Khó như dịch ca bin
Người làm nghề phiên dịch không những giỏi ngoại ngữ mà còn phải sử dụng tiếng mẹ đẻ thuần thục, nắm vững kiến thức về văn hóa, ngôn ngữ, kinh tế… và các kỹ năng cần thiết khác.
Hơn 7 năm gắn bó với nghề, Nguyễn Hoàng Vỹ (cựu sinh viên trường ĐH Ngân hàng TP. HCM) cho biết, nghề phiên dịch có hai hình thức cơ bản: Dịch nối tiếp và dịch cabin (còn gọi là dịch đồng thời).
Phiên dịch nối tiếp là khi diễn giả, khách mời… nói hay phát biểu xong một đoạn, người dịch sẽ chuyển tiếp sang ngôn ngữ khác. Phiên dịch cabin là quá trình người phát biểu và phiên dịch viên diễn ra song song đồng thời.
Anh Nguyễn Hoàng Vỹ.
Theo đuổi nghề từ khi còn là sinh viên, mỗi ngày, Hoàng Vỹ sử dụng các video tiếng Anh để luyện kỹ năng nghe. Bên cạnh đó, anh xem các bản tin nước ngoài, tập nhẩm theo và dịch thử từ tiếng Việt sang tiếng Anh.
Theo Hoàng Vỹ, dịch cabin được coi là khó nhất: “Người ta nói đến đâu, mình phải dịch đến đó. Não chia làm hai phần, một phần “lo” tiếng Anh, một phần “lo” tiếng Việt. Mình phải tập cách xử lý để bán cầu não phải tiếp nhận ngôn ngữ vào. Bán cầu não trái truyền tải thông tin ra. Phải tập trung nghe để có thể dịch sát ý. Để thích ứng tốt với nghề, bạn cần phải có trí nhớ tốt, phản xạ nhanh, xử lý tình huống linh hoạt và khả năng phán đoán để dịch chuẩn xác… ”.
Nguyên tắc là không được dịch sai. Nếu chưa hiểu rõ vấn đề hay ý kiến phát biểu thì im lặng và tìm cách bổ sung ngay sau đó. Phiên dịch cabin có lợi thế là tiết kiệm thời gian. Nếu truyền tải được 80% hàm ý của người nói thì công việc coi như đã thành công.
Lương cao nhưng “hại não”
Tại một sự kiện, người phiên dịch ngồi trong cabin được bố trí sẵn, phối hợp với kỹ thuật viên để kiểm tra các thiết bị âm thanh, đảm bảo chất lượng tốt nhất.
Thông thường, dịch cabin có 2 người. Cứ 15 – 20 phút lại linh hoạt thay phiên. Nếu người thứ nhất phát âm to hoặc nhanh quá, người kia nhắc để điều điều chỉnh cho phù hợp.
Hoàng Vỹ cho biết: “Mỗi lần mắc lỗi, mình được bạn đồng nghiệp nhắc để sửa. Lúc đó, mình cảm thấy hơi phân tâm. Nhưng lập tức, mình hít thở sâu và lấy bình tĩnh để dịch tiếp. Về sau, mình hiểu và biết ơn những người bạn đã nhắc nhở những lần mình vấp váp. Đó là cơ hội giúp mình tiến bộ hơn”.
Nguyễn Minh Tiến (cựu sinh viên trường ĐH Ngoại thương, Cơ sở 2, TP. HCM).
Trước sự kiện, phiên dịch viên phải đọc và chuẩn bị tốt các tài liệu liên quan đến chương trình. Lần đầu tiên, Hoàng Vỹ nhận lời dịch cho công ty về hệ thống máy bơm.
Do chưa phân biệt được ngữ điệu tiếng Anh của người Singapore, Malaysia… và thiếu vốn từ vựng chuyện môn, anh dịch vô cùng tệ: “Buổi hôm ấy, mình dừng dịch. Anh trưởng phòng đại diện của công ty phải vào hỗ trợ. Thất bại đó là bài học giúp mình rút kinh nghiệm. Theo nghề này, bạn phải hiểu biết càng nhiều lĩnh vực càng tốt. Mình phải xây dựng từ điển riêng, nắm vững kiến thức từng ngành”.
Người phiên dịch cabin có mức thu nhập dao động từ 4 – 6 triệu đồng/ngày. Tại Việt Nam, khi kinh tế mở cửa, cơ hội trong nghề phiên dịch rộng mở, với nhiều ngôn ngữ: Anh, Pháp, Trung, Hàn, Nhật… Nhiều bạn sinh viên tận dụng thế mạnh giỏi ngoại ngữ tham gia phiên dịch tại các sự kiện, lễ hội văn hóa, chương trình ca nhạc… để “cá kiếm”.
Là sinh viên từng trải nghiệm công việc phiên dịch, Trần Mỹ Tiên (năm thứ tư, trường ĐH Sư phạm TP. HCM) cho biết: “Có lần, mình từng làm tình nguyện viên phiên dịch cho Good Neighbor International (GNI) – một tổ chức phi chính phủ của Hàn Quốc tại Việt Nam. Tổ chức này thường có các dự án từ thiện tại những nơi còn khó khăn ở miền Bắc. Họ cần tình nguyện viên biết tiếng Hàn nên mình đã đăng ký vị trí tình nguyện viên phiên dịch.
Khi tham gia, mình phải đảm bảo các tiêu chí làm việc chuyên nghiệp, như: Đúng giờ, đúng thỏa thuận và tích cực giao lưu, trò chuyện với người Hàn Quốc để tạo không khí thân thiện, cởi mở. Trong khuôn khổ dự án, mình và các bạn khác được đài thọ bữa ăn theo tiêu chuẩn và được trả thù lao, khoảng 500.000 – 1 triệu đồng/ngày”.
Trần Mỹ Tiên (năm thứ tư, trường ĐH Sư phạm TP. HCM).
Khó khăn và áp lực song công việc cũng mang lại niềm vui. Nguyễn Minh Tiến (cựu sinh viên trường ĐH Ngoại thương, Cơ sở 2, TP. HCM) kể: “Có lần, mình nhận phiên dịch cho Tổng Lãnh sự quán Hà Lan tại TP. HCM, trong chương trình “Ngôi nhà Hà Lan”.
Tại chương trình lớn, mình có cơ hội tiếp xúc với lãnh đạo, các chuyên gia nước ngoài và học hỏi được rất nhiều điều thú vị. Kết thúc buổi phiên dịch, đối tác quốc tế rất hài lòng, khen mình truyền tải đúng thông điệp của họ đến với các bạn Việt Nam.
Họ cho mình mang thử đôi giày gỗ truyền thống Hà Lan. Thân hình nhỏ con, mình mang vô, trông rất hài hước. Thế là, mọi người vui vẻ nâng mình lên và tung hứng lên cao. Đó là kỷ niệm khiến mình nhớ mãi”.