(GD&TĐ) - Tính từ mùa hoa ban đại thắng 1954 đến nay (2011) đã 57 năm qua. Hơn nửa thế kỉ, Điện Biên Phủ đã không ngừng phát triển, từ bãi chiến trường hoang phế đến màu xanh bạt ngàn của nông trường, rồi thành phố lung linh ánh sáng hiện đại. Từ đó cứ mỗi mùa hoa ban nở, báo chí và bạn đọc cả nước cùng hướng về mảnh đất lịch sử “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” này như để tiếp thêm sức mạnh cho tương lai. Năm nay khi sắc trắng rừng ban đã chan hòa một miền biên viễn, chúng tôi lên Điện Biên Phủ vào một ngày thường.
Ấn tượng phát triển
Đây là lần đầu tiên tôi lên Điện Biên, vào đúng mùa ban lại được một cô gái Thái quê Mường Thanh dẫn đường. Cô tên Cầm, sinh viên một trường kinh tế ở Hà Nội, trong trẻo như một đóa hoa rừng. Một ngày thường trước kỉ niệm, chiếc xe chất lượng cao chạy tuyến Mỹ Đình – Điện Biên hướng cầu Thăng Long đưa chúng tôi ngược Tây Bắc. Bây giờ, những ai đi từ miền xuôi lên Điện Biên, thật khó hình dung những chiếc xe thồ năm xưa đã vượt núi băng rừng ra sao để tiếp tế cho các chiến sĩ ngoài mặt trận. Xe chạy êm ru qua đèo qua dốc khiến du khách không thể hình dung được sự quanh co hiểm trở của đèo Pha Đin trước kia, càng khó có thể cảm nhận sự vất vả những chuyến gồng gánh đi bộ dài ngày của những người vợ miền xuôi lên xây dựng nông trường Điện Biên cùng chồng.
Trên xe, cô gái Mường Thanh có đôi mắt đen và ướt nhìn tôi, nói nhỏ nhưng rành mạch: “Lên trên đó anh sẽ thấy, phố núi quê em thật khác với thành phố dưới đồng bằng. Điện Biên Phủ tuy phát triển nhưng vẫn giữ nhịp sống thong thả giữa đại ngàn nước non Tây Bắc.” Quả đúng như lời cô gái, với thế mạnh về vị trí địa lí, kinh tế, quốc phòng đặc biệt quan trọng trong khu vực Tây Bắc; có điều kiện khí hậu ưu đãi, thổ nhưỡng đa dạng; lại có tiềm năng thuỷ điện và khoáng sản phong phú... đã và đang tạo ra những thế mạnh to lớn để tỉnh Điện Biên phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, từng bước vươn lên giàu mạnh. Điện Biên Phủ hôm nay đẹp không chỉ là nét tươi mới của các công trình văn hoá, lịch sử mà còn được chứng kiến những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội ở khắp mọi nơi.
Thành phố Điện Biên Phủ hôm nay, ảnh NP |
Chỉ sau một giấc ngủ ngon lành trên xe, 5 giờ sáng nhạc hiệu của VOV đã rộn ràng: Giải phóng Điện Biên, bộ đội ta tiến quân trở về giữa mùa ban nở, miền Tây Bắc tưng bừng vui… Giai điệu ca khúc rộn ràng và xao xuyến nhắc chúng tôi đã đến vùng đất lịch sử miền biên. Từ xa đã thấy Tượng đài chiến thắng sừng sững trên đồi D1, nằm giữa Thành phố Điện Biên Phủ, xung quanh là những dãy nhà cao tầng to đẹp với nhiều kiểu kiến trúc lạ mắt. Chạy dọc thung lũng Mường Thanh, nơi diễn ra cuộc đọ sức lịch sử năm xưa là đại lộ 279, con phố chính và lớn nhất Thành phố Điện Biên Phủ bây giờ. Bao bọc lấy thành phố là màu xanh bạt ngàn của cánh đồng Mường Thanh, hương lúa đang thì con gái như gợi lại dấu ấn nông trường Điện Biên một thuở. Xa hơn, như một vành đai khép kín vây quanh thành phố là dãy núi quanh năm mây phủ khiến cho toàn cảnh lòng chảo càng thêm hư ảo.
Những ấn tượng ban đầu ấy càng thêm sinh động khi chúng tôi được ông Nguyễn Huy Dự - Chủ tịch UBND Thành phố, đưa ra những con số: Theo Nghị định số 110/2003/NĐ-CP của Chính phủ, Điện Biên Phủ trở thành thành phố từ tháng 10 năm 2003 và là đô thị loại ba. Sau khi tách tỉnh, Điện Biên Phủ trở thành tỉnh lị tỉnh Điện Biên như ngày nay. Từ đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế - xã hội hàng năm không ngừng tăng cao. Năm 2010, tốc độ tăng trưởng đạt 19,9%, GDP bình quân đạt 2.059USD/người/năm. Với những di tích lịch sử giá trị và phong cảnh thiên nhiên đẹp, Điện Biên Phủ ấn tượng như một thành phố du lịch văn hóa. Điều này, cứ nhìn vào cơ cấu kinh tế sẽ thấy: chiếm 55,8% là thương mại và dịch vụ, CN-TTCN và xây dựng là 40,3%, còn nông - lâm nghiệp chỉ chiếm 3,9%.
Nghe chúng tôi đề cập, cánh đồng Mường Thanh trước là một nông trường sản xuất giỏi, vậy còn sản lượng hôm nay thì sao? Anh Hạnh, Chánh VP UBND Thành phố cho biết: Các anh xem trong Báo cáo sẽ thấy, nông-lâm nghiệp chỉ chiếm 3,9% trong cơ cấu kinh tế, vậy mà tổng giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2010 là 112 tỷ đồng, đạt 138,3% kế hoạch. Sản lượng lương thực cũng vượt mức kế hoạch cấp trên giao, đạt 8.336,2 tấn.
Cũng cần nói thêm, trong lĩnh vực phát triển nông - lâm nghiệp trên toàn tỉnh, từ đầu năm 2008 tỉnh đã phối hợp với Tập đoàn Cao su Việt Nam triển khai dự án trồng thử nghiệm 7 giống cao su trên diện tích 1.000ha tại Thành phố Điện Biên Phủ cùng hai huyện Điện Biên và Điện Biên Đông. Năm 2009, toàn tỉnh phấn đấu trồng thêm 3.000ha. Sau hai năm trồng thử nghiệm cho thấy, cây cao su thích ứng tốt với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của tỉnh và đang sinh trưởng, phát triển tốt. Ông Nguyễn Huy Lý, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên, cho biết: Theo kế hoạch đến năm 2020, diện tích trồng cao su của tỉnh Điện Biên sẽ đạt 30.000 ha. Vào năm 2012-2013, Tập đoàn sẽ xây dựng nhà máy chế biến mủ cao su với tổng công suất 10.000 – 20.000 tấn/năm ngay tại tỉnh nhằm thu mua và chế biến mủ cao su tại chỗ.
Một góc Thành phố, ảnh NP |
Cách Thành phố Điện Biên Phủ không xa về phía tây nam là Nhà máy Xi măng Điện Biên đặt tại xã Xa Mứn, huyện Điện Biên trên diện tích hơn 20ha, có công suất thiết kế 36 vạn tấn xi măng/năm, được xây dựng với hệ thống dây chuyền, thiết bị sản xuất theo công nghệ hiện đại bậc nhất hiện nay. Nhà máy đã đi vào sản xuất từ tháng 5-2009. Khi chúng tôi đến, hàng trăm công nhân đang khẩn trương thao tác trên dây truyền hiện đại, máy móc chạy ầm ầm để cho ra những sản phẩm xi măng chất lượng cao và theo đúng kế hoạch sản xuất. Đây không chỉ là những dự án thể hiện sự quan tâm của các cấp lãnh đạo mà còn đáp ứng mong đợi của nhân dân ở mảnh đất lịch sử này.
Dấu ấn lịch sử
Chúng tôi đến hầm Đờ-cát, quần thể di tích chính nằm cách bờ sông Nậm Rốm không xa. Cô gái Mường Thanh vẻ ưu tư: “Khắp khu vực lòng chảo này đâu đâu cũng là chứng tích lịch sử ghi lại chiến thắng oanh liệt của quân và dân ta. Nhưng ở Thành phố này còn có những nhân chứng lịch sử, họ đã lặng lẽ cống hiến và nay vẫn tiếp tục làm đẹp thêm cho thành phố. Đó là các Cựu chiến binh (CCB) tham gia chiến dịch 1953-1954 và những chiến sĩ nông trường Điện Biên.” Được ông Hoàng Trọng Xén, Chủ tịch Hội CCB Thành phố giới thiệu, chúng tôi đến phường Thanh Trường, xưa là đội sản xuất 13 của nông trường. Tại đây chúng tôi được gặp ông Nguyễn Tiến Hứa quê Hà Tĩnh đã 68 tuổi. Ông nhớ lại: “Tôi thuộc đơn vị pháo binh C327- E176-F316. Sau chiến thắng, tháng 3-1958 chúng tôi trở lại nông trường Điện Biên nhận ba nhiệm vụ mà cấp trên chỉ đạo là: xây dựng bộ đội chính qui – hiện đại, bảo vệ biên cương và xây dựng nông trường. Hồi đầu phải cải tạo đất để sản xuất vô cùng vất vả, nhưng không khí thì sôi nổi lắm, y như trong truyện ngắn Mùa lạc ấy.” Còn ông Nguyễn Văn Cứ một CCB của tiểu đoàn 8, E176-F316, năm nay đã 80 tuổi thì bồi hồi kể: “Tôi tham gia cả hai trận, trận đầu ở Lai Châu năm 1952-1953, trận sau vào ngày 30-4-1954 nhận nhiệm vụ đánh chiếm đồi A1. Sau giải phóng, tôi tình nguyện ở lại làm nhiệm vụ thu dọn chiến trường, rồi sau xin đưa cả gia đình ở Hải Dương lên tham gia sản xuất. Thế rồi gắn bó với mảnh đất này từ bấy đến nay.” Ông vừa mới được nhận Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng, vẫn nhanh nhẹn tham gia việc nhà, gặp mặt đồng đội, động viên con cháu làm ăn. Có mặt trong buổi chiều đó, chúng tôi còn gặp ông Vũ Đình Bân quê Hưng Yên, năm nay đã ngoài 70 tuổi. Khi nghe các đồng đội ôn lại những kỷ niệm chiến trường, ông xúc động: “Ngày đó, tôi là lính bộ binh trợ chiến cho đại liên, thuộc Trung đoàn 174 cùng tham gia đánh chiếm đồi A1 với anh Cứ. Đạn pháo ác liệt lắm, may mắn mình thoát chết, còn rất nhiều đồng đội thì đã hi sinh. Tôi vẫn nhớ trong số những người ngã xuống có anh Đốn ở Cao Bằng, anh Nhã quê Hải Dương, anh Bộ, anh Duyên, anh Can cùng Ninh Bình.”
Nhờ có những chiến sĩ quả cảm ấy với lý tưởng quyết tâm xây dựng thành công Xã hội chủ nghĩa trên miền Bắc mà bốn năm sau ngày chiến thắng, một nông trường quân đội được xây dựng trên cánh đồng Mường Thanh, chẳng mấy chốc đã phủ một màu xanh bạt ngàn của lúa, của ngô, của lạc. Khung cảnh ấy đã được nhà văn Nguyễn Khải miêu tả trong truyện ngắn nổi tiếng Mùa lạc: “Cũng chẳng ai ngờ khu pháo binh tây Hồng Cúm của giặc năm xưa lại là bãi trồng lạc... Mới mùa xuân năm ngoái đất này còn ngợp lên một rừng cây chó đẻ, dây thép gai, mìn, vỏ đạn đại bác, nhừ nát vì những hố bom, những giao thông hào. Rải rác còn có những đoạn xương người, những mảnh vải nhựa, vài lưỡi xẻng hoen rỉ, một gói tiền bọc vải đã mục nát, những khẩu súng ngắn và tiểu liên, dấu vết còn lại của những người anh hùng Điện Biên ngày trước. Mấy tháng trời liền lưỡi xẻng đi trước, vết chân người theo sau san rừng, đào cây, gỡ mìn. Có người đã hi sinh, có người mang thương tật, dây thép gai chọc nát bàn tay, mồ hôi thấm rách từng loạt quần áo, da thịt héo quắt vì nắng, vì gió Lào, mồm lở, chân phù vì thiếu rau xanh, mùa xuân còn đầy thương tích chiến tranh, cuối hạ, đầu thu nước lũ tràn ngập, mùa đông buốt giá.”
Vẫn là những bàn tay cầm súng giành độc lập, tự do cho mảnh đất này, sau chiến thắng lại cầm cuốc, cầm liềm gầy dựng nên nông trường Điện Biên phát triển. Và hẳn những người cựu chiến binh năm xưa cũng không ngờ được chỉ sau mấy chục năm mà Điện Biên Phủ lại trở thành Thành phố hiện đại, lung linh ánh sáng như hôm nay. Ông Nguyễn Tiến Hứa chia sẻ: “Thật khó có thể tưởng tượng được Điện Biên Phủ hôm nay lại phát triển đến vậy. Thành phố bây giờ đổi mới hoàn toàn khác xa hình ảnh lòng chảo bị đạn bom cày xới năm xưa.”
Dời Thanh Trường, chúng tôi chộn rộn một niềm vui, nhớ lại lời đồng chí Chủ tịch UBND Thành phố chia sẻ: Các anh cứ nhìn vào phương hướng phát triển sẽ thấy quyết tâm của cán bộ và nhân dân Điện Biên Phủ đến đâu. Đây là năm đầu triển khai thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố Điện Biên Phủ lần thứ V và Kế hoạch 5 năm (2011-2015). Thành phố Điện Biên Phủ được từng bước đầu tư nâng cấp lên đô thị loại II và đầu tư khi quy hoạch chung Thành phố Điện Biên Phủ được phê duyệt. Các công trình trọng điểm lớn của Trung ương, của tỉnh, thành phố tiếp tục được thực hiện. Khu đô thị trung tâm tiếp tục được nâng cấp cơ sở vật chất; an ninh – trật tự được đảm bảo, là điều kiện thuận lợi để Thành phố Điện Biên Phủ phát triển kinh tế - xã hội trong những năm tới.
Hôm chia tay, Cầm tiễn tôi ra tận mé rừng ban. Tôi nghe thoảng trong gió một hương thơm dìu dịu, có lẽ vừa là hương của loài hoa rừng ấy vừa là tóc em. Cầm bẽn lẽn: “Anh có muốn mang một cành ban về Thủ đô không?” Tôi nhìn em thầm nghĩ, loài hoa ấy không hợp với bụi bặm thị thành, thôi em ở lại với đại ngàn trong trẻo nhé, tôi xuôi đây.
Thành phố này bao trùm toàn bộ cánh đồng Mường Thanh trong lòng chảo Điện Biên với chiều dài khoảng 20 km và chiều rộng 6 km do sông Nậm Rốm bồi đắp lên. Đây là đồng bằng giữa núi lớn nhất vùng Tây Bắc Việt Nam (nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc). Điện Biên Phủ được xem là một thành phố nằm ở biên giới vì chỉ cách biên giới với Lào khoảng 35 km. Điện Biên Phủ cách Hà Nội 474 km theo quốc lộ 279 và 6. Điện Biên Phủ vốn được gọi là Mường Thanh, từ chữ Mường Then theo tiếng dân tộc Thái nghĩa là "Xứ Trời", gắn với truyền thuyết về sự phát sinh ra dân tộc Thái. Đây là "đất tổ" của nhiều ngành Thái ở Đông Nam Á. Theo Nghị định số 110/2003/NĐ-CP của Chính phủ ngày 26 tháng 9 năm 2003, Điện Biên Phủ trở thành thành phố từ tháng 10 năm 2003 và là đô thị loại ba. Sau khi tách tỉnh, Điện Biên Phủ trở thành tỉnh lỵ tỉnh Điện Biên. N.Phương |
Mường Thanh, tháng 4 năm 2011
Khúc Hồng Thiện