Tôi luôn cảm thấy mình thật sự may mắn khi được học tập và rèn luyện trong MEPhI, và hiện tại cảm giác ấy vẫn như vậy! Những điều tôi học được ở MEPhI là hành trang không thể thiếu khi bước vào làm việc ở bất cứ công ty nào. Ở Nga, tôi không chỉ nhận được một lượng kiến thức lớn, cách suy luận logic, mà còn được trang bị các kĩ năng về cuộc sống và kĩ thuật bởi tôi đã là lớp trưởng, được rèn luyện trong các phòng thí nghiệm của trường, và ở nhà máy điện hạt nhân Novovoronezh. Tôi đã làm tất cả các thí nghiệm từ đơn giản nhất, như với con lắc vật lí, tới phức tạp nhất, như với giả lập phòng điều khiển trung tâm của Nhà máy điện hạt nhân Novovoronezh. Cuộc sống ở Nga rất vui và đáng nhớ, có lẽ đây là khoảng thời gian tuyệt vời nhất trong đời tôi.
Vào ngày 13/02 trong khuôn khổ buổi lễ trao bằng tốt nghiệp, là tác giả của luận văn được hội đồng giám khảo bình chọn xuất sắc nhất, bạn đã được nhận giải thưởng danh dự từ tay của ông Valery Karezin, Giám đốc Phụ trách các Dự án Đào tạo của ROSATOM. Hãy nói đôi lời về ấn tượng của bạn, những cảm giác bạn trải qua như thế nào?
Lễ tốt nghiệp của chúng tôi được ROSATOM quan tâm đặc biệt, vì nhóm chúng tôi là nhóm đầu tiên được đào tạo theo chương trình của ROSATOM liên kết với Việt Nam về xây dựng nhà máy. Tôi cảm thấy thật vinh dự và may mắn khi là 1 trong 3 sinh viên được nhận được bằng khen “luận văn tốt nghiệp xuất sắc nhất” và huy chương “sinh viên tốt nghiệp xuất sắc nhất”. Mặc dù đã nghe sơ sơ về việc được giải trước đó nhưng khi được nghe xướng tên và nhận giải từ chính Giám đốc các Dự án Giáo dục của ROSATOM, ông Valery Karezin, tôi vẫn cảm thấy hồi hộp và hạnh phúc, vì nỗ lực của mình được đền đáp xứng đáng.
Lứa sinh viên VN đầu tiên theo học chuyên ngành "Nhà máy điện hạt nhân: thiết kế, vận hành và điều khiển" |
Cách đây không lâu trong một cuộc phỏng vấn của báo Khoa học Phát triển, Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam Vinatom, ông Trần Chí Thành đã nhấn mạnh rằng dù việc dừng dự án Ninh Thuận 1 vào tháng 11/2016 gây khó khăn cho việc tìm kiếm việc làm đúng chuyên ngành của các chuyên gia tương lai, nhưng các lãnh đạo Việt Nam đã áp dụng các biện pháp để giải quyết vấn đề này. Cụ thể, Vinatom, Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN sẵn sàng đề nghị chỗ công tác cho các sinh viên tốt nghiệp khi về nước. Bạn có thể chia sẻ trải nghiệm về công việc của mình hay dự định tương lai không? Có những lời đề nghị về việc làm nào từ phía Việt Nam cũng như phía Nga?
Thật khó mà đưa ra câu trả lời chung nhất cho câu hỏi này. Nhóm chúng tôi có tất cả 28 người, thì chỉ có gần 10 người là được làm những công việc có liên quan đến chuyên ngành, khoảng 18 người còn lại đã chuyển sang làm ở những lĩnh vực hoàn toàn khác.
Qua các cuộc nói chuyện với các bạn trong nhóm, tôi thấy đa số các bạn cảm nhận được sự hỗ trợ của chính phủ Việt Nam và chúng tôi được biết Bộ Khoa học Công nghệ và Vinatom hiện đang làm việc với Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Nga ROSATOM về dự án Trung tâm Khoa học và Công nghệ Hạt nhân, sẽ thay thế cho lò phản ứng cũ tại Đà Lạt và trung tâm sẽ là điểm đến lý tưởng cho tất cả chúng tôi.
Hiện tại, 19 người đã ký hợp đồng với EVN, và tất cả đều được EVN sắp việc ở các công ty trực thuộc tập đoàn. Nhưng tôi nghĩ rằng với kiến thức thu được từ MEPhI, kĩ năng ở các phòng thí nghiệm của trường, và với kinh nghiệm đi thực tập tại Novovoronezh, chúng tôi sẽ có thể làm tốt ở bất kì lĩnh vực nào.
Nguyễn Trị cùng các bạn sinh viên tham gia khóa thực tập tại nhà máy điện hạt nhân Novovoronezh của Nga |
Cũng trong bài phỏng vấn nêu trên, ông Trần Chí Thành đã nhấn mạnh rằng Vinatom cũng rất trân trọng những tấm bằng tốt nghiệp ở Nga và ở những nước khác, rằng các cuộc đàm thoại với ROSATOM về việc xây dựng các điều kiện thuận lợi cho việc tiếp tục nghiên cứu ở Nga vẫn đang diễn ra. Bạn có dự định tiếp tục học tập ở Nga không? Những định hướng khoa học nào bạn đang dự định cho bản thân?
Tôi sẽ tiếp tục học lên nghiên cứu sinh và hướng nghiên cứu của tôi sẽ về turbin hơi và các thiết bị liên quan đến nó.
Bạn có thể chia sẻ trải nghiệm về công việc của mình hay dự định tương lai ?
Bản thân tôi cũng có hợp đồng với EVN và đã được EVN phân vào làm ở công ty tư vấn xây dựng điện. Khi mới vào công ty, tôi thấy tương đối tự tin vào kiến thức của mình do tôi được phân vào trung tâm tư vấn nhiệt điện.
Thực vậy, nhà máy nhiệt điện truyền thống và nhà máy điện hạt nhân VVER có những điểm rất chung ở phần turbin, tôi đã làm chủ được kiến thức mới khá nhanh, tuy có một số khó khăn nhất định như học về turbin khí và phần mềm vẽ 3D. Tôi rất ấn tượng bởi Tổng Giám đốc của công ty, anh ấy cũng như tôi tin rằng điện hạt nhân nhất định sẽ quay trở lại Việt Nam trong tương lai và có cả một kế hoạch đào tạo riêng cho nó.
Ở thời điểm hiện tại Bộ Khoa học và Công nghệ và Vinatom đang triển khai dự án Trung tâm Khoa học và Công nghệ Hạt nhân (CNEST), trung tâm này sẽ thay thế cho lò phản ứng hạt nhân loại nghiên cứu đã cũ tại Đà Lạt. Dự kiến CNEST sẽ được vận hành vào năm 2025. Là một chuyên gia trẻ, bạn đánh giá thế nào về lợi ích của dự án cho Việt Nam? Bạn có dự định công tác ở CNEST không?
Tôi cho rằng trung tâm trên là sự chuẩn bị cần thiết cho việc vận hành nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam, những kinh nghiệm thu được từ vận hành lò phản ứng thế hệ mới ở trung tâm là yếu tố không thể thiếu để vận hành an toàn, hiệu quả nhà máy điện hạt nhân.
Quan trọng hơn hết là trung tâm sẽ tiếp tục nhiệm vụ phát triển công nghiệp hạt nhân ở Việt Nam, ví dụ như sản xuất đồng vị phóng xạ để ứng dụng trong y học, nông nghiệp, v.v. Nếu có cơ hội được làm việc ở CNEST, tôi sẽ không bao giờ bỏ qua, vì đơn giản đó là niềm đam mê của tôi.
Các sinh viên Việt Nam vui mừng nhận bằng tốt nghiệp ĐH MEPhISVVN vui mừng nhận bằng tốt nghiệp ĐH MEPhI |
Là một chuyên gia trẻ, đã qua nhiều năm học tập tại trường đại học về hạt nhân đứng đầu nước Nga và thực tập sản xuất tại các cơ sở hạt nhân của Nga, quan điểm của bạn, ở những lĩnh vực nào, ứng dụng của công nghệ hạt nhân là thiết thực nhất?
Hiện tại tôi nhận thấy ứng dụng của công nghệ hạt nhân vào nông nghiệp là hợp lý và cấp thiết nhất. Việt Nam hàng năm sản xuất ra rất nhiều sản phẩm nông nghiệp, nếu như có thể ứng dụng công nghệ hạt nhân để bảo quản thực phẩm và cải thiện chất lượng, tôi nghĩ nông sản Việt Nam sẽ nâng lên một tầm cao mới, xuất khẩu sang các thị trường khó tính sẽ dễ dàng hơn.
Cám ơn Nguyễn Trị !
Năm 2011, Nga và Việt Nam đã ký một thỏa thuận hợp tác trong việc xây dựng Trung tâm Khoa học và Công nghệ Hạt nhân ở Việt Nam, và đồng thời vào năm 2014, hai quốc gia cũng đã ký Hiệp định khung. Cơ sở này sẽ được trang bị một lò phản ứng nghiên cứu được chế tạo dựa trên thiết kế của Nga, một máy cyclotron đa năng, cũng như các phòng thí nghiệm nghiên cứu và phát triển, một tổ hợp kỹ thuật, thiết bị và cơ sở hạ tầng để đảm bảo hoạt động an toàn của trung tâm.
Ngày 29/6/2017, tại Moscow, Liên bang Nga, trước sự chứng kiến của Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin và Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Trần Đại Quang, Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Nga ROSATOM và Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã ký Biên bản ghi nhớ về kế hoạch triển khai dự án xây dựng Trung tâm Khoa học và Công nghệ Hạt nhân (CNEST) tại Việt Nam.
Trong Biên bản ghi nhớ, hai bên sẽ thông qua các kế hoạch tiếp theo sau khi chính phủ Việt Nam chấp thuận nghiên cứu tiền khả thi của dự án, Tài liệu cũng đưa ra tham vấn về các điều khoản và điều kiện liên quan đến vấn đề tài chính của dự án.