“Dở khóc, dở cười” dạy lớp 1 online

GD&TĐ - Thực tế dạy online cho học sinh lớp 1 có muôn vàn tình huống “dở khóc, dở cười”, nằm ngoài kịch bản lên sẵn của giáo viên. Do đó, đòi hỏi lớn nhất với thầy cô chính là sự kiên nhẫn, quan tâm và chia sẻ...

Nhiều tình huống đòi hỏi giáo viên phải xử lý linh hoạt. Ảnh: NTCC
Nhiều tình huống đòi hỏi giáo viên phải xử lý linh hoạt. Ảnh: NTCC

Tình huống không trong giáo án

Cô Nguyễn Thị Lan Phương, Trường Tiểu học Hồng Hà (Hoàn Kiếm) trao đổi: học sinh mẫu giáo bước vào lớp 1 chuyển từ trạng thái chơi sang học, hơn thế vì dịch bệnh nên hoạt động làm quen trường lớp, nền nếp lớp 1 gần như các trường mẫu giáo phải “cắt” đi. Bước vào học online từ đầu năm học, trẻ vẫn “hồn nhiên” từ lời nói tới hành động.

Có em ngồi học 5 phút lại xin đi vệ sinh. Nhưng thay vì dùng từ “vệ sinh” lại nói “cô cho con đi tè, ị ạ…”. Cả lớp bật cười, nhốn nháo. Lúc ấy, giáo viên phải nhanh chóng giữ yên trật tự lớp học. Đợi học sinh trở lại học mới nhẹ nhàng dạy bảo: “Con dùng từ không sai, nhưng từ đó cô thấy chưa đẹp, chưa lịch sự, lần sau con nên thay thế bằng từ đi vệ sinh, và hãy cố gắng đi vệ sinh trước khi vào tiết học…”.

Có em đến tuần thứ 3 học online vẫn khó nỉ non, chưa học chữ nào cũng khóc và đề đạt “cô cho con nghỉ học, con không thích học thế này…”. Không phải là hiện tượng quá cá biệt ở học sinh lớp 1 nhưng nếu giáo viên không xử lý ngay sẽ tác động tâm lý xấu tới nhiều bạn khác và bản thân học sinh đó cũng không chấm dứt được tâm lý ngại học này.

Cô Đỗ Huyền Trang, Trường Tiểu học Phan Đình Giót (Thanh Xuân – Hà Nội) lại gặp trường hợp: Học sinh vào lớp không khóc, không xin đi vệ sinh, không phá lớp… nhưng chỉ “dự giờ”. Cô hướng dẫn viết, đọc, làm tính em ít thực hiện hoặc làm qua loa. Kể cả bố mẹ ngồi cạnh nhắc nhở thì con cũng chỉ cười hoặc trao đổi gượng gạo chứ không hào hứng với học tập.

Sau vài lần trao đổi với phụ huynh và học sinh, cô Trang biết rằng phản ứng đó xuất phát từ việc em không thích và chưa thích ứng với học trực tuyến, muốn được học tại lớp có cô và các bạn. Cô Trang tăng cường nói chuyện với học trò sau hoặc trước giờ học; kiên trì giải thích từng chút để học sinh hiểu… Tới nay, học trò của cô đã học online bình thường, thậm chí đua học tốt để được cô tặng sao.

Cô Hoàng Thị Phương Loan, Trường Tiểu học Núi Đèo (Thủy Nguyên - Hải Phòng) lại chia sẻ tình huống học sinh phải nhờ đến sự hỗ trợ của phụ huynh trong việc kết nối, kèm cặp thêm trong giờ học. Sự xuất hiện của những “trợ giảng” này mang tới nhiều tình huống “khó đỡ” cho giáo viên.

Khi giáo viên hỏi học sinh kết quả phép tính, thay vì để con suy nghĩ trả lời thì phụ huynh bên ngoài nhắc luôn kết quả để con trả lời cô. Có phụ huynh thấy con không trả lời được, nên mắng: “Trả lời cô đi chứ! Sao không trả lời? Hàng ngày nói như vẹt cơ mà…”. Chỉ đến khi cô nhẹ nhàng ngắt lời thì phụ huynh mới chột dạ, ngừng nói và nhớ ra mic đang bật, học sinh và phụ huynh khác đều nghe thấy.

Trường hợp cô Lê Thị Kim Ngọc, Trường Tiểu học An Hòa (Cầu Giấy - Hà Nội) khi dạy trực tuyến cũng chẳng giống ở đâu. Ấy là khi bắt đầu tiết học cô đặt chế độ quan sát nên bất kỳ học sinh nào rời vị trí sẽ có tín hiệu báo. Nhiều em rời vị trí học lâu quá không quay lại, máy tính của cô thông báo liên tục. Lý do đưa ra lại hết sức đơn giản: “Con đói quá đi tìm đồ ăn. Con ngồi ăn quên mất đang học trực tuyến”. Có em còn kể: “Con buồn ngủ quá, mới nằm xuống giường đã ngủ luôn…”.

Giáo viên cần kiên nhẫn, quan tâm để đồng hành cùng học trò hiệu quả. Ảnh: NTCC
Giáo viên cần kiên nhẫn, quan tâm để đồng hành cùng học trò hiệu quả. Ảnh: NTCC

Kiên nhẫn, thấu hiểu để đồng hành

Kinh nghiệm để kìm nén cảm xúc nóng giận khi dạy trực tuyến cho học sinh lớp 1 của cô Đỗ Huyền Trang là luôn tạo bầu không khí thân thiện, vui vẻ trước và trong giờ học. Dành thời gian trò chuyện, tâm sự với học sinh để tạo sự gần gũi, thoải mái, xóa bỏ bức tường ngăn cách giữa cô và trò. Mặt khác, chủ động lồng ghép sự hài hước vào lớp học bằng lời nói, biểu cảm, hành động của giáo viên...

Đặc biệt, theo cô Trang với những biểu hiện không tương tác của các em trong giờ học; hoặc chưa tiến bộ… đều cần giữ bình tĩnh, kiềm chế để có thể trao đổi, hướng dẫn học sinh học tập nhẹ nhàng. Tránh để tiêu cực trong suy nghĩ sẽ khiến giáo viên không làm chủ được lời nói, hành động chưa chuẩn mực. Với học sinh mắc lỗi,  hoặc học tập chậm tiến bộ sẽ tuyệt đối không nôn nóng, gây áp lực, không phê bình nặng lời trước lớp học online. Thay vào đó thường xuyên áp dụng “công thức” khen trước chê sau.

GS Đinh Quang Báo - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội - trao đổi: Dạy học trực tuyến dù giáo viên và học sinh có nỗ lực tới đâu thì hiệu quả, chất lượng không thể bằng trực tiếp. Do đó, về phía gia đình, phụ huynh nên giảm sự kỳ vọng con sẽ học tốt từ ban đầu, điều đó vô hình trung sẽ đặt lên học sinh những áp lực căng thẳng với học tập.

Đối với giáo viên, dạy học trực tuyến và đặc biệt đối tượng học sinh lớp 1 chắc chắn vất vả. Nhưng bên cạnh nỗ lực chuyên môn, tích cực đổi mới và nâng cao chất lượng bài giảng số… cần hết sức kiên nhẫn, tận tâm để hỗ trợ học trò lâu dài.

Hãy nghĩ tới những điều tích cực khi dạy học trực tuyến, coi dạy học trực tuyến như cơ hội đa dạng hóa hành trang giáo dục bản thân, trải nghiệm với nhiều hình thức giáo dục… Như vậy, giáo viên sẽ kiềm chế và triệt tiêu được cảm xúc tiêu cực, bực bội. Từ đó việc dạy học trực tuyến không còn nặng nề dù giáo viên vẫn phải đối diện với muôn vàn tình huống “dở khóc, dở cười”…

Cô Nguyễn Thị Lan Phương chia sẻ: Cứ sau giờ học, tôi lại gọi điện cho học trò nhẹ nhàng hỏi han, tâm sự để biết lý do không muốn học. Khi tìm được câu trả lời, tôi vừa nịnh vừa dỗ dành giải thích, khơi dậy hứng thú học tập bằng những cách dụ như: Trò chơi, hứa tặng quà, phần thưởng tiến bộ, được cô khen...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.