Nâng cao chất lượng cơ sở vật chất giáo dục:

Không để cơ sở vật chất thành rào cản triển khai Chương trình GD mầm non mới

GD&TĐ - Để triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục mầm non (GDMN) mới, một trong những yếu tố quan trọng mà các trường chú trọng là cơ sở vật chất.

Cô trò Trường Mầm non Nậm Chảy (huyện Mường Khương, Lào Cai). Ảnh NVCC.
Cô trò Trường Mầm non Nậm Chảy (huyện Mường Khương, Lào Cai). Ảnh NVCC.

Còn nhiều khó khăn

Chuẩn bị triển khai Chương trình GDMN mới (Chương trình mới), nhiều trường mầm non trên cả nước đang nỗ lực chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên.

Theo cô Vy Thị Xuyến - Hiệu trưởng Trường Mầm non Tràng Phái (huyện Văn Quan, Lạng Sơn), đổi mới Chương trình GDMN rất cần thiết, đáp ứng định hướng chiến lược phát triển con người hiện nay.

“Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục theo định hướng sẽ hình thành năng lực ở người học ngay từ cấp học mầm non. Cùng đó, trẻ có thể phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo”, cô Xuyến đánh giá, đồng thời cho biết hiện đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên của trường đã đạt 100% trình độ đào tạo chuẩn trở lên. 100% trẻ được ăn bán trú, học 2 buổi/ngày, sử dụng thành thạo tiếng Việt trong giao tiếp, hỗ trợ tích cực cho đổi mới Chương trình GDMN.

Bên cạnh những thuận lợi, quá trình triển khai Chương trình mới, các trường mầm non cũng đối mặt với nhiều khó khăn về cơ sở vật chất. Cô Sền Thị Thơm - Hiệu trưởng Trường Mầm non Nậm Chảy (huyện Mường Khương, Lào Cai) cho biết: “Năm học 2024 - 2025, trường áp dụng Chương trình mới.

Tuy nhiên, việc triển khai không tránh khỏi khó khăn bởi Chương trình mới đòi hỏi các nhà trường phải đáp ứng đầy đủ về cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại như: Máy tính, iPad, phòng học chức năng… Trong khi đó, những hạng mục này nhà trường còn thiếu trầm trọng. Chưa kể, 100% trẻ dân tộc thiểu số, nói tiếng phổ thông chưa rõ nên khi tiếp xúc thiết bị hiện đại không dễ dàng”.

Tương tự, Trường Mầm non Tràng Phái cũng thiếu nhiều phòng học so với yêu cầu Chương trình mới. Ngoài trông chờ nguồn ngân sách, trường khó thực hiện công tác xã hội hóa bởi mức thu nhập của phụ huynh chủ yếu từ nông nghiệp. Hiện, nhà trường phải tận dụng máy tính, điện thoại thông minh, iPad của giáo viên để tăng cường thiết bị cho công tác giảng dạy.

Cô Vy Thị Xuyến cho biết thêm: “Trường thiếu phòng đa năng, thư viện, tin học, ngoại ngữ, phòng dành riêng cho hoạt động thể chất và thiếu thiết bị, đồ dùng, đồ chơi, học liệu theo yêu cầu tối thiểu. Nhìn chung, cơ sở vật chất đang có chưa thể đáp ứng được Chương trình mới khi bước vào triển khai thực tế”.

Trước khi bước vào năm học mới, tỉnh Trà Vinh đã lên kế hoạch trang bị cơ sở vật chất, đáp ứng Chương trình mới theo yêu cầu. Ông Thạch Tha Lai - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Trà Vinh cho hay: “Cơ sở vật chất của các trường mầm non trên địa bàn tỉnh chỉ đáp ứng đủ dùng, còn để phục vụ chuẩn theo yêu cầu Chương trình GDMN mới thì vẫn còn hạn chế, đặc biệt ở các huyện vùng khó.

Tuy nhiên, chúng tôi đang tranh thủ cơ sở vật chất đã trang bị cho giai đoạn trước để đưa vào dạy học; cùng đó làm đề xuất đầu tư thêm cơ sở vật chất cho các trường nhằm đáp ứng yêu cầu chương trình đề ra”.

khong de co so vat chat tro thanh rao can2.jpg
Tiết sinh hoạt ngoại khóa của trẻ Trường Mầm non Tràng Phái (huyện Văn Quan, Lạng Sơn). Ảnh: NTCC

Chủ động gỡ khó

Theo ông Phan Quốc Thanh - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), để đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giáo viên cho Chương trình mới, thời gian tới phòng sẽ tham mưu cấp trên xin thêm giáo viên để bù lại số sắp nghỉ hưu. Riêng giáo viên dạy tiếng Anh, tin học các trường mầm non chưa có sẵn, phòng triển khai ký hợp đồng cùng các trung tâm ở địa phương để có thể tổ chức dạy và cho trẻ làm quen ngoại ngữ.

“Theo quy định, những trường mầm non đạt chuẩn mức độ II phải có phòng học tiếng Anh cho trẻ làm quen. Tại địa phương, chúng tôi triển khai sớm nên việc dạy học sẽ thuận lợi. Đồng thời, các trường mầm non trên địa bàn huyện đã xây dựng được tủ sách – điều này tạo thuận lợi để giáo viên triển khai hoạt động đọc cũng như giúp các em làm quen Chương trình mới hiệu quả”, ông Thanh cho biết.

Từ thực tế khó khăn tại địa phương, cô Vy Thị Xuyến - Hiệu trưởng Trường Mầm non Tràng Phái (huyện Văn Quan, Lạng Sơn) đề xuất các cấp thẩm quyền tiếp tục quan tâm quy hoạch, mở rộng quỹ đất cho nhà trường. “Chúng tôi mong được đầu tư xây dựng thêm phòng chức năng, bộ môn để trẻ có môi trường học tập tốt nhất. Cùng đó, bổ sung thêm thiết bị, đồ dùng, đồ chơi, tài liệu, học liệu để giáo viên có thể triển khai hoạt động giáo dục đáp ứng được yêu cầu đổi mới Chương trình GDMN”, cô Xuyến bày tỏ.

Với đặc thù trường vùng cao, những khó khăn cũng được cô Hà Thị Thanh Huyền - Hiệu trưởng Trường Mầm non Y Tý (huyện Bát Xát, Lào Cai) chia sẻ. “Bước vào triển khai Chương trình GDMN mới, vấn đề lo lắng nhất là thiết bị phục vụ giảng dạy.

Vì vậy, nhà trường mong Nhà nước có nguồn ngân sách hỗ trợ để Trường Mầm non Y Tý nói riêng, các trường mầm non nói chung được trang bị đầy đủ đồ dùng học tập, giảng dạy cho cả giáo viên và trẻ. Trường hợp, nếu sử dụng kinh phí cấp cho chi thường xuyên nhà trường để mua sắm thì chắc chắn không đủ và khó đồng bộ. Với thực tế tại nhà trường, chúng tôi buộc phải lựa chọn các đồ dùng cấp thiết, cơ bản nhất để đầu tư trước”.

Đánh giá cao Chương trình mới khi lấy trẻ làm trung tâm, tăng cường tính mở; tiếp cận năng lực, hướng đến hình thành các giá trị cốt lõi và năng lực chung của trẻ..., cô Huyền còn cho rằng Chương trình mới cũng liên thông với Chương trình GDPT 2018, bổ sung nội dung, phương pháp giáo dục mới… Do đó, nếu cơ sở vật chất không đầy đủ sẽ hạn chế hiệu quả của chương trình.

“Chương trình GDMN mới có tính ưu việt cao, hướng đến giáo dục trẻ phát triển toàn diện và hình thành các kỹ năng mềm cần thiết. Đây cũng chính là tiền đề giúp trẻ tự tin hơn trước khi bước vào môi trường giáo dục thực hiện theo Chương trình GDPT 2018”, ông Phan Quốc Thanh - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) nhìn nhận.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tên lửa Burevestnik trong một vụ thử nghiệm.

Trận địa tên lửa Burevestnik bị lộ

GD&TĐ - Theo trang tin châu Âu Euractiv.com, các nhà nghiên cứu Mỹ đã xác định được địa điểm triển khai tiềm năng của 9M370 Burevestnik tại Nga.