Yêu nghề sẽ có hạnh phúc
Kể về con đường nghề nghiệp đặc thù của mình, Nguyễn Đức Huy, sinh viên năm thứ 4, lớp Nam, khoá 41/6 Học viện Múa Việt Nam chia sẻ: “Đối với em trở thành diễn viên múa là niềm đam mê và sự nghiệp tương lai. Từ nhỏ, em đã xem trên tivi và rất thích những chương trình nghệ thuật múa. Sau đó, em được mẹ đăng ký vào học lớp học múa ở Cung Thiếu nhi, mẹ cũng là người ủng hộ em vào Học viện Múa Việt Nam.
Đây là một nghề đòi hỏi sự khổ luyện và kiên trì từ khi còn nhỏ, học múa rất dễ dẫn đến những chấn thương như trẹo cổ chân hay một số bệnh về lưng… thậm chí, những chấn thương nặng còn có thể dẫn đến việc phải nghỉ tập”.
Huy cho biết, khi mới vào trường em còn thiếu một số điều kiện về độ dẻo, độ mở và tỷ lệ cơ đẹp… Nhưng nhờ có sự tâm huyết dẫn dắt của thầy dạy múa ballet, em đã được truyền đạt và hướng dẫn những kỹ năng chuyên môn, để có thể đạt đến sự tinh tế trong biểu diễn.
Trước khi vào trường, Huy đã theo học bộ môn múa đương đại và múa ballet một thời gian nên năm học thứ nhất không bị bỡ ngỡ. Trong những năm học sau, sinh viên được học sâu về các bộ môn múa dân gian, các điệu múa khác nhau của các dân tộc Việt Nam. Đồng thời tiếp cận với nhiều điệu múa và kỹ thuật biểu diễn khó hơn, đòi hỏi tính sáng tạo trong biểu diễn.
Cho đến nay, Huy vẫn còn một năm học nữa, tuy nhiên em cũng đã gặt hái được nhiều giải thưởng quốc tế với nghề múa. Với năng lực của mình, trong tương lai cơ hội việc làm của Huy là khá rộng mở tại các nhà hát hoặc các đoàn biểu diễn nghệ thuật trong và ngoài nước.
Chia sẻ về con đường nghề nghiệp, Huy cho rằng, kiến thức văn hóa trong nhà trường phổ thông rất cần thiết cho tương lai. Để có được hạnh phúc trong cuộc sống cần tìm đúng nghề nghiệp mà mình yêu thích, và sống tốt với nghề đã được lựa chọn.
Hấp dẫn nhưng ít người theo học
Múa là môn nghệ thuật biểu diễn sử dụng ngôn ngữ hình thể để phản ánh tình cảm, hiện tượng trong đời sống xã hội. Những tiêu chuẩn khắt khe của nghệ thuật múa đòi hỏi người theo nghề phải có năng khiếu, dáng vẻ cũng như phải đáp ứng các tiêu chuẩn về cân nặng, tỷ lệ cân đối của cơ thể và sự khổ luyện ngay từ khi còn nhỏ tuổi.
Điểm khắc nghiệt nhất là quá trình luyện tập phải liên tục, hàng ngày, hàng giờ. Nếu thiếu sự đam mê, không thấu hiểu được ý nghĩa sâu sắc của nghề đối với xã hội thì rất khó có thể theo nghề được. Chính vì vậy, số học sinh, sinh viên theo nghề đến nay vẫn còn rất hạn chế, mặc dù đây là một nghề mà xã hội đang cần.
Học viện Múa Việt Nam thường tuyển các em học sinh từ rất sớm, thường là hết lớp 6 lên lớp 7 để có thể dễ ép dẻo nên trong trường luôn có những tiết học với các thầy cô dạy kiến thức văn hóa song song với học chuyên môn. Sau khi học xong hệ trung cấp hoặc cao đẳng thì học sinh, sinh viên có thể học tiếp hệ đại học hoặc sang Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh học làm biên đạo múa, huấn luyện múa.
Hiện nay, các nhà hát như: Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP Hồ Chí Minh… là những môi trường việc làm mà hầu hết các sinh viên theo nghề diễn viên múa mong muốn hướng tới sau khi ra trường.
Thời gian học nghề diễn viên múa từ 2 – 6 năm tùy theo các trình độ đào tạo từ trung cấp, cao đẳng đến đại học. Mức thu nhập trung bình khoảng 7 triệu đồng/tháng. Tuy mức thu nhập không cao, nhưng nghệ thuật múa là sự đam mê, khát khao được đứng trên sân khấu, giúp các bạn trẻ gắn bó và yêu nghề, vượt lên mọi trở ngại trong cuộc sống.