Giá trị sáng tạo và hậu quả đạo nhái
Bức tranh của danh họa Mai Trung Thứ xuất hiện trong phiên đấu giá mang tên Beyond Legends: Modern Art Evening Sale của Sotheby’s Hong Kong diễn ra vào chiều tối 18/4.
Sau khi tính thuế phí, mức giá cuối cùng cho bức tranh là 3,1 triệu USD. “Chân dung cô Phương” do họa sĩ Mai Trung Thứ sáng tác vào những năm 1930. Tác phẩm được tuyển chọn để tham dự Triển lãm quốc tế thuộc địa năm 1931 ở Paris.
Sau này, bức tranh thuộc sở hữu của nhà sưu tầm nổi tiếng thế giới Pierre Dumonteil và vợ là Dothi Dumonteil – tức bà Đỗ Thị Lan (người Việt sang Pháp từ năm 12 tuổi). Sotheby’s miêu tả bức tranh “là một tác phẩm hoành tráng nhưng rất dịu dàng và gần gũi...”.
3,1 triệu USD là mức giá kỷ lục đối với tranh của họa sĩ Việt Nam tới thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, giới chuyên môn đánh giá đó chưa phải là mức giá cuối cùng và cao nhất đối với một danh tác Việt.
Nhìn về quá khứ của nghệ thuật Việt, người ta thấy huy hoàng bao nhiêu thì lại tủi hổ bấy nhiêu khi chứng kiến những ồn ào đạo nhái của nền nghệ thuật đương đại.
Nhiều người hô hào “phải đưa nghệ thuật đương đại” ra thế giới, nhưng làm sao có thể thành công khi liên tục xảy ra hiện tượng nghệ sĩ Việt đạo nhái, ăn cắp ý tưởng, “mượn” chất xám của nghệ sĩ nước ngoài?
Song song với sự kiện bức tranh Việt đạt giá kỷ lục 3,1 triệu USD của họa sĩ Mai Trung Thứ, là sự ồn ào quá lớn từ triển lãm “Plus by Bảo Nam” với hàng loạt tác phẩm bị tố đạo nhái.
Triển lãm “Plus by Bảo Nam” diễn ra tại TPHCM từ 10 – 15/4. Triển lãm sẽ thành công và êm ru mọi chuyện giá như nữ nghệ sĩ người Nga tên là Baina Uchaeva không phát hiện ra sự bất thường.
Thế nhưng, nghệ thuật lại không có “giá như”. Sự việc bắt đầu lan nhanh khi nghệ sĩ Chinh Ba - nhà sáng lập CAB Hoian, chia sẻ cuộc hội thoại giữa anh và Baina, cùng đó là các hình ảnh tác phẩm do Baina cung cấp cho thấy sự tương đồng đáng ngạc nhiên từ các tác phẩm trong “Plus by Bảo Nam” và những tác phẩm trước đó của các nghệ sĩ khác trên thế giới.
Chỉ trong vòng 3 tiếng sau khi chia sẻ của Chinh Ba công bố trên mạng xã hội, nhiều nghệ sĩ, nhà nghiên cứu nghệ thuật, nhà giám tuyển đã tỏ thái độ phẫn nộ và thất vọng trước vụ việc.
Ranh giới sáng tạo và đạo nhái
Giới nghệ thuật đánh giá tác phẩm của Bảo Nam trông rất giống với tác phẩm trong triển lãm cá nhân mang tên Terraforms của nghệ sĩ Jamie North - diễn ra vào năm 2014 tại Sarah Cottier Gallery.
Tác phẩm sử dụng chất liệu xi măng, chất thải, đá cẩm thạch, đá vôi, tro than, chất hữu cơ và các loại thực vật…
Tương tự như vậy, tác phẩm Đám mây trong triển lãm “Plus by Bảo Nam” có sự tương đồng rất lớn với tác phẩm The Cloud (Đám mây) của nghệ sĩ Matsuri Yamana, được sáng tác vào năm 2010.
Tiếp một ngày sau đó, một số nghệ sĩ và giám tuyển nghệ thuật lần lượt phát hiện hầu hết các tác phẩm xuất hiện trong triển lãm này đều đạo ý tưởng từ các tác phẩm trên thế giới. Chẳng hạn, tác phẩm Ống dẫn đạo từ một tác phẩm của cửa hàng ở Hawaii.
Giám tuyển Ace Lê cho biết: “Trong trường hợp này, không cần quá sắc sảo để nhận ra những điểm tương đồng về mặt thị giác, chất liệu và ý tưởng sắp đặt giữa các tác phẩm được so sánh. Kể cả nếu đây là một sự tình cờ trùng lặp ý tưởng, thì tôi cũng không đánh giá cao, bởi nó không đem lại thông điệp gì mới”.
Nghệ sĩ Bảo Nam được biết tới trong vai trò là một doanh nhân thành đạt. Anh còn là Cố vấn Sáng tạo – người đứng sau bối cảnh Bạch Trà Viên trong phim “Gái già lắm chiêu V”. Anh cũng sắp đặt các cảnh trí, nội thất thượng lưu thể hiện lối sống danh gia vọng tộc trong phim “Hạnh phúc máu”.
Nhẽ ra sau những ồn ào đạo nhái, chủ nhân triển lãm – nghệ sĩ Bảo Nam phải thành thực lên tiếng, thì anh lại thẳng thừng: “Dù sao triển lãm cũng xong rồi, ai muốn nói thì cứ nói, nói chán thì thôi, còn tôi đi làm việc khác”.
Phát ngôn đó của Bảo Nam ngay lập tức bị công chúng lẫn giới nghệ sĩ phản ứng gay gắt. Cho đến ngày 17/4, anh đã viết một lá thư đăng trên trang Facebook cá nhân “xin hãy chấp nhận lời xin lỗi chân thành”.
Hiện tượng đạo nhái ý tưởng, ăn cắp chất xám trong giới nghệ thuật đương đại nước ta không còn là hiện tượng mới. Trước đó, hàng loạt tác phẩm đình đám của cả những nghệ sĩ có tên tuổi, uy tín cũng từng bị tố cáo.
Giới nghệ sĩ từng hô hào đưa nghệ thuật đương đại ra thế giới, để quốc tế biết đến sức sáng tạo của người Việt. Trong khi việc chứng tỏ cho thế giới biết nghệ thuật Việt Nam chưa được bao nhiêu, thì một số nghệ sĩ lại chứng minh cho họ thấy mặt trái đáng xấu hổ của nghệ thuật đương đại Việt Nam.
Liên hệ giữa sự kiện tranh “triệu đô” của Mai Trung Thứ và sự ồn ào từ triển lãm “Plus by Bảo Nam”, một số nhà nghiên cứu phê bình nghệ thuật nói rằng “có một khoảng cách rất lớn về nhân cách và sáng tạo” để quyết định giá trị của tác phẩm.
Tác phẩm sẽ không đáng 1 xu nếu ý tưởng bắt nguồn từ bắt chước. Nghệ thuật sẽ chẳng là gì nếu không chứa đựng tâm huyết và trí tuệ sáng tạo của tác giả.
Nếu như danh họa Mai Trung Thứ sáng tạo bằng tất cả tâm huyết, tài năng và danh dự của một nghệ sĩ chân chính, thì những nghệ sĩ “sáng tạo” bằng cách sao chép lại thể hiện sự bất tài, ngu ngốc, tự “dìm” danh dự xuống vũng bùn, tự vấy bẩn cả một nền nghệ thuật vốn rất huy hoàng của một quốc gia.