Dạy học trực tuyến với học sinh lớp 1: Phát huy vai trò của cha mẹ

GD&TĐ - Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trước thềm năm học mới buộc nhiều địa phương, trường tiểu học lên phương án cho dạy học trực tuyến (DHTT) với học sinh (HS) lớp 1.

Phụ huynh Trường TH Cầu Diễn (Hà Nội) hỗ trợ con học trực tuyến. Ảnh: NTCC
Phụ huynh Trường TH Cầu Diễn (Hà Nội) hỗ trợ con học trực tuyến. Ảnh: NTCC

Tuy nhiên, để đạt hiệu quả cao nhất, các nhà trường đều gắn chặt vai trò, sự đồng hành, hỗ trợ của phụ huynh (PH) với quá trình học tập của trẻ. 

DHTT thành công phụ thuộc vào cha mẹ

Cô Nguyễn Thị Lan Phương – GV lớp 1 Trường Tiểu học Hồng Hà (Hoàn Kiếm – Hà Nội), chia sẻ: DHTT với HS lớp 1 được nhà trường và GV xác định tâm thế để triển khai. Tuy nhiên, từ Ban giám hiệu tới tổ chuyên môn, GV đều nhận định, dạy học khối 1 theo hình thức trực tuyến để thành công nhất định cần tới sự đồng hành của PH. Thầy cô cần khuyến khích và gắn chặt vai trò của PH trong quá trình DHTT.

Cô Lan Phương trăn trở: HS từ MN vào lớp 1 còn bỡ ngỡ trong cách học, chưa biết thao tác máy móc, ý thức học chưa cao, chưa thể chuẩn bị đồ dùng học tập, sách vở đúng yêu cầu môn học, tiết học… Như vậy, học trực tuyến nếu không có hỗ trợ của PH, GV sẽ vô cùng vất vả trong quá trình dạy học.

Kinh nghiệm 20 năm dạy học lớp 1, cô Lan Phương nhận định: Học online thành công, PH góp công sức 40%, GV 30%, HS 30%. Việc hỗ trợ, kèm cặp HS lớp 1 của PH cần ít nhất trong 1 - 2 tháng mới có thể “buông” tay. Khi đó, HS mới làm quen và bắt nhịp với môi trường, điều kiện, thói quen học tập mới.

Cô Trần Thị Hợi – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Khánh Nhạc B (Yên Khánh – Ninh Bình), cũng cho rằng, DHTT với HS lớp 1 phải có sự đồng hành, hỗ trợ từ phía gia đình mới có thể triển khai. Cô Hợi đơn cử, việc đơn giản nhất là sử dụng máy móc trong quá trình học tập. HS lớp 1 chưa thể thao tác thành thạo thì nói gì tới thích nghi và học tốt ngay với DHTT.

HS lớp 1 học trực tuyến cần sự hỗ trợ của phụ huynh. Ảnh: IT
HS lớp 1 học trực tuyến cần sự hỗ trợ của phụ huynh. Ảnh: IT

Chia sẻ kinh nghiệm từ năm học trước đã triển khai DHTT, theo Hiệu trưởng Trường TH Khánh Nhạc B, vai trò của PH với HS lớp 1 không thể thiếu. Chính vì vậy, năm nay, ngay từ buổi đầu tuyển sinh, nhận hồ sơ nhà trường đã họp và hướng dẫn, phổ biến cùng PH lớp 1 các vấn đề cần triển khai khi DHTT (cách cài đặt máy móc, cách sử dụng phần mềm; cách kèm HS lớp 1 đọc, viết thế nào tại nhà đúng cách, khoa học...).

Trong trường hợp phải DHTT, trường sẽ tổ chức họp PH trực tuyến để GV chủ nhiệm làm quen với HS, PH; Hướng dẫn PH những vấn đề liên quan DHTT; Đặc biệt sẽ lấy ý kiến và phổ biến thời gian DHTT để PH chủ động bố trí thời gian hỗ trợ con cả phương tiện lẫn quá trình học…

Cô Phạm Thị Huệ - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trí Yên (Yên Dũng – Bắc Giang), bày tỏ: Với GV dạy lớp 1, dạy trực tiếp trong 2 tháng đầu còn vất vả thì HS học trực tuyến không thể tránh khỏi những lúng túng, bỡ ngỡ. Nhiều em trong buổi tập trung tại lớp còn khóc đòi về nên không thể kỳ vọng trẻ sẽ nhanh chóng thao tác, làm quen với học tập trên máy thành thạo nếu không có sự hỗ trợ của bố mẹ.

Theo cô Huệ, để giảm bớt những khó khăn, áp lực và để đạt hiệu quả nhất định trong DHTT với HS lớp 1 cần chuẩn bị kĩ càng các điều kiện, phương tiện, sự hỗ trợ… và trong đó, PH đóng vai trò không thể thiếu.

Với HS lớp 1 được GV hướng dẫn, học tập tại lớp sẽ phát huy hiệu quả tối đa. Ảnh: Đức Trí
Với HS lớp 1 được GV hướng dẫn, học tập tại lớp sẽ phát huy hiệu quả tối đa. Ảnh: Đức Trí

Nhà trường, GV chủ động phối hợp

Với quan điểm, sự đồng hành của PH quyết định thành công của DHTT cho HS lớp 1 nên cô Nguyễn Thị Lan Phương đã chủ động đề xuất Ban giám hiệu triển khai dạy học vào các buổi tối trong tuần. Bởi thời điểm này PH mới ở nhà đầy đủ và cung cấp phương tiện học tập, hỗ trợ hữu ích trong quá trình học tập cho trẻ.

Đặc biệt, cô Phương cũng lên kế hoạch, trước mỗi buổi học GV sẽ chuyển tới PH thời khóa biểu để nắm được hôm nay trẻ học gì, từ đó có sự chuẩn bị và nhắc nhở kĩ càng, phù hợp.

Cũng theo cô Phương, tại Trường Tiểu học Hồng Hà, Ban giám hiệu đã lên phương án: HS lớp 1 nếu không có PH kèm cặp hỗ trợ trong quá trình DHTT thời gian đầu sẽ được “gom” riêng 1 nhóm để GV trong khối luân phiên kèm thêm. Làm sao để mỗi buổi học trực tuyến bổ sung sẽ giúp HS lớp 1 nắm ngay kiến thức, kĩ năng. Tránh tình trạng để HS hổng kiến thức, theo chậm chương trình…

Mặt khác, trong buổi “tựu trường” trực tuyến, PH sẽ được GV mời dự cùng con vừa để làm quen, nghe phổ biến tình hình, yêu cầu chung năm học để có hình dung vấn đề cần hỗ trợ trẻ. Thậm chí, nhà trường còn chuẩn bị sẵn hình ảnh, thông tin về các phòng chức năng trường lớp (phòng đọc sách, công trình phụ, các cổng ra vào nhà trường…) để PH và HS sớm nắm bắt. Khi đi học trở lại, GV có thể bắt nhịp ngay với trường lớp mà không bỡ ngỡ.

Xác định để DHTT hiệu quả với HS lớp 1 ngay từ đầu năm học, Trường Tiểu học Xuân Phương (Nam Từ Liêm – Hà Nội) yêu cầu GV phải làm tốt khâu phối hợp với cha mẹ.

Cụ thể, sau khi chia lớp, GV chủ nhiệm lập các nhóm Zalo để hướng dẫn PH cách đăng nhập phần mềm Zoom; tổ chức cho PH, HS gặp mặt trực tuyến và phổ biến quy định, nội quy. Như vậy, ngay sau khi dự khai giảng trực tuyến (5/9), HS lớp 1 có thể bước vào học tập dưới sự hỗ trợ thành thạo của bố mẹ.

Theo cô Lê Thị Tuyết Lan – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Xuân Phương, nếu HS khối 2 - 5 có thể chọn lịch học trực tuyến phù hợp với GV và PH vào ban ngày thì HS khối 1 nhà trường lên phương án học online 5 ngày đều vào buổi tối. Như vậy, đảm bảo chắc chắn PH cung cấp về thiết bị và có sự hỗ trợ con trong quá trình học…

Cùng đó, tất cả buổi DHTT, PH được khuyến khích phối hợp chặt chẽ với GV, nhà trường để giúp trẻ vượt qua khó khăn, làm quen với DHTT ít nhất trong 1 - 2 tháng…

TS Nghiêm Xuân Huy – Viện trưởng Viện Đảm bảo Chất lượng Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), khẳng định: Chỉ có sự tác động của GV về mặt kiến thức, kĩ năng thì chưa đủ mà PH, gia đình cần hỗ trợ thêm cho HS từ phương diện kĩ thuật, hạ tầng, hình thành thói quen học tập, sự thích ứng với bối cảnh học tập… Thậm chí, PH cần phải phối hợp với GV, nhà trường trong các hoạt động giáo dục để khi cần có thể học cùng con, giúp con thích nghi với hoạt động học tập. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ