Điểm yếu 'chết người' của dịch thuật trong nghệ thuật đương đại

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Dịch thuật nói chung tại Việt Nam đang tồn tại nhiều hạn chế, đặc biệt trong lĩnh vực nghệ thuật đương đại, với những điểm yếu 'chết người'.

Buổi ra mắt sách dịch 'Nghệ thuật mua nghệ thuật'.
Buổi ra mắt sách dịch 'Nghệ thuật mua nghệ thuật'.

Dịch thuật trong nghệ thuật đương đại và cả hiện đại đã và đang là chủ đề khá nhạy cảm, ít người muốn đề cập tới. Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận - sự nhạy cảm này vô tình tạo rào cản khiến công chúng không thể tiếp cận với sự chân xác của nghệ thuật thế giới, nhất là trong bối cảnh hội nhập.

Thực trạng dịch thuật nghệ thuật

Trong vài năm gần đây, trên thị trường khá hiếm sách dịch trong lĩnh vực nghệ thuật. Ngay cả việc có sách, thì số nhiều lại rơi vào cảnh héo hon ít được độc giả đón nhận.

Có hai nguyên nhân khiến sách dịch trong lĩnh vực nghệ thuật bị ế ẩm. Thứ nhất, là sự xuống cấp của văn hóa đọc (đặc biệt trong lĩnh vực nghệ thuật); Thứ hai, là bản thân việc dịch thuật có vấn đề.

Theo giới nghiên cứu, nguyên nhân thứ hai là lý do chính khiến sách dịch nghệ thuật bị hiếm và bị ế. Số nhiều sách dịch nghệ thuật xuất hiện trên thị trường không phải do người trực tiếp làm trong lĩnh vực nghệ thuật thực hiện, người dịch hoặc ít va vấp, hoặc ít hiểu biết về lĩnh vực mình dịch.

Bởi vậy, các thuật ngữ chuyên ngành đã không chuẩn mực chân xác lại còn sai, mà sai một li thì đi một dặm nên thà độc giả tránh xa các cuốn sách cẩu thả còn an toàn hơn khi đọc phải những thứ không đúng.

So với văn chương, nghệ thuật hội họa, điêu khắc, nhiếp ảnh… ít được dịch giả quan tâm hướng tới. Đặc biệt trong bối cảnh nghệ thuật đương đại, tác phẩm dịch ngày càng hiếm và gần như đóng lại các cơ hội để chia sẻ cũng như đóng góp giải pháp cho sự phát triển của nền tảng lý luận gắn với thực hành nghệ thuật.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Lý Đợi cho hay: “Tôi không phải dịch giả, nên chỉ nhìn ở khía cạnh người đọc và nghiên cứu nghệ thuật. Thẳng thắn mà nói, dịch thuật ở khía cạnh nghệ thuật tại Việt Nam vừa thừa vừa thiếu.

Đôi khi thừa sách hàn lâm, sách chuyên sâu, mà thiếu sách căn bản, sách nhập môn. Đôi khi thừa số lượng ấn bản, mà thiếu hệ thống dẫn dắt để có thể đi từ thấp đến cao. Đôi khi thừa sách “dạy sáng tác” mà thiếu sách dạy thẩm mỹ, dạy cảm thụ”.

Chỉ ra căn nguyên, ông Lý Đợi nhận định có lẽ do phương cách giáo dục nghệ thuật của nước ta, vốn trọng “kỹ thuật sáng tác”, mà ít chú trọng khía cạnh cảm thụ, nên việc dịch sách cũng theo quán tính này.

Như các SGK dạy mỹ thuật ở bậc phổ thông, đa số chỉ dạy về “sáng tác” và lịch sử nghệ thuật, ít thấy dạy cảm thụ. Bên cạnh đó là hoàn cảnh khách quan, đất nước sau chiến tranh có nhiều ưu tiên khác nên vấn đề thẩm mỹ và cảm thụ nghệ thuật bị bỏ lại phía sau.

“Con người và các ấn phẩm chuyên về cảm thụ, phê bình, lý luận nghệ thuật quá ít ỏi, manh mún, nên không trở thành động lực để thay đổi giáo dục, về nhận thức và dịch thuật. Nói nôm na, ai thích dịch gì dịch, chẳng cần theo lớp lang, hệ thống nào cả. Đôi khi không đọc sách còn đỡ hơn đọc nhầm cuốn sách quá sức, đâm ra ảo tưởng nhận thức, thậm chí “tẩu hỏa nhập ma”.

'Buổi đầu nhiếp ảnh Việt Nam' của tác giả Terry Bennet được nghệ sĩ Dương Mạnh Hùng chuyển ngữ năm 2021.

'Buổi đầu nhiếp ảnh Việt Nam' của tác giả Terry Bennet được nghệ sĩ Dương Mạnh Hùng chuyển ngữ năm 2021.

Người biết không dịch, người dịch không biết

Giới nghiên cứu nghệ thuật cho rằng, Việt Nam cần nhiều hơn nữa những tác phẩm dịch có giá trị về nghệ thuật đương đại.

Dịch thực chất là giao lưu giữa hai nền văn hóa. Văn hóa rất quan trọng với người dịch, cần phải có phông văn hóa sâu rộng của cả hai nền văn hóa để có thể diễn giải cách trọn vẹn, chính xác.

Dịch trong lĩnh vực nghệ thuật đang có một khoảng trống rất lớn, rất cần đội ngũ các nhà nghiên cứu/dịch giả hợp sức.

Theo cách hiểu truyền thống, dịch thuật vốn được xem là một phương thức khiến cho mối nối liên kết giữa các cộng đồng với nhau trở nên khả dĩ.

Đặc biệt trong ngữ cảnh nghệ thuật, nơi luôn tồn tại những mong muốn về việc phân phối và trao đổi tri thức giữa các cộng đồng khác nhau hay giữa các hình thức khác nhau (thị giác, văn bản, âm thanh, cảm giác, và ngược lại), thì dịch thuật là đóng vai trò then chốt hơn trong việc dựng nên những không gian cho việc phỏng đoán, diễn giải và kể cả hư cấu hóa.

Người dịch giữ vai trò dịch chuyển các đường chân trời nghệ thuật, thông qua nghiệp vụ “mang vác” và “biến thể” các nội dung nghệ thuật.

Theo giới nghiên cứu, tình hình dịch thuật nghệ thuật ở nước ta, ngoài việc thúc đẩy tính đa dạng về nghệ thuật, ngôn ngữ và ý thức hệ, còn có thể hình dung về vai trò của quá trình trao đổi tri thức và sáng tạo văn hóa.

Trong mọi loại hình nghệ thuật tại Việt Nam, các thuật ngữ chuyên ngành và tài liệu chuyên môn đều chưa đủ, dẫn tới khó khăn trong truyền bá kiến thức. Đây là thực trạng tồn tại từ lâu và sau nhiều năm vẫn chưa giải quyết được. Đáng buồn là người biết thì không dịch, còn người dịch thì đa số lại không có hiểu biết về lĩnh vực đó.

Hiện tại, trong vai trò dịch giả đồng thời là nghệ sĩ đóng góp vào công tác dịch thuật ở nước ta không nhiều, có thể kể đến như Dương Mạnh Hùng, Hà Vũ Trọng, Khổng Loan…

Năm 2021, Dương Mạnh Hùng một dịch giả/giám tuyển đã chuyển ngữ cuốn “Buổi đầu nhiếp ảnh Việt Nam” của tác giả Terry Bennet. Tuy nhiên, để dịch được cuốn sách nhập môn về lịch sử nhiếp ảnh Việt Nam, dịch giả đã phải tốn không biết bao nhiêu thời gian, sức lực, phải vận dụng hết hai cuốn tự điển Pháp - Việt và Hán - Việt trước năm 1975 để dịch thuật ngữ, rồi tham khảo đối chiếu “cả núi” tài liệu về nhiếp ảnh, từ kỹ thuật chụp đến tiểu sử nhiếp ảnh gia…

Dương Mạnh Hùng chia sẻ rằng, khi chuyển ngữ “Buổi đầu nhiếp ảnh Việt Nam” là những thách thức tìm kiếm và lựa chọn các thuật ngữ nhiếp ảnh chính xác trong tiếng Việt, hay việc đối chiếu và kiểm chứng các tên riêng của người và địa danh...

Việc chọn sách và dịch sách nghệ thuật tập trung vào các lĩnh vực chuyên ngành là một mảnh ghép cần thiết tạo thành bức tranh chung khổng lồ của lịch sử nghệ thuật.

Tuy nhiên có thể thấy rằng, trong bối cảnh nghệ thuật đương đại Việt Nam đang hội nhập, vẫn còn thiếu quá nhiều những mảnh ghép để bức tranh đương đại được hoàn thiện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.