Qua rồi cái thời... đến Tết thêm lo!

GD&TĐ - Ngày trước, cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về thì nỗi lo của giáo viên vùng cao lại tăng lên gấp bội. Họ lo sợ sau kỳ nghỉ dài ngày, học sinh sẽ thiếu hụt trầm trọng bởi các em mải chơi xuân.

Thầy và trò Trường Phổ thông DTBT THCS Thu Lũm chuẩn bị gói bánh chưng cho chương trình                 “Tết biên cương”.
Thầy và trò Trường Phổ thông DTBT THCS Thu Lũm chuẩn bị gói bánh chưng cho chương trình “Tết biên cương”.

Nhưng, giờ đây nỗi lo trên đã vơi đi rất nhiều bởi một số nơi, thầy cô đã có cách “dụ” trò đến lớp...

Lên bản tìm trò...

Mấy tuần cận Tết Nguyên đán, cứ rảnh khi nào thì cô Phạm Thị Huệ (giáo viên Trường Tiểu học Nà Cài, xã Chiềng On, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La) lại rủ đồng nghiệp ngược ngàn. Họ lên bản, phổ biến lịch nghỉ Tết và căn dặn phụ huynh ngày đưa con về trường học tập.

Con đường mòn từ trung tâm xã lên bản Đin Chí dài chừng vài cây số, vốn khó đi, nay lại khó khăn hơn vì cơn mưa rào vừa ập đến bất ngờ. Xe máy đi được nửa đường thì không thể đi tiếp. Mấy cô giáo ném vội xe ở bìa rừng, phủ lên vài cành cây chó đẻ rồi cùng nhau “cuốc bộ”. Họ đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà để tuyên truyền, vận động.

“Ở đây hầu hết là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Do tâm lý, phong tục tập quán lạc hậu nên họ cũng chẳng quan tâm nhiều đến việc học của con em mình. Để vận động học sinh đi học đầy đủ sau Tết luôn gặp nhiều khó khăn. Sau kì nghỉ Tết, học sinh thường nghỉ thêm 1, 2 buổi nữa. Có em đi thăm họ hàng chưa về hoặc không nhớ lịch học thì mình gọi điện cho phụ huynh để hỏi thăm tình hình. Nhưng nếu không gọi được thì tôi sẽ đến nhà để vận động các em đến lớp”, cô Huệ nói thêm.

Gần đây, việc vận động học sinh lên trường học tập cũng cơ bản được “cải tiến” hơn. Như cô Huệ, cô vẫn nhờ trưởng bản thông báo trên loa truyền thanh để phụ huynh biết. Cùng với đó, giáo viên như cô cũng chủ động liên lạc qua điện thoại với từng phụ huynh. Còn những trường hợp học sinh nhà ở những hẻm núi sâu, sóng điện thoại chưa phủ tới thì đành phải đến tận nơi.

“Phát trên loa rồi, nhưng có phụ huynh lên nương không nghe được, sóng điện thoại thì chập chờn, gọi không được nên phải tranh thủ buổi trưa đến tận nhà các em. Năm ngoái, có lần tôi lên một bản giáp biên giới để gọi học sinh đi học. Đến nơi, thì chẳng gặp được ai. Thế nên lại phải quay về, hôm sau lên tiếp, cứ như thế suốt”, cô Huệ cho biết.

Bữa cơm Tết thân mật của thầy và trò Trường Phổ thông DTBT THCS Sin Suối Hồ.
Bữa cơm Tết thân mật của thầy và trò Trường Phổ thông DTBT THCS Sin Suối Hồ.

Vẹn tròn niềm vui

Nhìn từ trung tâm xã về bản Thu Lũm sẽ thấy một tán cổ thụ mọc ngay vị trí đầu tiên của khoảnh rừng. Người Hà Nhì gọi đó là rừng thiêng, nơi gắn bó với họ bằng những nghi lễ, phong tục cộng đồng độc đáo. Đó còn là nơi minh chứng cho lời thề giữ đất, giữ rừng, chung sống hòa thuận, đoàn kết cùng đồng bào các dân tộc anh em.

Có đặt chân đến xã vùng biên Thu Lũm, huyện Mường Tè mới thấy được hết sự nhọc nhằn “nuôi” con chữ của các thầy, cô ở đây. Năm nay, Trường Phổ thông DTBT THCS Thu Lũm lại tổ chức chương trình “Tết biên cương” cùng học sinh nơi thượng nguồn sông Đà. Một mùa Xuân ấm áp đang lan tỏa khắp bản làng vùng cao.

Ngay từ chiều 30/12/2021, mọi công việc chuẩn bị cho chương trình “Tết biên cương” đã được thầy và trò nhà trường khẩn trương hoàn tất. Có thịt lợn, gạo nếp và lá dong, có hoa quả và thứ không thể thiếu đó là cành đào. 217 học sinh trong trường và giáo viên cùng nhau gói bánh, nấu ăn, chuẩn bị mâm ngũ quả... không khí vui vẻ, ấm áp ngập tràn.

Thầy Đinh Ngọc Linh, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Năm nào cũng vậy, cứ mấy tuần trước khi nghỉ Tết Nguyên đán, chúng tôi lại tổ chức một bữa cơm cho tất cả học sinh và thầy cô trong trường. Qua đó, giúp học sinh hiểu được ý nghĩa của Tết cổ truyền dân tộc, phong tục gói bánh chưng ngày Tết”.

Với đặc thù ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện đi lại, cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn nên nhiều trường có đông học sinh ở bán trú. Cả năm các em sống, học tập, ăn ở tại trường, gắn bó với thầy cô và bè bạn. Vì vậy, việc tổ chức Tết sớm là sự động viên và chăm lo cho đời sống tinh thần của học sinh.

Thầy Nguyễn Đắc Thuấn, Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTBT THCS Ka Lăng, cho biết: “Mọi năm chúng tôi vẫn tổ chức Tết cho trò. Thông qua hoạt động này, các em được trải nghiệm thực tiễn, tự tay rửa lá, vo gạo và tự thực hiện các quy trình để làm ra chiếc bánh dưới sự hướng dẫn của thầy cô và phụ huynh. Từ đó, rèn cho các em kỹ năng lao động, hợp tác nhóm...”.

Đã 2 năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thầy và trò của Trường Phổ thông DTBT THCS Ka Lăng không được tổ chức Tết. Thay vào đó là những suất quà được trao cho các em để đem về nhà.

“Những món quà tuy không lớn về vật chất, nhưng nó thể hiện được tình cảm của thầy cô đối với học sinh. Đó là “sợi dây” kết nối giữa thầy trò với nhau, để các em thấy yêu mến trường lớp hơn. Một điều khá quan trọng, đó là việc thu hút học sinh sớm trở lại trường sau đợt nghỉ Tết dài ngày, giáo viên cũng không phải lên từng nhà để vận động các em ra lớp”, thầy Thuấn tâm sự.

Những phần quà trong Hội thi Hương vị ẩm thực Tết của Trường Phổ thông DTBT THCS Nậm Pì tạo động lực cho học sinh đến lớp.
Những phần quà trong Hội thi Hương vị ẩm thực Tết của Trường Phổ thông DTBT THCS Nậm Pì tạo động lực cho học sinh đến lớp.

Gói quà nhỏ, ý nghĩa lớn

Trường PTDT Nội trú THCS và THPT Vân Hồ, huyện Vân Hồ (tỉnh Sơn La) có hơn 378 học sinh chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông. Trước mỗi kì nghỉ Tết, nhà trường thường tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa.

“Trước đây, mỗi khi chuẩn bị đến Tết nhà trường sẽ tổ chức thi gói bánh chưng và giã bánh giầy giữa các lớp để học sinh tham gia. Gói bánh chưng để các em biết thêm về ngày lễ Tết của người Kinh, giã bánh giầy để giáo dục các em về phong tục của người Mông. Ngoài ra, khi đi học trở lại trường cũng tổ chức chơi các trò chơi dân gian. Nói chung, học sinh tham gia rất đầy đủ và nhiệt tình. Tuy nhiên, 2 năm nay, dịch bệnh diễn biến phức tạp nên mọi hoạt động trên đều phải dừng lại”, thầy Nguyễn Thế Hưng - Hiệu trưởng nhà trường cho biết.

Dù vậy, song trước khi nghỉ Tết, nhà trường cũng tổ chức bữa cơm tất niên cho tất cả học sinh. Sau bữa cơm chia tay, mỗi em đều có những phần quà để mang về cho gia đình.

“Phần quà mà các em mang về được trích từ chế độ hỗ trợ của học sinh dân tộc nội trú. Quà đều là những đồ thiết yếu dùng trong tết như: Bánh chưng, bánh giầy, muối, mứt, bánh, kẹo, giò. Cũng có khi là chai nước mắm hoặc gói bột canh… Phần lớn các em đều có hoàn cảnh khó khăn nên chúng tôi cũng chỉ mong món quà có thể hỗ trợ các em có một cái Tết ấm no, vui vẻ hơn.

Năm nay, do dịch bệnh nên ngày lễ Tết cổ truyền của người dân tộc Mông học sinh không được về nhà. Nên may mắn không có em nào theo hủ tục “bắt vợ” mà phải ở nhà lấy chồng, lấy vợ. Nhà trường cũng giảm thiểu được tình trạng học sinh nghỉ học thầy, cô đến nhà vận động”, thầy Hưng bộc bạch.

“Hàng năm, ngoài phần quà Tết từ nhà trường dành cho học sinh, tôi cũng tự mua ít bánh, kẹo, mứt, mang đến tận nhà những em con hộ nghèo hoặc gia đình trẻ mồ côi. Có những năm sau khi nghỉ Tết mình cũng mang bánh kẹo từ nhà đi để tổ chức khai xuân với các em. Đi học, các em được liên hoan thì vui lắm. Thú thật có khi học sinh ở đây cả năm chỉ dịp Tết mới biết đến cái bánh, cái kẹo là như thế nào. Nghĩ mà thương các con!”, cô Huệ nói.

Vui xuân mới không quên nhiệm vụ

Những ngày này, sắc xuân đã phủ kín núi rừng biên giới. Không khí Tết bắt đầu về đến xã vùng biên Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ (Lai Châu). Đứng trên đỉnh Sơn Bạc Mây, những mái nhà đồng bào dân tộc Mông ở bản biên giới Sin Suối Hồ lọt thỏm giữa cánh rừng. Cũng như nhiều bản làng vùng cao khác nơi cuối trời Tây Bắc, đồng bào nơi đây cũng tất bật chuẩn bị đón một cái Tết đủ đầy sau một năm lao động vất vả.

Trường Mầm non Sin Suối Hồ tổ chức chương trình “Ngày hội Tết yêu thương” cho trẻ vào cuối tháng 1/2022. Năm nay, nhà trường có 17 lớp và 390 trẻ học tại điểm trường trung tâm và 10 điểm bản.

“Những thứ cần thiết để tổ chức ăn Tết như lợn, gà, rau, bánh chưng, hoa đào… đều đã được chuẩn bị từ rất sớm. Trẻ sẽ được giáo viên và phụ huynh hướng dẫn gói bánh chưng, trang trí mâm ngũ quả và tham gia trò chơi. Từ đó, tạo không khí vui tươi và khơi gợi sự hứng thú của trẻ”, cô Phạm Thị Thao, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.

Còn thầy Đồng Tất Thắng, Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTBT THCS Sin Suối Hồ, cho biết: “Quan trọng nhất và được các em dành nhiều thời gian nhất trong chương trình Tết là nấu các món ăn của dân tộc mình. Các em được tự tay gói, luộc bánh chưng. Hoạt động này được chúng tôi tổ chức thường niên nhằm giáo dục học sinh giữ gìn bản sắc, nét đẹp văn hóa của mỗi dân tộc”.

Năm nay, Trường Phổ thông DTBT THCS Nậm Pì, huyện Nậm Nhùn (Lai Châu) có 224 học sinh. Đã 8 năm từ khi thành lập, năm nào nhà trường cũng duy trì tổ chức Tết cho học sinh. Các em tham gia thi làm bánh chưng, bánh giầy, được tham gia thi đấu ở các trò chơi dân gian. Sau đợt tổ chức, các em lại được thầy cô cho quà mang về để tặng bố, mẹ, ông, bà. Đó chỉ là những phần quà đơn giản như chiếc bánh chưng, bánh giầy do chính tay các em làm ra.

Khi sắc xuân đã lấp đầy những vạt rừng, thầy cô giáo vùng cao Lai Châu vẫn đang miệt mài “cõng chữ” lên non. Ở đó không chỉ có nhiệm vụ, mà còn đầy những tình cảm mà những thầy cô mang đến cho những đứa trẻ vùng cao để giúp các em có một cái Tết cổ truyền trọn vẹn niềm vui bên cạnh Tết của dân tộc mình.

Chúng tôi thường phân công giáo viên ở lại trực Tết, đón Giao thừa cùng bà con. Tranh thủ thời gian này, giáo viên sẽ thăm hỏi, động viên để mọi người quan tâm hơn đến việc học của con em mình. Bằng hình thức dân vận này mà cấp ủy, chính quyền địa phương và cả phụ huynh rất quan tâm đến công tác giáo dục. Bởi vậy, ở đây   tỷ lệ huy động trẻ đến trường luôn đạt cao. Giáo viên cũng không phải đến tận nhà, hay lên tận rừng để tìm học sinh như ngày trước. - Thầy Cao Hồng Thanh (Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTBT THCS Nậm Pì)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ