"Song hành cùng nghệ thuật": 20 năm cho một cuốn sách

GD&TĐ - Cuốn sách gom nhặt những suy tư của một người làm báo về mỹ thuật, nghệ thuật thị giác ở Việt Nam sau một chặng đường dài hơn 20 năm gắn bó. 

"Song hành cùng nghệ thuật": 20 năm cho một cuốn sách

Đọc “Song hành cùng nghệ thuật”, công chúng dễ dàng hình dung về sự đa dạng, phong phú của đời sống nghệ thuật đương đại Việt Nam cùng những gợi mở cho sự phát triển trong tương lai.

Đồng thời, những mảng miếng, lát cắt trong lĩnh vực mỹ thuật đương đại cũng hiển lộ rõ rệt dưới góc nhìn của một ký giả am hiểu sâu sắc về nghệ thuật.

20 năm cho 1 cuốn sách

Theo tác giả Đào Mai Trang, “Song hành cùng nghệ thuật” gồm 3 phần. Phần 1 có 29 bài trò chuyện, phỏng vấn với các nghệ sĩ, giám tuyển, nhà nghiên cứu về nhiều vấn đề trong đời sống mỹ thuật Việt Nam, từ năm 2013 trở lại đây. Độc giả gặp những tên tuổi và hình ảnh tác phẩm của nhiều thế hệ nghệ sĩ, như Tạ Quang Bạo, Nguyễn Trọng Đoan, Nguyễn Bảo Toàn, Bùi Hải Sơn, Vương Văn Thạo, Nguyễn Nguyên Hà, Thái Nhật Minh, Nguyễn Huy An, Nguyễn Phương Linh, Bàng Nhất Linh...

Ngoài ra, tác giả còn trao đổi với những người làm nên các không gian nghệ thuật đáng chú ý như Sàn Art, Matca, Nghệ thuật trong rừng...

Phần 2 của cuốn sách là 6 bài viết thể hiện quan điểm cá nhân tác giả về sáng tác của các họa sĩ tiêu biểu như: Lê Thanh Sơn, Vũ Bích Thủy, Đỗ Hiệp, Nguyễn Ngọc Đan, Mai Duy Minh, Bảo Vương.

Phần 3 chứa đựng rất nhiều thông tin và luận điểm của tác giả về hai chủ đề: Thị trường mỹ thuật với các rắc rối, hệ lụy từ nạn tranh giả – tranh sao chép. Nguồn gốc lịch sử và hiện trạng, tác động từ cơ chế quản lý của Nhà nước với các bài phân tích; tương lai của điêu khắc và nghệ thuật công cộng nhìn từ cách ứng xử của từ chính quyền đến người dân.

Một trong những điều thú vị là cả ba phần nội dung của cuốn sách đều có sự liên kết với nhau, giúp người đọc dễ dàng tiếp cận với bối cảnh rộng lớn hơn của đời sống nghệ thuật nói riêng và đời sống văn hóa của đất nước nói chung.

Giới mỹ thuật nhận xét, sách về hội họa tuy được xuất bản tương đối nhiều, nhưng sách có chất lượng thì lại ít. “Song hành cùng nghệ thuật” là một cuốn sách thể hiện tính thực tế, góc nhìn đa chiều. Tuy có chút ảo diệu qua ngôn từ nhưng vẫn dễ để hình dung về đời sống mỹ thuật đương đại.

Tác giả Đào Mai Trang hiện là biên tập viên chuyên mục Mỹ thuật - Kiến trúc của Tạp chí Văn hóa nghệ thuật (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Cô là tác giả của một số cuốn sách chuyên khảo trong lĩnh vực này, như “A journey through Vietnamese Art” – “Một chuyến du ngoạn cùng nghệ thuật Việt Nam” hai tập, đồng tác giả tập 1: Trần Thị Biển; “Họa sĩ khóa Kháng chiến (1950 - 1954)”; “Nghệ thuật và tài năng”.

Cuốn sách gồm 43 bài viết chọn lọc, là kết tinh sau hơn 20 năm viết về mỹ thuật và 141 hình ảnh tác phẩm, không gian nghệ thuật.
Cuốn sách gồm 43 bài viết chọn lọc, là kết tinh sau hơn 20 năm viết về mỹ thuật và 141 hình ảnh tác phẩm, không gian nghệ thuật.

Sách phải gợi mở vấn đề

“Nghệ thuật và tài năng - một cận cảnh về thế hệ 8X của mỹ thuật Việt Nam”, là ấn phẩm nối tiếp trong kế hoạch viết và xuất bản sách về đời sống nghệ thuật thị giác Việt Nam của Đào Mai Trang.

Kế hoạch này được mở đầu với dự án xuất bản sách song ngữ Việt - Anh “12 nghệ sĩ mỹ thuật đương đại Việt Nam” do cô chủ biên và được phát hành vào năm 2010.

Từ đó, Đào Mai Trang đã ấp ủ viết riêng một cuốn sách khác về các nghệ sĩ trẻ hơn, những người sinh ra trong những năm 1980. Cô muốn đưa đến một cái nhìn rõ ràng hơn về sự trưởng thành trong sáng tạo nghệ thuật, dẫn đến danh tiếng, thành công riêng của mỗi nghệ sĩ. Đặc biệt, đáng chú ý là các nghệ sĩ được sinh ra trong giai đoạn 1980 – 1985, mà cô gọi là các nghệ sĩ 8X với khoảng 150 hình ảnh tác phẩm của các nghệ sĩ trẻ trong cả nước.

Phần 3 của “Nghệ thuật và tài năng”, tác giả Đào Mai Trang đề cập về 9 nghệ sĩ của thế hệ này với các loại hình nghệ thuật đương đại là: Nguyễn Huy An (nghệ thuật trình diễn và hội họa), Bàng Nhất Linh (nghệ thuật sắp đặt), Nguyễn Phương Linh (nghệ thuật trình diễn), Thái Nhật Minh (điêu khắc), Lê Hoàng Bích Phượng (tranh lụa), Hà Mạnh Thắng (hội họa), Phạm Huy Thông (hội họa và nghệ thuật trình diễn), Vũ Đức Toàn (nghệ thuật trình diễn), Vũ Đức Trung (hội họa). Tác giả đã lựa chọn những gương mặt này là bởi nghệ thuật và cá tính nghệ sĩ của họ chứa đựng nhiều điểm nổi bật, khác biệt so với các đồng nghiệp cùng thế hệ.

Khi cuốn sách được phát hành, giới phê bình nhận định, sự hình thành thế hệ nghệ sĩ 8X ở Việt Nam cũng là con đường để nghệ thuật trong nước đến gần hơn với nghệ thuật đương đại. Đó cũng là thế hệ nằm trong sự chuyển giao của bối cảnh kinh tế - xã hội, và đời sống nghệ thuật ít nhiều chịu sự tác động.

Những hình ảnh về tác phẩm, về không gian triển lãm được minh họa bằng màu một cách sống động trong cuốn sách, nhờ sự đóng góp, thu nhận từ nhiều gallery, studio, những không gian nghệ thuật và các nghệ sĩ trong nước.

Đào Mai Trang cho rằng, những hình ảnh không đơn thuần chỉ là hình minh họa, mà cùng song hành với văn bản để người đọc không chỉ được xem, mà còn được ngắm nhìn và thấy rõ hơn các tác phẩm, các ý tưởng nghệ thuật của nghệ sĩ. Sách về nghệ thuật trong bối cảnh mới phải là sách gợi mở ra vấn đề.

Là một người làm báo nhưng Đào Mai Trang đã chọn viết về mỹ thuật từ giữa những năm 1990, cô mong muốn tìm hiểu về lĩnh vực này với những trải nghiệm thực sự. Cô cũng bày tỏ một cách thẳng thắn những quan điểm, cách nhìn từ những quan sát, suy ngẫm của chính mình.

Là một nhà báo, sau hơn 20 năm viết nhiều về mỹ thuật Đào Mai Trang càng thấm thía khám phá bí ẩn của những tác phẩm hội họa. Cô cho rằng, nghệ thuật hội họa rất gần gụi với con người bởi đã làm ta cảm động, vui sướng, ngạc nhiên khi ngắm nhìn. Nhưng hội họa cũng diệu vợi làm sao, bởi trên một mặt phẳng hai chiều ấy, mà có thể mở ra những không gian thăm thẳm, cuốn người xem đi vào, làm cho ngộp thở.

“20 năm với một số dự án công việc lớn hơn một bài báo, cho tôi cơ hội tiếp cận và chia sẻ với nghệ sĩ. Tôi lắng nghe họ nói về nghề nghiệp, những bế tắc, hy vọng, những lo toan, vất vả mọi bề chỉ để làm sao sau cuối, có những giây phút tự do và thăng hoa với nghệ thuật. Cũng có thể cảm nhận được đôi phần sự bất khả tương tự ở họ, trên hành trình tìm đến với đích nghệ thuật của riêng mỗi người, có thể là kiên nhẫn, có thể vội vàng” - Nhà báo Đào Mai Trang.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.