Tôi thấy mình bé lại tuổi lên mười, co ro những ngón chân trong đôi dép nhựa mòn vẹt gót, mặc chiếc áo len quăn vạt, chạy ra giữa sân nhà để ngửa cổ hít hà mùi Tết. Tay có khi còn dính nhọ nồi vì vừa vào bếp nhón vụng mấy miếng mứt cà rốt trong chảo còn nghi ngút khói.
Làng xóm kề nhau, đứng đón đúng hướng gió có thể ngửi thấy mùi hương tỏa ra từ những cột khói lên trời. Chúng tôi, những đứa trẻ rảnh rỗi bỗng bận rộn với trò chơi “đoán mùi ngày Tết”. Em tôi nhảy nhoi nhỏi, hít phập phồng cánh mũi bảo:
- Mùi này là mùi cá phơi khô, nhà ông Thụ mới tát đồng vài hôm trước.
- Em có ngửi thấy mùi chả riềng không? Nhà ai hôm nay mổ lợn?
- Ôi đúng mùi kẹo lạc thơm lừng. Em đoán nó bay ra từ nhà bà Bảy.
Chưa nói dứt câu em tôi đã ba chân bốn cẳng chạy vọt ngay ra cổng. Thằng nhỏ lần theo mùi hương, chỉ một lúc sau đã thấy mang về vốc kẹo lạc nóng hổi trên tay.
Ngày ấy hay bây giờ cũng vậy, cái rét xua chúng tôi vào căn bếp nhỏ. Mấy mẹ con ngồi sưởi khói cay cả mắt, thỉnh thoảng thò tay nhúp vài hạt ngô nổ lục bục trắng xóa trong chiếc chảo gang. Mẹ bắt đầu tính Tết này cần mua sắm những gì, nấu món gì, đi lễ Tết ra sao.
Với những người đàn bà thật ra Tết đâu có được thong dong. Dọn dẹp cửa nhà, ngào vài loại mứt, làm dưa hành, gói bánh, ngược xuôi chợ búa… nghĩ thôi cũng đã thấy mệt rồi. “Mệt nhưng vui”, mẹ vẫn thường nói thế lúc bê chiếc nia to nhất ra giữa sân ngồi gói bánh chưng.
Mùi gạo nếp, lá dong thơm lành dễ chịu biết chừng nào. Nhưng tất cả những mùi vị đặc trưng của Tết lại không khiến lòng tôi bùi ngùi, xao xuyến bằng thứ mùi xộc ra từ chiếc hòm đạn cũ.
Chẳng hiểu sao nhà tôi có vài chiếc hòm đạn cũ. Nhà nghèo, cũng chẳng có thứ gì quý giá nên trong hòm toàn vật dụng linh tinh. Hòm đựng chăn bông, hòm quần áo, hòm cất đi bộ sách giáo khoa đã long gáy rách bìa của đứa trước dành đứa sau học lại. Mấy ngày cuối năm, cứ chọn hôm nào nắng to mẹ lại mở hòm ra lấy bộ quần áo cưới của mình mang đi giặt.
Chiếc hòm toàn mùi gián, mùi băng phiến, mùi ẩm mốc lâu ngày. Mẹ mở mấy lớp túi lấy ra chiếc quần màu đen, áo không rõ màu trắng đục hay vàng nhạt. Mẹ chỉ mặc nó vào những dịp quan trọng trong năm. Giặt giũ cẩn thận, mẹ mang phơi trước nhà, mùi nắng xuân cũng không sao át được mùi vải cũ.
Tôi nhớ ra bố mẹ thường không mua sắm gì cho bản thân mình. Một vài bộ quần áo cứ mặc đi mặc lại nhiều năm. Mặc đến khi trên dây phơi trước nhà nắng xuyên qua lớp áo quần sờn rách mỏng manh.
Tết đến mẹ dành dụm vài chục trứng gà, mấy cân chè cân lạc, chút tiền công thợ xây ít ỏi của bố để mua cho các con manh áo mới. Đứa cái áo thì thôi cái quần, tình thương của mẹ cha san sẻ đều để các con có niềm vui ngày Tết. Mùi áo mới thơm lắm. Thứ mùi thơm không chỉ ngửi bằng mũi, mà còn phải cảm nhận bằng tim. Thứ mùi hương đó cả đời đi theo tôi, đau đáu…
Tôi lấy chồng gần nhà nên năm nào cũng rủ mẹ đi chợ Tết. Thích dẫn mẹ vào hàng quần áo nói “mẹ thích cái nào con mua tặng”. Mẹ đi tới đi lui, lật qua lật lại bảo: “Thôi con à. Quần áo nhà còn nhiều, mua không mặc phí đi”. Với mẹ, niềm vui của manh áo mới mãi mãi nằm trên môi miệng các con. Cũng giống như với tôi, thứ mùi vị đặc biệt nhất của Tết đều nằm trong kí ức…