Đỏ mắt tìm truyền nhân làm tàu thủy sắt đồ chơi

Đỏ mắt tìm truyền nhân làm tàu thủy sắt đồ chơi

(GD&TĐ) - Ngày tết thiếu nhi đang cận kề, các sản phẩm đồ chơi trẻ em được trưng bày khắp phố phường… Nhưng trên thực tế, làng nghề vốn nổi tiếng sản xuất ra những sản phẩm đồ chơi mùa trung thu đang dần mai một.

Cố giữ một nghề

Làng nghề đồ chơi trẻ em ở Khương Hạ (Thanh Xuân, Hà Nội) từ bao đời nay vốn nổi tiếng với các loại đồ chơi làm bằng sắt như bướm, đèn cù, thỏ đánh trống, tàu thủy… nhưng không ai trong làng còn nhớ và biết cái nôi của làng nghề. Lần qua nhiều ngõ ngách, chúng tôi tìm đến nhà anh Nguyễn Văn Mạnh Hùng tại số nhà 30 ngõ 29/68 phố Khương Hạ, người duy nhất còn làm và giữ nghề. Anh Hùng chia sẻ: “Làng nghề có hơn 100 năm, truyền qua 5 – 6 đời nay, tôi cũng không nhớ nổi nó có tự bao giờ, chỉ biết rằng khi còn rất nhỏ đã được truyền lại cho tới giờ. Trước cả làng có 100 hộ làm nghề nhưng đến năm 1975 chỉ còn 30 hộ giữ được nghề”.

Anh Hùng cho biết thêm, do cuộc sống mưu sinh vất vả để trụ lại với nghề rất khó thế nên bà con đều bỏ nghề. “Trước đó, nguyên vật liệu rất đắt đỏ, gia công thì không phải nhà nào cũng làm được mẫu mã đẹp và đảm bảo chất lượng, thêm vào đó nghề làm tàu thủy chủ yếu làm thủ công nên vất vả và công phu, thông thường thợ làm 10 giờ đồng hồ mới hoàn thiện được một sản phẩm. Do vậy, hầu hết bà con đã chuyển nghề. Đến nay, duy chỉ có tôi vẫn bám trụ với nghề làm tàu thủy”.

Một cụ cao niên trong làng cũng cho biết, cả làng Khương Hạ trước kia đều làm đồ chơi bằng thiếc. Cứ từ tháng 6 trở đi, cả làng lại rộn rã tiếng đục, tiếng hàn, tiếng cắt sắt... như ngày hội. Mỗi nhà một món đồ chơi đặc trưng, nhà làm tàu thủy, nhà làm thỏ đánh trống, nhà làm súng lục đồ chơi kêu tạch tạch, kèn, ô tô… Tuy nhiên, những năm gần đây, nghề làm đồ chơi bằng thiếc ở làng Khương Hạ đã chết dần chết mòn do không cạnh tranh được với những đồ chơi hiện đại.

Chị Nguyễn Thị Thuyết, vợ anh Hùng bộc bạch: “Thấy mọi người đều bỏ nghề để mưu sinh, tôi cũng khuyên anh nên chuyển nghề. Nhưng nhìn anh cứ mải mê với nghề nên tôi đành chấp thuận, thời gian rảnh tôi cũng phụ anh làm những công đoạn nhỏ”.

Chị Thuyết phấn khởi nói, mùa bán rộ nhất vào tháng 5, tháng 6 âm lịch khi đó hàng làm không xuể, thậm chí khách du lịch nước ngoài đặt hàng 20 – 30 cái giá cao hơn thị trường trong nước 100.000 đồng/cái. Hiện nay, các sản phẩm của gia đình đã được trưng bày tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, tham gia các Festival làng nghề truyền thống… Sản phẩm còn xuất khẩu sang tận Pháp, Mỹ.

Đến nay, nghề làm tàu thủy sắt đem về cho gia đình anh Hùng thu nhập bình quân mỗi năm 200 – 250 triệu đồng.

c
Anh Hùng đang giới thiệu một sản phẩm tàu thủy sắt

Mòn mỏi chờ nối nghiệp

Điểm nhấn đặc biệt của nghề làm đồ chơi tàu thủy sắt đó là có thể cho tàu chạy được trên mặt nước, có tiếng nổ và khói “như thật”. “Từ những phế liệu như vỏ hộp sữa, đồng vụn… chiếc thuyền được người thợ làm hoàn toàn thủ công bằng tay như cắt, đục, giũa, hàn. Mỗi một chi tiết, đều đòi hỏi sự kiên nhẫn, độ chính xác cao. Nếu ráp không đúng, tàu không nổi trên mặt nước, thậm chí nghiêng, lệch”. Anh Hùng phân tích.

Chính vì làm thủ công tỉ mỉ nên nghề này khó bắt chước sản xuất đại trà được. “Cách đây hơn 10 năm về trước, vào năm 2002 có một đoàn Trung Quốc qua thăm mô hình và học tập cách làm tàu thủy của gia đình tôi, tôi cũng đã truyền dạy và tận tình chia sẻ bí quyết làm nghề. Tuy nhiên, họ làm theo kiểu sản xuất hàng hóa, nên chỉ có thể làm hình vỏ bên ngoài, chứ tàu không những không chạy được mà còn không phát ra tiếng nổ và khói như sản phẩm tàu thủy của tôi”. Anh Hùng kể.

Trong khoảng 5 - 6 năm trở lại đây, anh cũng đã nhận đào tạo và truyền nghề cho 7 – 8 học viên từ các tỉnh Nam Định, Thái Nguyên xuống học, nhưng họ chỉ trụ lại vài tháng rồi nghỉ học giữa chừng. Anh Hùng cho biết: “Để một thợ gò, hàn làm tàu thủy phải mất 2 năm học nghề, nếu học ngắn hạn chỉ làm được vỏ của tàu chứ không thể cho khởi động động cơ. Mà điểm nhấn đặc biệt của sản phẩm này là tàu chạy được dưới nước bằng nhiên liệu tự nhiên. Dù các học viên có tâm đắc cũng không theo nghề”.

Anh Hùng trăn trở: “Tôi nay đã 48 tuổi, làm nghề khoảng trên dưới 10 năm nữa là nghỉ, giờ con cái không ai nối nghiệp không biết làng nghề truyền thống còn giữ được không…”.

Chia sẻ về những dự định trong thời gian tới anh Hùng cho hay, hiện nay trên thị trường chỉ cung cấp 1/4 nhu cầu sử dụng sản phẩm tàu thủy nhưng không ai thiết tha với nghề, cái mong mỏi lớn nhất của anh là có học trò nối nghiệp nhưng anh vẫn chưa thực hiện được vì điều kiện không có để mở xưởng, hỗ trợ kinh phí cho học viên khi học nghề. “Khi không còn minh mẫn để làm nữa, tôi sẽ mở một cửa hàng nho nhỏ để cho khách thăm quan những sản phẩm tôi tự tay làm”. Anh Hùng vui vẻ nói.

Xuân Hưng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang bị đe dọa.

Kế hoạch Nga rút quân khỏi Syria?

GD&TĐ -Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng kể từ khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ.