Độc đáo món bánh khoái cá kình

GD&TĐ - Xã Phú An có vùng đất doi ra trước cửa biển Thuận An (Huế) rồi lõm sâu vào đồng bằng tạo thành hai vũng nước lợ rộng lớn, kín gió, mang tên đầm Sam và đầm Chuồn. Nơi đây loài cá kình vào tránh trú mỗi khi đến thời kỳ sinh sản. Chợ làng Chuồn nằm bên đầm phá Tam Giang thơ mộng, có tới 5 điểm bán bánh khoái cá kình mà “chẳng nơi mô có được”.

Chị Lành đang đúc bánh khoái cá kình
Chị Lành đang đúc bánh khoái cá kình

Sau khi dạo một vòng qua chợ, chúng tôi ghé điểm bán bánh khoái cá kình của chị Huỳnh Thị Lành (còn gọi là o Lành) nằm khiêm nhường ở một góc trong chợ, có thâm niên trên 25 năm bán bánh khoái cá kình. Chị vừa thoăn thoắt đúc 7 cái khuôn bánh “lèo xèo” trên lửa vừa tiếp chuyện với nụ cười duyên xứ Huế.

Chị cho biết: “Nguyên liệu chính để đúc loại bánh này là bột gạo, cá kình và dầu phụng, giá sống, nước mắm rút Thuận An hoặc nước mắm cá nục làng Trài, làng Hà, thứ nguyên chất nếm đến “nhức răng”. Bánh khoái cá kình làng Chuồn được làm từ bột gạo. Gạo để làm bột phải là gạo ruộng làng Chuồn làm ra, đem ngâm từ 4 đến 5 tiếng mới đưa đi xay thành bột.

Nhân bánh chắc chắn là những con cá kình vàng ươm, tươi ngon vừa được “vớt” lên từ đầm Chuồn rộng lớn. Một chiếc bánh ngon sẽ có màu vàng mơ, vị ngòn ngọt nguyên thủy của tinh bột gạo, của cá kình tươi “nướng sém”, có mùi thơm quyến rũ của hành tươi phi mỡ. Bánh khoái sẽ được ăn kèm với giá sống và nước mắm ruốc nguyên chất bỏ thêm ớt tỏi. Muốn có những cái bánh khoái cá kình ngon nên chọn cá kình chỉ lớn bằng hai, ba ngón tay thịt ngọt xương giòn…”.

Trong cái rổ thưa, những con cá kình tươi roi rói màu vàng còn nhảy lách tách. Cá kình sinh sản vào các tháng 5 - 6 hằng năm, thịt cá màu vàng ươm, mềm mại, thơm tho, có vị ngọt. Gan cá kình bé tí xíu rất béo, mật cá kình có vị ngọt đắng, ăn rất ghiền. Giá cá kình hiện nay tại chợ làng Chuồn khoảng 300.000 đồng/kg.

Bánh khoái cá kình
Bánh khoái cá kình 

Muốn ăn món bánh dân dã này, cứ vào chợ làng Chuồn, chọn một điểm ưng ý, ngồi chồm hổm bên bếp, “chủ bánh” đổ xong cái nào chấm cái đó với nước mắm ớt tỏi, vừa thổi vừa ăn. Mỗi cái bánh có từ 1 đến 2 con cá kình khi chín có màu xem xém cháy bốc ra mùi “cá nướng”, thơm ngon và hấp dẫn lạ kỳ. Trong lúc chờ bánh chín, tai được nghe âm thanh xèo xèo của bột khi được đổ vào khuôn dầu nóng, mắt được thấy màu sắc của bánh, mũi được ngửi mùi thơm và… miệng chuẩn bị sẵn sàng để thưởng thức hương vị đặc biệt thơm ngon, quyến rũ của bánh, thật là thú vị.

Do ghiền ăn bánh khoái cá kình, vào những ngày cuối tuần, nhiều người ở TP Huế vẫn chịu khó chạy xe về chợ làng Chuồn để thưởng thức và không quên mua vài chục cá mang lên thành phố làm quà biếu cho người thân.

Có câu thơ kể về người con trai nghèo xứ Quảng, thường đến ăn bánh khoái cá kình và yêu người con gái bán bánh khoái tại chợ làng Chuồn. Người con trai ấy luôn ước nguyện canh cánh bên lòng một ngày kia sẽ được cưới nàng: Thơm ngon bánh khoái cá kình/ Chợ Chuồn anh nhớ mối tình đôi ta/ Cầu cho mưa nắng thuận hòa/ Mùa màng tươi tốt, anh ra cưới nàng.

Cá kình đầm Chuồn và đầm Sam không chỉ được bày bán ở chợ Đông Ba (TP Huế), mà còn theo các chuyến xe tốc hành vào Đà Nẵng, TPHCM để cung ứng cho các nhà hàng bán các món ăn đặc sản. Tiếc rằng gần đây loài cá kình trên đầm phá đang cạn kiệt dần.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.