Điểm tựa cho người lao động và doanh nghiệp

GD&TĐ - Năm 2009, lần đầu tiên Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) được thực hiện ở nước ta. Đây là chính sách nhân văn, không chỉ giải quyết vấn đề thất nghiệp mà còn góp phần ổn định xã hội, bù đắp những tổn thất về tài chính cho người lao động, giúp họ phục hồi việc làm và quay lại thị trường lao động.

Hướng dẫn làm hồ sơ cho người lao động hưởng chế độ BHTN
Hướng dẫn làm hồ sơ cho người lao động hưởng chế độ BHTN

Nhiều kết quả đáng khích lệ

Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, chính sách BHTN được triển khai từ năm 2009 và được giao cho hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm, thuộc Sở LĐ-TB&XH. Qua 10 năm thực hiện, chính sách này đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, người lao động và người sử dụng lao động đón nhận tích cực và xã hội đánh giá cao. Khi bắt đầu triển khai, BHTN có khoảng 6 triệu người tham gia với số thu là 3.500 tỷ đồng, đến năm 2018, đã có 12,68 triệu người tham gia với số thu là 15.531 tỷ đồng; tăng trên 100% số đối tượng và 342% số thu vào quỹ, kết dư quỹ hiện khoảng trên 79.000 tỷ đồng.

Về tiếp nhận và giải quyết hưởng các chế độ BHTN, công tác tư vấn giới thiệu việc làm ngày càng được các Trung tâm dịch vụ việc làm chú trọng và cải tiến quy trình thực hiện nên số người được tư vấn, giới thiệu việc làm có xu hướng tăng theo từng năm và chiếm tỷ lệ cao so với số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Theo báo cáo của 63 trung tâm dịch vụ việc làm, tất cả những người thất nghiệp có nguyện vọng học nghề đều được tổ chức để hỗ trợ học nghề theo đúng quy định của pháp luật. Công tác hỗ trợ học nghề đã có những chuyển biến tích cực, số người thất nghiệp được hỗ trợ học nghề tăng liên tục qua các năm, năm 2010 chỉ có 270 người, thì đến năm 2015 có 24.363 người, năm 2018 số người được hỗ trợ học nghề là 37.977 người. Một số địa phương có số người thất nghiệp được hỗ trợ học nghề cao như: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai.

Do số người được hưởng các chế độ BHTN tăng dẫn đến tổng số tiền chi cho các chế độ BHTN tăng, năm 2015 tổng chi BHTN là 4.882,9 tỷ đồng, tăng 1,3% so với năm 2014, năm 2016 chi 5.171 tỷ đồng, năm 2017 chi 7.831 tỷ đồng, ước thực hiện năm 2018 là 7.566 tỷ đồng. Trong đó, chi cho trợ cấp thất nghiệp chiếm 92,8%, cho hỗ trợ học nghề chiếm 0,9%, bảo biểm y tế 4,1% so với tổng chi cho các chế độ BHTN.

Bên cạnh những kết quả tích cực, quá trình thực hiện BHTN cũng cho thấy một số hạn chế về nhận thức của người lao động và người sử dụng lao động còn chưa cao; Công tác quản lý lao động còn nhiều bất cập, chưa có đủ công cụ để quản lý, công tác thu hồi tiền trợ cấp thất nghiệp gặp nhiều khó khăn do không kiểm soát được việc di chuyển nơi làm việc đến địa phương khác…

Thúc đẩy gắn kết xã hội

Ông Lê Quang Trung, Cục phó Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: Việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về BHTN rất nhanh chóng, đầy đủ, kịp thời, phù hợp và không trái với những văn bản khác trong quá trình triển khai. Văn bản chỉ đạo điều hành của Bộ, cơ quan chức năng cũng đầy đủ. Các hoạt động được triển khai từ tuyên truyền, phổ biến đến thanh tra, kiểm tra được thực hiện rốt ráo… Đến nay, BHTN đã thực sự trở thành điểm tựa cho cả người lao động và người sử dụng lao động.

Khi Luật Việc làm có hiệu lực, việc thay đổi các tính thời gian hưởng BHTN, lượng người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp giai đoạn 2015 – 2018 tỷ lệ tăng là khá ổn định (bình quân tăng 12,5%). Năm 2018 có 763.573 người hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Số người tham gia BHTN tăng bình quân mỗi năm gần 10%, số người hưởng trợ cấp thất nghiệp trên 4,6 triệu lượt người; số người được hỗ trợ học nghề trên 177 nghìn người. 96,8% số người hưởng trợ cấp thất nghiệp đã được tư vấn việc làm. Những năm gần đây, nhiều trường hợp người lao động đến Trung tâm Dịch vụ việc làm được tư vấn, giới thiệu việc làm đã quay lại thị trường lao động mà không nhận trợ cấp thất nghiệp.

Bên cạnh đó, hỗ trợ cho doanh nghiệp không phải chi trả tiền trợ cấp mất việc làm, đây cũng là gánh nặng đáng kể đối với doanh nghiệp. Chính sách BHTN đã thực hiện theo nguyên tắc chia sẻ, đóng – hưởng, hỗ trợ lẫn nhau trong cộng đồng doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ; chia sẻ hỗ trợ lẫn nhau trong cộng đồng người lao động, giữa người có nguy cơ mất việc làm thấp với người có nguy cơ mất việc làm cao, qua đó thúc đẩy gắn kết xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ