Nâng cao chất lượng cơ sở vật chất giáo dục:

Kinh nghiệm vận động tự thân từ trường ngoài công lập

GD&TĐ - Các trường ngoài công lập triển khai nhiều giải pháp để đầu tư, nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất, sẵn sàng đón năm học mới...

Lễ cắt băng khánh thành công trình Thư viện Văn Như Cương được đầu tư hiện đại theo hướng mở tại Trường THCS&THPT Lương Thế Vinh, cơ sở Cầu Giấy, Hà Nội vào tháng 6/2024. Ảnh: TG
Lễ cắt băng khánh thành công trình Thư viện Văn Như Cương được đầu tư hiện đại theo hướng mở tại Trường THCS&THPT Lương Thế Vinh, cơ sở Cầu Giấy, Hà Nội vào tháng 6/2024. Ảnh: TG

Nỗ lực tự thân

Năm học 2024 - 2025 đang cận kề, bên cạnh những lo toan chuẩn bị sách vở, đồ dùng học tập, các bậc phụ huynh và học sinh còn đặc biệt quan tâm đến môi trường học tập. Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt, các trường ngoài công lập cũng không ngừng nâng cấp cơ sở vật chất, nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của xã hội. Đây cũng là yếu tố để thu hút học sinh và phụ huynh.

Cô Văn Thùy Dương – Phó Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Lương Thế Vinh, cơ sở Cầu Giấy (Hà Nội) cho rằng, bên cạnh công tác chuyên môn, cơ sở vật chất hiện đại là yếu tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng dạy và học. Một môi trường học tập khang trang, sạch sẽ, đầy đủ tiện nghi sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh phát triển toàn diện về thể chất và trí tuệ.

Thời gian qua, Trường THCS&THPT Lương Thế Vinh liên tục nâng cấp và sửa chữa cơ sở vật chất trong và ngoài lớp học cho học sinh. Trong đó có khu bếp nấu ăn và khu vực ăn trưa; sân bóng rổ; sơn sửa toàn bộ lớp học; bổ sung thư viện điện tử và thư viện vật lý tiêu chuẩn. Cải tạo các phòng thí nghiệm, gym, tư vấn tâm lý học đường, chiếu tài liệu tham khảo phục vụ học chuyên đề; sửa chữa khu vực sân trường và sảnh phục vụ hoạt động ngoài trời của học sinh…

Để làm được việc này, phòng tài chính của nhà trường phải liên tục họp và đề xuất cải tạo, sửa chữa, nâng cấp lên Hội đồng trường để xin ý kiến đầu tư dựa trên mức độ cấp thiết của hạng mục và khả năng tài chính. Trong trường hợp cần thiết, nhà trường sẽ vận động phụ huynh cùng chung tay để có thể nâng cao chất lượng sinh hoạt của học sinh.

“Một vấn đề khác mà nhà trường gặp khó khăn là xây dựng kế hoạch đầu tư để ít ảnh hưởng tới thời gian học của học sinh nhất. Mọi dự án đầu tư đều ưu tiên bắt đầu và hoàn thành trong 2 tháng nghỉ hè. Đây cũng là rào cản mà nhiều trường gặp phải, nhất là trường tư thục và cần đầu tư lớn để có thể cải tạo, sửa chữa những công trình đã tồn tại lâu năm”, cô Văn Thùy Dương trao đổi thêm.

Ở một góc nhìn khác, cô Đỗ Khánh Phượng – Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Hermann Gmeiner (Hà Nội) khẳng định, các trường ngoài công lập thu hút học sinh bên cạnh chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất còn bởi tôn trọng phẩm chất năng lực mỗi trò. Người lớn không áp đặt sự thành công của trẻ trong học tập chỉ bởi các môn văn hóa. Đồng thời tổ chức các hoạt động giáo dục phong phú đa dạng, gắn với thực tế cuộc sống và có khả năng định hướng nghề nghiệp cho học sinh cũng là yếu tố quan trọng. Điều này giúp các em phát huy được sở trường, thế mạnh để khẳng định bản thân.

“Vấn đề tự chủ tài chính trong bối cảnh cạnh tranh với các trường công lập, chất lượng cao, ngoài công lập cũng là bài toán không hề dễ giải. Hiện có quá nhiều trường mới thành lập với nhiều phân khúc khác nhau. Kinh tế suy thoái sau đại dịch, phụ huynh cấp tiểu học lại trẻ, ảnh hưởng lớn đến thu nhập khiến nhiều người quay sang lựa chọn trường công lập thay vì tư thục”, cô Phượng nói.

kinh nghiem tu truong ngoai cong lap1.jpg
PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Quản lý giáo dục (ELRD). Ảnh: TG.

Cần giải pháp lâu dài, đồng bộ

Là ngôi trường đi vào hoạt động chưa lâu, cô Nguyễn Thị Thản – Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Times School (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho hay, ngoài nâng cao chất lượng giáo dục thì đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, đổi mới mô hình và phương pháp giảng dạy cũng vô cùng quan trọng.

Phụ huynh luôn có tâm lý tìm ngôi trường đẹp, cơ sở vật chất tốt, đội ngũ giáo viên chất lượng, đảm bảo chuẩn đầu ra tốt nhưng lại có mức học phí phù hợp với thu nhập của gia đình. Điều này đòi hỏi các trường tư thục phải có bài toán về tăng năng suất và hiệu quả lao động.

Cụ thể, cần tăng định mức tiết dạy cho giáo viên, giảm định biên nhân sự, đưa công nghệ số vào quản lý, điều hành, giảng dạy. Tuyển đủ học sinh để lấy thu bù chi mà không ảnh hưởng tới chính sách giảm phí, tặng học bổng, mở các loại hình câu lạc bộ để không phải tăng học phí. Vì vậy, giáo viên trường tư thục thường có thu nhập cao hơn thầy cô trường công lập nhưng cường độ làm việc, công sức bỏ ra cũng nhiều hơn.

Dưới góc nhìn chuyên gia, PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Quản lý giáo dục (ELRD) đánh giá, đầu tư cơ sở vật chất là bước đi đúng đắn thể hiện sự nỗ lực của các trường tư thục.

Bên cạnh đó, các trường cũng cần chú trọng đến việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, đổi mới phương pháp giảng dạy tới học sinh để đạt hiệu quả cao nhất. Việc đầu tư cơ sở vật chất cần bắt đầu từ tầm nhìn của nhà trường, ưu tiên cho thực hiện Chương trình GDPT 2018 và những hoạt động giáo dục nhà trường.

Dù vậy, việc xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất đòi hỏi phải có nguồn lực tài chính lớn, không phải trường nào cũng đáp ứng được. Các thủ tục xin giấy phép xây dựng, nghiệm thu công trình khá phức tạp và tốn nhiều thời gian.

Theo PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền, các trường cần xây dựng kế hoạch đầu tư dài hạn đảm bảo tính khoa học, hợp lý, ưu tiên những hạng mục cần thiết trước; khuyến khích nhà đầu tư, tổ chức xã hội tham gia tài trợ cho các dự án giáo dục; tìm kiếm đơn vị cung cấp dịch vụ xây dựng, trang thiết bị uy tín, chất lượng để đảm bảo hiệu quả đầu tư. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở mỗi nhà trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ