Hội thảo do Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức.
GS.TS Phạm Tất Dong cho rằng: Với phương pháp tiếp cận xã hội học tập trong xây dựng chính sách và chế độ an sinh, hệ thống cơ quan phụ trách lĩnh vực công tác này cần tư duy lại, hướng đến hệ thống an sinh dựa trên tri thức. Xóa nghèo thu nhập, xóa nghèo nhân văn phải bắt đầu bằng xóa nghèo tri thức.
Học tập suốt đời sẽ là chìa khóa mở ra sự làm giàu kiểu mới: làm giàu tri thức. Xã hội học tập là xã hội mà trong đó thực hiện phương thức học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập sẽ là một trong những giải pháp giảm bớt áp lực về an sinh xã hội, làm giảm đi Quỹ an sinh xã hội của quốc gia.
Cũng theo GS Phạm Tất Dong, hệ thống giáo dục mở có liên quan rất nhiều đến công tác an sinh xã hội. Số người được học tập, số lượng tài nguyên giáo dục, chất lượng các khóa học trực tuyến… đều tỷ lệ nghịch với những vấn đề an sinh xã hội đang nảy sinh hàng ngày.
Cùng với đó, thông qua việc xây dựng các cộng đồng học tập, nhất là xây dựng thành phố học tập, khu công nghiệp học tập, vùng dân cư học tập, chúng ta sẽ có một nhà nước phúc lợi, dân dễ sống hơn, hài lòng hơn với đời sống của mình.
Liên quan đến an sinh xã hội, GS.TS Phạm Quang Minh – Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) – cho rằng, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động là một trong những vấn đề then chốt đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả quan trọng mà nhiều địa phương đạt được thì việc đào tạo nghề cho người lao động cũng đặt ra nhiều vấn đề.
Nhiều lý do khác nhau dẫn đến đào tạo nghề chưa đáp ứng yêu cầu, trong đó có nguyên nhân quan trọng là việc huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp, thị trường và tổ chức xã hội trong công tác đào tạo nghề chưa được đẩy mạnh.
Thêm nữa, trên thực tế, các trung tâm dạy nghề của nhà nước chưa xây dựng chương trình bổ túc tay nghề, nâng bậc thợ sát thực với các doanh nghiệp và phối hợp với doanh nghiệp để dạy nghề theo địa chỉ.
Ngoài ra, nhiều lao động có nghề nhưng không có chứng chỉ nghề, nhất là đối với những nghề có tính chất gia truyền và người lao động học được những nghề này qua con đường truyền nghề, hoặc người lao động tự đi học nghề.
Lý do là có nhiều ngành nghề không nằm trong danh mục đào tạo; hoặc nhiều lao động tự làm ở các cơ sở sản xuất, dịch vụ tư nhân. Họ có kinh nghiệm, kỹ năng nghề nghiệp nhưng lại không tham gia chương trình đào tạo cụ thể, nên không được cấp chứng chỉ nghề.