Mình sẽ ghé nhà cậu ăn Tết...

GD&TĐ - Gã được nghe giọng ai đó, thoảng như ngọn gió Xuân ấm áp từ phương xa thổi đến: “Tết này, nhớ gói thêm bánh chưng nhé! Mình sẽ về quê ghé nhà cậu ăn Tết đấy”!

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

1. Bây giờ, người ta mong Tết không phải bởi vì miếng ăn, càng không phải để nghỉ ngơi vì Tết bận rộn hơn nhiều. Vẫn còn muôn vàn lí do để ta mong chờ Tết đến. Với gã, Tết về cũng có nghĩa là sẽ gặp bè bạn…

Bạn bè của gã nay tứ tán khắp bốn phương trời, hội ngộ trở thành chuyện hiếm. Chỉ có dịp Tết là tề tựu. Sau những cái tay bắt mặt mừng là hàn huyên đủ thứ chuyện, trên trời dưới đất, đủ để vui, đủ để gợi lại những ký ức không thể nào quên, đủ để ngẫm ngợi, đủ để gã và bè bạn trẻ ra thêm mấy tuổi.

Mà không trẻ ra sao được, những chuyện của ngày xưa, của một thuở áo trắng mộng mơ lần lượt được gợi lại, có khác nào khoảnh khắc đông tàn chuyển sang xuân non. Hết bàn chuyện mạng ảo lại bàn chuyện ngoài đời.

Chuyện ảo mà như thực. Chuyện đời thực nhiều khi lại hư ảo. Kẻ ngày xưa gầy tong teo ngỡ như có cơn gió thoảng qua là thổi bay, vậy mà sau mấy năm gặp lại nhìn phương phi chẳng thể nhận ra.

Tết nào gặp nhau chả chúc nhau vài ba li rượu, có khi vui uống tới ngà say. Nhưng biết gã bị bệnh dạ dày kinh niên nên mỗi lần về quê ghé chơi bạn bè chẳng bao giờ ép gã uống. Gã theo nghiệp gõ đầu trẻ, biết gia cảnh chẳng khá giả gì lại thêm đau ốm nên Tết nào cũng thế, chúng ghé nhà gã trước tiên.

Cũng may tụi nó hiểu ý gã chẳng phải quà cáp đường sữa làm gì cho phiền, chỉ cần nhìn thấy mặt nhau tay bắt mặt mừng cười hỉ hả với nhau cho đã đời, uống với nhau ngụm trà, ly rượu rồi tối trời ai về nhà nấy lo cho tổ ấm của mình, thế là nhất rồi.

2. Mùa Tết, ai cũng thích lạnh, thêm tí mưa bụi lất phất nữa thì mới đúng là Tết. Lạnh để được ngồi gần nhau hơn, dù đài có báo rét đậm đến mấy thì vẫn thấy ấm áp. Nhưng nửa tháng giáp Tết thì ai cũng cầu có chút nắng để giặt giũ phơi phóng đồ đạc cho thơm tho sạch sẽ.

Ông trời đâu phải lúc nào cũng chiều lòng người, có năm Tết mà nắng cứ chang chang như giữa tháng Sáu, nóng bức oi ả, chẳng buồn nhớ. Đứa bạn từ miền Nam về sang nhà bảo vừa vui, vừa buồn. Vui bởi chẳng cần sắm áo ấm. Buồn bởi về quê mong “gặp gỡ” với cái tiết trời lành lạnh, phảng phất mưa bụi, vậy mà cứ như mùa hè.

Giá lạnh sẽ được thưởng thức cái cảm giác ngửi mùi hương trầm trên bàn thờ không lúc nào tắt cho mãi tới lúc tiễn đưa ông bà. Mùi nhang phảng phất lan tỏa cùng mùi mứt gừng ấm nồng quyện trong hương trà nóng cộng thêm hương Xuân, hương trời Tết ùa vào nhà khiến con người ta thấy cảm xúc dâng đầy đến khó tả.

Đấy là cảm giác Tết nhất. Ngồi với nhau lại nhắc tới một thuở hàn vi, giáp Tết nhiều nhà còn ra đồng làm cho hết ruộng lạc để kịp Tết được nghỉ ngơi thêm dăm ba ngày.

Gã miên man nghĩ về những Tết của ngày xưa. Lòng chợt bình yên nhưng sao vẫn còn bâng khuâng một nỗi buồn phảng phất đâu đây. Vào ra ngơ ngẩn để rồi chợt tự hỏi lòng mình có còn nhớ đến cái tiết trời mưa bụi có người thẹn thùng nhận chiếc khăn đan từ ai đó gửi trao.

Và bao năm rồi, gã vẫn không thể quên được cái cảm giác ấm ấp đến lạ thường trong mấy ngày Tết năm ấy. Đi đâu làm gì cũng quàng chiếc khăn đan. Đi đâu làm gì trong ngày Tết cũng nhớ đến khoảnh khắc rung động đầu đời năm ấy. Đi đâu làm gì cũng rưng rưng về một miền kí ức lắng đọng, mộng mơ năm nào.

3. Bây giờ gần Tết, gã lại hóng mắt vào chiếc điện thoại, những tin nhắn, những cuộc gọi nhỡ của bạn bè phải soát lại để trả lời, kết nối cho bằng hết. Bất giác, điện thoại đổ chuông. Gã được nghe giọng ai đó, thoảng như ngọn gió Xuân ấm áp từ phương xa thổi đến: “Tết này, nhớ gói thêm bánh chưng nhé! Mình sẽ về quê ghé nhà cậu ăn Tết đấy”! 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ