường, bước đi trên giúp LHU phấn đấu xây dựng trở thành trường đại học ứng dụng hàng đầu cả nước vào năm 2030.
Tương tự LHU, để phục vụ giảng viên, sinh viên học tập, nghiên cứu những ngành công nghệ, kỹ thuật, các trường đại học mạnh dạn chi tiền tỷ mua thiết bị tiên tiến. Hồi cuối tháng 2/2024, siêu máy chủ AI NVIDIA DGX A100 dựa trên kiến trúc Ampere về đến Trường Đại học Công nghệ Thông tin (Đại học Quốc gia TPHCM). Đây là thành quả sau 9 tháng nhà trường thương thảo với Tập đoàn Nvidia, Mỹ - hãng sản xuất chip đắt giá nhất thế giới.
TS Nguyễn Tấn Trần Minh Khang - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, NVIDIA DGX A100 là sản phẩm kết tinh thành quả nghiên cứu khoa học của Mỹ, có một số giới hạn khi xuất khẩu ra khỏi nước này. Do đó, phải mất một thời gian dài, Tập đoàn Nvidia đồng ý cung cấp và xuất khẩu khỏi Mỹ sản phẩm này.
“Chúng tôi là trường đại học đầu tiên ở Việt Nam sở hữu siêu máy chủ AI NVIDIA DGX A100. Nguồn kinh phí mua sắm máy chủ này từ đề án về chuyển đổi số và định hướng đại học số của Trường Đại học Công nghệ Thông tin do Đại học Quốc gia TPHCM cấp từ ngân sách Nhà nước”, TS Khang cho biết.
Đây là thiết bị phục vụ nghiên cứu, đào tạo đắt nhất mà trường trang bị cho giảng viên, sinh viên. Siêu máy chủ sẽ được ứng dụng trong nghiên cứu, giảng dạy ngành Trí tuệ nhân tạo, Khoa học dữ liệu, Công nghệ thông tin. Ngoài ra, 6.000 sinh viên của trường ở các ngành học khác có thể đăng ký sử dụng máy nếu có giảng viên hướng dẫn.
Cũng trong khối Đại học Quốc gia TPHCM, để mở 2 ngành Thiết kế Vi mạch (bậc đại học) và Vi mạch bán dẫn (bậc sau đại học), Trường Đại học Bách khoa đã đầu tư hàng loạt phòng thí nghiệm, thiết bị hiện đại. Trong đó, phải kể đến hệ thống phòng thí nghiệm tiên tiến, chuyên sâu phục vụ thiết kế và đo kiểm vi mạch bán dẫn như: Phòng thí nghiệm Vi mạch và Hệ thống cao tần, Thiết kế vi mạch số, Kỹ thuật siêu cao tần và anten, Kỹ thuật Máy tính, Tính toán nâng cao, Vật liệu năng lượng và ứng dụng, Vật liệu kim loại - Hợp kim,…
Cách đây hai tháng, Khoa Công nghệ Thông tin, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành khánh thành 5 phòng thực nghiệm (Labs) và Trung tâm Điện toán đám mây phục vụ cho việc thực hành, nghiên cứu và phát triển các kỹ năng cho sinh viên. Các phòng thí nghiệm này thuộc các lĩnh vực Công nghệ thông tin, Khoa học dữ liệu, Trí tuệ nhân tạo, Mạng máy tính, Kỹ thuật phần mềm. Mỗi phòng thí nghiệm có 30 máy trạm và 1 máy Server.
Hợp tác cùng doanh nghiệp
Nhiều trường đại học cũng phối hợp với doanh nghiệp đầu tư mạnh cho cơ sở vật chất, phục vụ giảng dạy và nghiên cứu. Đầu năm nay, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM (HCMUTE) khánh thành phòng thí nghiệm Yaskawa i3- Mechatronics do Tập đoàn Yaskawa Electric tài trợ. Dự án nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên, giảng viên tiếp cận công nghệ, trang thiết bị học tập hiện đại, tiên tiến, nâng cao chất lượng học tập và giảng dạy. Dự án có kinh phí hơn 253.000 USD (khoảng 6 tỷ đồng).
Phòng thí nghiệm được trang bị 3 hệ thống Robot tích hợp với thiết kế mô phỏng một dây chuyền gia công và kiểm tra sản phẩm trong nhà máy tự động hóa thông minh. Hệ thống này giúp cho sinh viên không chỉ học tập, nghiên cứu chuyên sâu về các hệ thống Robot mà còn có khả năng tích hợp các kiến thức hiện đại như xử lý ảnh, AI (trí tuệ nhân tạo) trong một hệ thống tổng thể. Ngoài ra, Yaskawa còn tài trợ 6 bộ điều khiển chuyển động phục vụ cho việc thực hành điều khiển hệ thống chuyển động.
Tại Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM), giai đoạn 2 Phòng thí nghiệm Cơ điện tử - Robot do Công ty TNHH Yaskawa Electric Việt Nam tài trợ cũng được đưa vào sử dụng. Thiết bị gồm 2 robot tải trọng 7kg, tích hợp hệ truyền động gồm biến tần, động cơ servo, hệ thống cảm biến hình ảnh và giao diện điều khiển mô phỏng một hệ thống robot hoàn chỉnh trong thực tế.
Phòng thí nghiệm có tổng giá trị 70.000 USD (khoảng 1,7 tỷ đồng), tiếp nối giai đoạn 1 của dự án được đưa vào sử dụng trước đó với tổng giá trị 250.000 USD (khoảng hơn 6 tỷ đồng). Phòng thí nghiệm Yaskawa là địa điểm yêu thích để sinh viên và học viên cao học thực hiện đồ án tốt nghiệp với nhiều chủ đề: Hệ thống phân loại sản phẩm kết hợp thị giác máy, Hệ thống sản xuất linh hoạt, Điều khiển bám và gắp vật động trên băng chuyền.
Ngoài ra, giảng viên của Khoa Điện - Điện tử cũng thực hiện thành công nhiều dự án nghiên cứu triển khai dựa trên công nghệ robot như: Ứng dụng công nghệ theo dõi chuyển động cho việc đơn giản hóa lập trình robot, Ước lượng vị trí và hướng của vật thể cho ứng dụng robot gắp vật…
“Gói tài trợ 2 giai đoạn của Yaskawa đã góp phần tăng cường cơ sở vật chất cho Khoa Điện - Điện tử, hướng tới mục tiêu nâng cao năng lực đào tạo và nghiên cứu khoa học, đáp ứng nhu cầu thực tiễn sản xuất trong công nghiệp”, TS Nguyễn Vĩnh Hảo - Trưởng Bộ môn Điều khiển Tự động, Khoa Điện - Điện tử (Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TPHCM) thông tin.
Đại diện các doanh nghiệp tài trợ thể hiện sự quan tâm và mong muốn đóng góp cho cộng đồng cũng như ngành Giáo dục về những công nghệ mới, tiên tiến nhất. Theo đó, trong các mục tiêu, chiến lược phát triển của doanh nghiệp, họ luôn chú trọng công tác hỗ trợ cho sự phát triển của giáo dục. Những bộ phần mềm thiết kế, lập trình và thiết bị đào tạo sẽ được nhà trường sử dụng hiệu quả trong công tác nghiên cứu, học tập, thực hành của cán bộ, giảng viên và sinh viên. Từ đó, nhà trường có thể cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như các sáng kiến khoa học kỹ thuật, giải pháp cho doanh nghiệp.
Không gian sáng tạo
Ngoài phòng thí nghiệm, nhiều trường đại học chú trọng phát triển không gian sáng tạo, kết nối, giúp giảng viên, sinh viên có môi trường học tập, nghiên cứu, chia sẻ và phát triển ý tưởng. Trong năm nay, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM chính thức đưa Không gian sáng tạo Maker Space vào hoạt động với mục tiêu phục vụ nhu cầu sáng tạo trong nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ của nhà trường.
Maker Space - không gian sáng tạo rộng hơn 3.200m2 được Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM khánh thành hồi tháng 1/2024, hiện trong giai đoạn hoàn thành để đi vào hoạt động. Maker Space được đầu tư nhiều thiết bị hiện đại như máy hàn, khoan, may, cắt CNC, bảng mạch điện tử, cưa gỗ, tua vít và hàng trăm thiết bị khác ở tất cả lĩnh vực đào tạo. Tại đây, sinh viên và giảng viên có thể thực hiện nghiên cứu, chế tạo trong môi trường hiện đại, đảm bảo chất lượng sản phẩm làm ra.
Sự khác biệt của Maker Space tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM so với các không gian sáng tạo của các trường trước đây là sự xuất hiện của “Trung tâm Hỗ trợ sinh viên nghiên cứu khoa học”. Với những khó khăn trong quá trình nghiên cứu và chi phí thực hiện các hoạt động sáng chế của sinh viên, nhà trường sẽ hỗ trợ tối đa. Từ đó, trong quá trình nghiên cứu và hiện thực hóa các đồ án, sinh viên được hỗ trợ gia công các thiết bị, cho thuê thiết bị nghiên cứu với giá thấp.
Theo đại diện giảng viên và sinh viên, thông qua hoạt động ở không gian sáng tạo, người học có cơ hội rèn luyện tư duy sáng tạo, kỹ năng giải quyết vấn đề, cũng như kiến thức tổng hợp về khoa học, kỹ thuật… Về phía nhà trường, PGS.TS Lê Hiếu Giang - quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cho hay, Maker Space khi đưa vào hoạt động sẽ tạo ra sự biến đổi lớn trong công tác nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo.
“Đây là công trình với nhiều kỳ vọng to lớn dành cho sinh viên và đội ngũ giảng viên. Tôi mong muốn Maker Space sẽ như một khu sinh thái của các nhóm nghiên cứu và các nhóm này sẽ hỗ trợ lẫn nhau để thực hiện những dự án công nghệ to lớn”, PGS.TS Lê Hiếu Giang thông tin.
NVIDIA DGX A100 do Trường Đại học Công nghệ Thông tin (Đại học Quốc gia TPHCM) nhập là hệ thống phổ quát cho tất cả cơ sở hạ tầng trí tuệ nhân tạo (AI), từ phân tích (analytics), đào tạo (training) đến suy luận (inference). Thiết bị này nằm trong dự án chuyển đổi số và phục vụ chạy các mô hình deep leaning (học sâu), máy học phục vụ nghiên cứu khoa học từ các nhóm nghiên cứu, phòng thí nghiệm và đề tài nghiên cứu khoa học.