Nâng cao chất lượng cơ sở vật chất giáo dục:

Xây dựng trường chuẩn vùng 'rốn lũ'

GD&TĐ - Huyện Nông Cống, được ví như vùng “rốn lũ”, đang tập trung đầu tư CSVC cho hàng chục ngôi trường quá thời hạn công nhận lại trường chuẩn quốc gia.

Trường THCS Hoàng Sơn (Nông Cống, Thanh Hóa) được đầu tư phòng máy vi tính khang trang, hiện đại.
Trường THCS Hoàng Sơn (Nông Cống, Thanh Hóa) được đầu tư phòng máy vi tính khang trang, hiện đại.

Nhiều trường quá hạn

Những ngày này, Trường THCS Hoàng Sơn, huyện Nông Cống (tỉnh Thanh Hóa) được các tốp thợ xây dựng khẩn trương tu sửa, cải tạo khu nhà 2 tầng, 8 phòng học để kịp đưa vào sử dụng trước năm học 2024 - 2025.

Thầy Lê Văn Tuấn – Hiệu trưởng cho biết, trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia từ tháng 11/2019. Theo kế hoạch, đến tháng 11 năm nay phải công nhận lại.

Do đó, nhà trường được UBND xã Hoàng Sơn đầu tư gần 600 triệu đồng để cải tạo khu nhà 2 tầng, 8 phòng học, lát lại nền, sửa chữa hệ thống cửa, cầu thang, quét sơn... “Chất lượng giáo dục, bộ máy nhân sự của nhà trường đều đạt tiêu chí, nhưng cơ sở vật chất thì không đủ điều kiện. Kinh tế của địa phương đang khó khăn nên việc huy động xã hội hóa đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho nhà trường là điều không đơn giản”, thầy Tuấn chia sẻ.

Trăn trở về vấn đề huy động xã hội hóa để đầu tư cho cơ sở vật chất, thầy Tuấn cho hay, với 367 học sinh, trong đó khoảng 60 em thuộc diện khó khăn, gia đình chính sách... cần miễn, giảm. Do đó, chỉ hơn 300 phụ huynh học sinh có thể tham gia xã hội hóa.

“Nếu kêu gọi mức đóng góp mỗi học sinh 300.000 đồng cũng chỉ được 90 triệu đồng. Số tiền ấy đủ mua sắm khoảng 50 bộ bàn ghế cho 2 phòng học. Nếu huy động phụ huynh đóng góp lên mức 500.000 đồng sẽ không được đồng thuận. Do đó, vấn đề kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng trường chuẩn đối với nhà trường vô cùng khó khăn”, thầy Tuấn nói.

Khó khăn trong công tác xã hội hóa nên nhà trường phải mời lãnh đạo địa phương cùng tham gia cuộc họp phụ huynh để giải thích cho dân hiểu, rồi kêu gọi hỗ trợ kinh phí đầu tư cơ sở vật chất.

Tương tự, Trường Tiểu học số 2 thị trấn Nông Cống được công nhận chuẩn quốc gia từ tháng 5/2014. Theo quy định, đến tháng 5/2019 phải công nhận lại. Thế nhưng, đã quá hạn hơn 5 năm ngôi trường này vẫn chưa đủ điều kiện để hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận lại.

Cô Hiệu trưởng Lê Thị Hiền cho biết, địa phương đang từng bước đầu tư cơ sở vật chất để hoàn thiện các hạng mục công nhận lại trường chuẩn quốc gia mức độ II cho nhà trường. Tuy nhiên, nguồn vốn có hạn, trong khi thị trấn Nông Cống cùng lúc đầu tư công nhận lại trường chuẩn quốc gia cho 4 đơn vị nên gặp nhiều khó khăn. Dự kiến, cuối năm học 2024 - 2025, mới có thể hoàn tất các hạng mục trường chuẩn cho Trường Tiểu học số 2 thị trấn Nông Cống.

“Dù địa phương rất quan tâm, nhưng phải đầu tư cho nhiều trường nên nguồn vốn hạn chế. Hiện nay, nhà thầu sửa 1 dãy nhà cấp 4, lát gạch 1 phần sân trường, với tổng vốn đầu tư khoảng hơn 500 triệu đồng”, cô Hiền thông tin.

Trường Tiểu học Trung Chính cũng quá hạn công nhận lại chuẩn quốc gia hơn 2 năm. Địa phương đang tập trung đầu tư cơ sở vật chất, để đáp ứng đủ điều kiện công nhận chuẩn. Theo cô Nguyễn Thị Mai – Hiệu trưởng nhà trường, để chuẩn bị công nhận lại trường chuẩn quốc gia, nhà trường được chính quyền địa phương đầu tư, xây dựng khu nhà hiệu bộ, sân trường và một số hạng mục khác.

“Theo kế hoạch, các hạng mục này được hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm học 2024 - 2025. Tổng số vốn đầu tư cơ sở vật chất cho nhà trường là 6,5 tỷ đồng”, cô Mai cho hay.

xay dung truong chuan vung ron lu (1).jpg
Trường Tiểu học Trung Chính (Nông Cống, Thanh Hóa) đang xây dựng nhà hiệu bộ để công nhận lại trường chuẩn quốc gia.

Dồn lực cho cơ sở vật chất

Theo thống kê của UBND huyện Nông Cống, địa phương có 103 cơ sở giáo dục, trong đó 5 trường THPT, 1 trung tâm GDTX - GDNN và 97 trường (từ mầm non đến THCS) thì có 92 trường đạt chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, hiện có hàng chục trường quá hạn công nhận lại chuẩn quốc gia từ 10 tháng đến hơn 5 năm.

Ông Nguyễn Thái Sơn - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nông Cống cho hay, trước thực trạng 30 trường quá hạn công nhận lại chuẩn quốc gia và 5 trường chưa đạt chuẩn, UBND huyện đã ban hành kế hoạch xây dựng trường học đạt kiểm định chất lượng giáo dục và đạt chuẩn quốc gia đối với các trường học trên địa bàn năm 2024.

Theo kế hoạch, huyện sẽ dồn lực huy động tổng hợp các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, hạ tầng công nghệ số, công nghệ thông tin. Cùng đó, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục theo hướng chuẩn hóa, đáp ứng yêu cầu công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.

Bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện. Hoàn thành các chỉ tiêu về công tác kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường học đạt chuẩn quốc gia (đến hết năm 2024 tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia từ 94,1% trở lên...).

“Huyện quan tâm bố trí nguồn kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị cho cơ sở giáo dục đã đạt chuẩn nhưng theo thời gian bị xuống cấp, không bảo đảm điều kiện duy trì kết quả, công nhận lại trường chuẩn; bố trí quỹ đất, tạo sân chơi bãi tập cho trường học. Mặt khác, ưu tiên bố trí đội ngũ, học sinh/lớp theo đúng định mức để xây dựng trường chuẩn quốc gia...”, ông Sơn thông tin.

“Với số lượng trường đã quá thời hạn công nhận lại trường chuẩn và có 5 trường chưa đạt chuẩn quốc gia thì số kinh phí cần để đầu tư khoảng 500 tỷ đồng. Đây là số tiền không hề nhỏ nên huyện đang dồn lực, tập trung huy động bằng nhiều nguồn để hoàn thành mục tiêu đề ra”, ông Nguyễn Thái Sơn - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nông Cống (tỉnh Thanh Hóa) nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ