Một vài giọt mưa cũng có thể làm ta chột dạ. Một cơn gió thoảng cũng làm ta dịu lòng, một tia nắng ấm cũng vỗ về được niềm tin cho dù trước đó có thể ta từng trải qua những nỗi hồ nghi, thậm chí tuyệt vọng.
Thế giới tâm hồn thật là phức tạp, dễ vỡ mà cũng dễ liền sẹo, dễ dàng thay đổi bởi những ngoại cảnh vậy đấy. Nhất là giữa thời khắc giao mùa, khi đợt gió đông thu dọn tất cả cái lạnh giá sót lại cuối cùng để chuẩn bị đón xuân. Ừ thì mùa Xuân về!
Có thể mỗi người có một cảm nhận riêng nhưng có lẽ là những kỉ niệm đẹp, những kí ức quây quần với người thân bên mâm cỗ cúng ông bà, hoặc với bạn bè bên đĩa bánh khô, nhâm nhi vài nắm hạt rang ướp tẩm mằn mặn bên chén trà bốc khói ngày Tết kể chuyện làm ăn một năm qua, những khó khăn chèo chống sống còn giữa mùa dịch Covid 19, hỏi thăm một người bạn, một người quen nào đó bao năm mới gặp “Chu choa, lâu quá rồi ta mới gặp mi, chừ làm cái chi ở mô? Được mấy cháu, gia đình mạnh giỏi luôn chứ? Chừ thấy mi xinh đẹp hơn xưa á!...”, rồi ôn lại những chuyện xa lơ xa lắc một thời.
Tết quê luôn in sâu trong tâm trí của nhiều người, nhất là những người con xa nhà.
Riêng tôi cũng bời bời kỉ niệm tuổi thơ mình mà mấy chục năm rồi còn cứng đầu nằm yên trong kí ức.
Ngày ấy chị dẫn tôi ra phía sau nhà, bẻ miếng bánh nổ cho tôi ăn, hai chị em cùng ăn một miếng bánh giòn kháy ngon lành, xong chị đưa tay phủi sạch những bụi bánh sót lại trên ngực áo tôi và dặn: “Em đừng nói má biết nghe!”.
Đó là hình ảnh cuối cùng của tôi với chị. Tôi gật đầu nhưng có hiểu gì nhiều, cho đến bây giờ cũng còn phân vân suy nghĩ.
Lúc ấy chị đang ốm thật, nhưng có phải má dặn chị kiêng ăn bánh ngọt hay vì thèm ăn mà không có người lớn ở nhà để xin phép? Không biết có phải vì vậy mà món bánh nổ với ngày Tết trở thành hoài niệm khôn nguôi theo suốt đời tôi?
Bước sang giữa tháng Chạp, bà con quê tôi tạm dừng việc đồng áng để lo bánh trái đón Tết. Rộn ràng nhất là việc làm bánh mứt, trước cúng ông bà, sau là đãi khách.
Không khí Tết bao trùm lên một xóm nghèo bởi những hoạt động thân thuộc. Nhà nhà rang nổ, nhặt vỏ trấu, thắng đường, đóng bánh, rim mứt…
Vừa tinh khiết, vừa giòn thơm lại dễ làm không gì hơn món bánh nổ truyền thống mỗi Tết đến. Bánh được làm từ các loại nếp dẻo thơm như nếp trứng, nếp ba tháng, bồ lem… Nhưng phổ biến hơn là nếp chùm, mẩy hạt, được gạo, năng suất cao hơn các loại nếp khác nhưng không kém về độ thơm dẻo.
Bắt đầu khoảng cuối tháng Hai, đầu tháng Ba, đất mạ được làm sạch cỏ, xới nhuyễn lên luống, rải vôi khử mầm bệnh, dẫn nước vào thấm đất để gieo mạ nếp. Khi nếp giống được ngâm, rửa sạch và ủ vài ngày là đem gieo.
Mạ gieo được khoảng sau một tháng rưỡi là có thể nhổ đem đi cấy. Mạ nhổ rửa sạch đất, buộc thành từng bó vừa tay cầm.
Ruộng cấy nếp không rộng, không nhiều, chỉ là những miếng xếp ruộng rộc, ruộng sình hẹp dưới các chân đồi.
Nếp chùm là giống dài ngày. Từ khi gieo mạ đến lúc thu hoạch khoảng gần sáu tháng, tức là tới khoảng giữa tháng Tám nếp bắt đầu chuyển sang màu vàng sậm, lúc này mọi người siêng ra đồng hơn, vừa thăm nếp, bẹo bù nhìn đuổi chim và ngắm nghía mảnh ruộng nếp dần chín man mát hương thơm.
Khoảng cuối tháng Tám mới đến ngày thu hoạch. Bà con trong xóm chuẩn bị liềm và đôi quang thúng ra đồng. Nếp đến mùa thu hoạch cao khuất đầu người, các chị các mẹ vén ống quần buộc gọn bằng sợi dây thun, lội xuống sình gặt nếp.
Nếp được cắt cẩn thận, gỡ bỏ hết lá còn sót chỉ còn lại bông nếp chín trĩu hạt bó từng lọn đem về treo cho ráo nước rồi mới tuốt lấy hạt, chờ nắng đem phơi khô và cho vào thùng đậy kĩ.
Nếu phơi được nắng hạt nếp sẽ rất thơm ngon. Ngược lại nếu nếp phải để ủ lâu vì chậm nắng thì thường bị vò hơi, ít dẻo thơm.
Tới tháng Chạp nếp được đem ra phơi lại, giần sàng sạch sẽ, chọn nếp trên sàng để ưu tiên làm bánh nổ, còn nếp hạt nhỏ dưới sàng có thể tận dụng chấy vàng máy bột làm bánh in, bánh bó…
Còn nhớ ngày ấy, cứ mỗi xóm có một vài nhà chuẩn bị đắp lò cho kịp khô để rang nếp. Khâu làm lò cũng đơn giản thôi. Cứ tìm chỗ nào có đất sét đào lên đem về đập vỡ ra thành bột sau đó cho nước vào vừa thấm đều rồi nhào đất thật nhuyễn.
Đắp đất sét thành ụ, chừa một khoảng rỗng bên trong và một cái miệng lò để đun củi, đầu kia khoét lỗ nhỏ vừa gắn một vỏ ống đạn cũ làm thông khói.
Lò đắp không to lắm chỉ vừa đặt cái chảo rang lên và trét đất dính liền đáy chảo. Chảo này được tận dụng từ loại chảo nấu đường bị hỏng đem cọ rửa sạch sẽ. Khi lò đất vừa khô là bắt đầu đưa vào sử dụng được rồi.
Ngoài củi khô cần phải chuẩn bị thêm một cái rổ sảo lổ thưa đan bằng nan tre cật, ít nắm rơm nếp buộc lạt dài uốn cong lại để cào nổ ra rổ sảo, một cái nia quấn vải ta xung quanh vành cho khỏi cháy làm nắp đậy giữ nổ khỏi bắn ra ngoài, một đôi đũa tre dài để đảo đều nếp khi rang.
Cứ một người rang có thêm một người vừa đun củi chụm lò vừa sảo nổ. Mỗi lần cho vô chảo khoảng một lon nếp vỏ. Gặp nóng, nếp bắt đầu nổ lẹt đẹt và sau đó nổ rộ nghe thật sướng tai.
Khi cơn nổ hạ xuống còn vài tiếng lẹt đẹt lại mở nắp cào ra rổ sảo, nổ được cào ra là phải sảo liền chứ không sẽ bị đóng cục hoặc cháy do lẫn lộn với vỏ trấu. Nổ sảo xong vừa nguội thì trút vô bao sạch, đem về đổ ra nia nhặt lại kĩ các vỏ trấu còn sót.
Bánh nổ - món ăn tuổi thơ.
Khuôn dện bánh nổ bằng gỗ lõi cây mít, các mảnh gỗ ráp lại thành cái khuôn hình trụ vuông dài khoảng hơn nửa mét.
Một mặt bào thật nhẵn, khi đóng bánh thoa dầu phụng bôi trơn để khỏi bị dính nổ vào khuôn, một cái vồ để đóng bánh cũng gỗ mít, hai niềng sắt hoặc gỗ thật chắc để khi ráp khuôn rồi niềng lại, một cây chày làm bằng gỗ bìn nin. Lòng khuôn là hình vuông có cạnh dài khoảng một ngón tay trỏ.
Người thắng đường phải thật khéo tay biết canh vừa lửa và độ sánh. Sẵn đường muỗng để dành trong nhà được rút sạch mật, chọn phần đường trắng nhất để làm bánh cho đẹp.
Đường đã chuẩn bị cho thêm ít nước và một ít củ gừng già đã cạo vỏ rửa sạch giã nhuyễn. Đường thắng vừa rỏ hạt cườm thì hạ lửa thật nhỏ chỉ để ấm cho đường khỏi lại cát, dùng vá lớn múc rưới đều vào thau nổ.
Vừa rưới, vừa trộn đều tay và tranh thủ đổ vô khuôn đóng bánh. Mỗi hiệp trộn chỉ vừa cho một vài cây bánh, nếu để nguội đường sẽ bị lại cát khi dện bánh sẽ không kến.
Tay vồ đóng bánh cũng phải đều, trọng lực vừa phải để khi cắt lát bánh vừa sắc sảo mà không bị quá cứng làm chai bánh mất ngon.
Khi đầy cây bánh gỡ khuôn ra dùng dao lá bài thật sắc, thái lát, có thể thái làm đôi lại theo hình tam giác, hình chữ nhật mỏng dày tùy thích rồi đem sấy khô và cất kĩ vô bao bóng cho giòn.
Có nhà khấm khá rang tới mấy ang lận (ang là đơn vị thường hay dùng đong nông sản ngày ấy, khoảng 22 lon vun sữa bò), bánh thì sấy nguyên cây để còn gửi đi biếu bà con ở xa.
Một ang nếp rang dện được khoảng 7- 9 cây bánh tùy nổ đều hay bị điếc. Nổ điếc nhiều có thể do phơi quá nắng, trường hợp như vậy thường phun ít nước sạch vào nếp cho hơi ẩm, hoặc canh ra sân để qua đêm lấy hơi sương làm dịu lại hôm sau mới đem rang.
Người quê quan niệm khi rang hạt nổ cánh bé, bị điếc nhiều, chỉ nổ lẹt đẹt thì có nghĩa là điềm báo năm ấy làm ăn sẽ gặp nhiều khó khăn, cày cấy khó được mùa…
Vậy mà nó lại là phần quà hấp dẫn của đám trẻ con. Bọn trẻ thơ dại chúng tôi hay la cà lò nổ, hốt một mớ nổ điếc bỏ bịch bóng để dành, có khi đem lên trường bóc ăn, vỏ trấu xả đầy lớp...
Năm ấy cuối tháng Tám đã mưa dầm, ba tôi tranh thủ ra đồng vớt từng cong nếp úng. Vì không được phơi nắng sớm nên nếp bị ẩm, vò hơi. Ấy vậy mà khi đem rang làm bánh, cánh lại nổ bung ngoài mong đợi.
Ba nói cánh nếp nổ to giòn giã là năm mới sẽ làm ăn được khấm khá, cả nhà vui lắm!
Có năm đặng mùa má tôi rang đến hai, ba ang làm bánh nổ, má nói làm nhiều để còn biếu cho bà con ở xa về, và để dành ra Giêng làm giỗ chị. Dù đặng mùa hay không, dù ít dù nhiều năm nào má cũng để một phần bánh khô thật tươm tất dành làm giỗ chị Khánh.
Bánh nổ đã trở thành hương vị của tuổi thơ và quê hương của biết bao người.
Tôi nhớ đến day dứt kỉ niệm với miếng bánh nổ ăn vụng của chị em tôi ngày xưa khờ dại.
Nhớ Tết quê với tiếng các mẹ, các chị í ới rủ nhau làm bánh mứt, tiếng đập khuôn nện chày dện bánh thùm thụp thâu đêm, nhớ hương nếp rang, mùi đường mía quyện với mùi gừng thoang thoảng khắp xóm trên làng dưới, nhớ đĩa bánh nổ giòn xốp mộc mạc tinh khiết dâng cúng Tổ tiên ông bà.
Và… thèm được lê la bên lò nổ ấm áp để nghe tiếng nếp nổ lùi bùi êm tai, rộn ràng ngày giáp Tết, thèm ăn miếng bánh nổ giòn rụm cùng người thân trong ngày đầu năm đi chúc Tết…
Hình ảnh ấy, âm thanh ấy, hương vị ấy trở thành một phần hơi thở quê tôi thời khốn khó nhưng thật bình yên!
Giờ đời sống khác xưa nhiều, kinh tế phát triển nhiều để rồi chúng ta cứ hối hả, vội vàng, không còn cái không khí mỗi nhà tự làm bánh mứt cho ngày Tết nữa, khi cần chỉ mua ít của người ta bán sẵn ở các cửa hiệu.
Nhưng dù thế nào đi nữa, dù có về hay không về được Tết này, dù ở đâu hay xa tít hai đầu đòn gánh thân thương hình chữ S, nếu cầm miếng bánh nổ ngọt xốp đưa lên miệng, là như đang tan chảy trong tim từng giọt quê nhà.