Định kiến hay thành kiến được hiểu là những ý kiến, quan điểm, nếp nghĩ cố định, có tính chất chủ quan, phiến diện, thậm chí là sai lệch đối với một cá nhân, tổ chức hay một hiện tượng xã hội nào đó về mọi mặt: Giới tính, tuổi tác, tôn giáo, ngôn ngữ, hình dáng, tính cách, phẩm chất… dẫn đến việc phân biệt đối xử.
Bởi vậy, thật chí lý khi có người cho rằng, cuộc sống thường không chật hẹp trong những ngôi nhà, trên những con đường, góc phố, mà chính trong những định kiến và suy nghĩ của con người.
Ngày nay, dù quan niệm bình đẳng giới đã được cụ thể hóa thành luật, thế nhưng vẫn còn không ít người mang theo nếp nghĩ “Trọng nam khinh nữ”. Bạn tôi là một ví dụ như thế.
Vợ chồng bạn vốn thân nhau từ bé. Học hết cấp 2, cùng vào Sài Gòn làm công nhân rồi nên vợ nên chồng. Chồng của bạn là con trưởng, lại là con trai duy nhất trong nhà. Ngày bạn mang thai đứa con đầu lòng, bố mẹ chồng và kể cả bố mẹ bạn, đều “mong là con trai”.
Thế nhưng bạn sinh… con gái. Rồi đứa thứ hai, thứ ba, thứ tư cũng vẫn thế. Chồng bạn an ủi: “Trai gái gì cũng là con mình. Miễn các con khỏe mạnh, chăm ngoan; gia đình hạnh phúc là được!”.
Tuy nhiên, bố mẹ chồng của bạn lại không nghĩ thế. Ông bà tỏ vẻ xem thường con dâu, ngó lơ các cháu ra mặt. Điều này càng khiến vợ chồng bạn buồn bã, nghĩ ngợi và không biết phải làm thế nào.
Tôi cũng có cô đồng nghiệp sinh ra đã có tướng gò má cao. Ngày được người yêu đưa về ra mắt gia đình anh, ai nấy đều phản đối ngay khi gặp. Họ xì xào: “Gò má cao thế kia, sát chồng, sát con…”.
Cũng vì định kiến ấy mà bằng mọi giá, họ đã ngăn cản chuyện tình của đôi bạn. Cuối cùng, bạn và người yêu đành phải chia tay. Rõ ràng, định kiến chính là bức tường thành ngăn cản, phá vỡ nhiều mối quan hệ, tình cảm vốn dĩ tốt đẹp.
Chồng tôi vẫn thường giúp đỡ tôi những công việc nhà. Không chỉ nấu cơm, quét dọn mà còn giặt giũ... Thế nhưng hôm bữa, cô hàng xóm sang chơi, thấy chồng tôi rửa bát, liền gọi tôi ra nói khẽ: “Để chồng rửa bát thế kia sao được.
Đàn ông con trai là phải làm việc đại sự. Ai lại…”. Cô bảo, ở nhà mình, cô không bao giờ bắt con trai nấu cơm, rửa bát vì sợ cơm sống, bát dơ, bát vỡ… thà mình làm ráng còn nhanh hơn. Đấy. Ngay cả những việc cỏn con bình thường là vậy cũng trở thành mặc định.
Thiết nghĩ, đã là công việc chân chính, hữu ích thì vợ hay chồng, nam hay nữ đều có thể cùng làm, cùng san sẻ. Như vậy, tổ ấm gia đình mới thực sự hạnh phúc, xã hội mới thực sự lành mạnh, tiến bộ.
Tôi nhớ đến câu nói của bác nông dân trong một truyện ngụ ngôn của phương Tây, rằng “thành kiến và những quan niệm sai lầm đôi khi còn tệ hại hơn cả sự ngu dốt…”. Những thành kiến, định kiến dù xuất phát từ hạn chế nhận thức hay có chủ ý đều khiến cho nạn nhân của nó bị tổn thương, mất niềm tin và động lực vào bản thân, cuộc sống.
Những định kiến nếu không được xóa bỏ, dần dà, nó sẽ tự tạo ra cơ chế lây nhiễm, lan truyền trong xã hội; trở thành vô thức tập thể, ăn sâu vào tâm thức của từng cá nhân, thành cái nghiễm nhiên đúng, không cần phải nghi ngờ, kiểm chứng.
Và như thế, nó sẽ trở thành sợi dây vô hình, trói buộc, kìm hãm sự phát triển của mỗi cá nhân cũng như toàn xã hội.
Để thay đổi, xóa bỏ được những định kiến trong xã hội, ngoài những cơ chế, thiết chế, hoạt động cụ thể mà Nhà nước đặt ra và thực hiện, mỗi người cần phải tự biết nâng cao nhận thức cho bản thân mình.
Nếu mỗi người biết đặt mọi vấn đề trong vô vàn các mối quan hệ, trong quá trình để nhìn nhận bằng đôi mắt khách quan và trái tim vị tha thì hẳn sẽ không còn chỗ đứng cho những định kiến sai lầm, vị kỷ!