Đến với bài thơ hay 'Mùa Giáng sinh'

GD&TĐ - Thực tiễn cuộc sống và lòng yêu kính Chúa đã khơi nguồn cảm hứng để nhà giáo - nhà thơ Phi Tuyết Ba viết nên nhiều bài thơ về chủ đề này.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Phi Tuyết Ba

Mùa Giáng Sinh

Thêm một mùa Giáng sinh hạnh phước

Cho con nhớ về mùa Đông xưa Bết-lê-hem

Chúa Hài Nhi giáng sinh nằm trong máng cỏ

Muôn vàn thiên binh, thiên sứ hát ngợi khen ...

Cửa ân điển mở ra từ đêm ấy

Những người chăn chiên tìm Cứu Chúa để tôn thờ

Các nhà thông thái từ phương Đông theo ánh sao dẫn lối

Đến sấp mình thờ lạy Cứu Chúa Giê-su.

Thêm một mùa Giáng sinh hạnh phước

Cho con đếm thêm ơn Chúa thương ban

Thêm những linh hồn tìm về với Chúa

Niềm vui này vui thỏa đến Thiên Đàng.

Trung tín bước trên linh trình tin kính

Được trưởng thành và được thêm ơn

Thêm một mùa Giáng sinh hạnh phước

Cho chúng con yêu kính Chúa càng hơn...

(Mùa Đông – 2005)

Trong đó, tôi rất ấn tượng với bài “Mùa Giáng sinh”, rút trong tập “Ánh sáng soi đường hẹp”- NXB Hội Nhà văn năm 2016. Đây là những dòng chứa chan cảm xúc và tri ân của nhà thơ nhớ về ngày Đức Chúa Giáng sinh, một sự kiện trọng đại đem đến an vui, hân hoan, xán lạn cho con người, cho cõi đời.

Chỉ với 16 câu thể tự do, những dòng thơ dài ngắn đa dạng, thể hiện các cung bậc cảm xúc phong phú, tác giả bày tỏ niềm biết ơn cuộc đời, biết ơn Đức Chúa đã ban cho mình, cho mọi người niềm vui, “hạnh phước” lớn là được hiện hữu trên cõi đời bên những người thân yêu, sống trong an hòa, được hưởng mùa Giáng sinh an lành.

Đọc bài thơ, ấn tượng đậm nhất là câu “Thêm một mùa giáng sinh hạnh phước”. Câu thơ được điệp đi điệp lại 3 lần trong 3 khổ thơ 1, 3 và 4, nhờ đó, cảm xúc vui sướng, phấn khởi ấy xuyên suốt, tạo nên âm hưởng chủ đạo của toàn bài, gieo và lan tỏa đến người đọc niềm tin yêu và lòng biết ơn sâu sắc với cuộc đời.

Đọc khổ thơ đầu đã cảm nhận được niềm vui, niềm xúc động thiêng liêng:

“Thêm một mùa Giáng sinh hạnh phước

Cho con nhớ về mùa Đông xưa Bết-lê-hem

Chúa Hài Nhi Giáng sinh nằm trong máng cỏ

Muôn vàn thiên binh, thiên sứ hát ngợi khen..”.

Lời thơ giàu hình ảnh và tư liệu gợi nhớ lại thời gian mùa Đông xưa cách nay hơn hai nghìn năm, tại Bết-lê-hem Chúa Hài Nhi chào đời trong hang đá, ngay trên máng cỏ.

Theo Kinh Thánh, Chúa sinh ra ở Bethelhem thuộc Judea (nay là một thành phố ở Palestine), lúc đó là một phần của Đế chế La Mã – Đế chế hùng mạnh và tàn bạo nhất thuở ấy. Thời điểm Chúa sinh ra, muôn ngàn thiên binh cùng xuất hiện bảo vệ và muôn ngàn thiên sứ múa hát ca ngợi sự kiện tuyệt vời này.

Mạch thơ tiếp nối ở khổ thơ thứ hai thật tự nhiên:

“Cửa ân điển mở ra từ đêm ấy

Những người chăn chiên tìm Cứu Chúa để tôn thờ

Các nhà thông thái từ phương Đông theo ánh sao dẫn lối

Đến sấp mình thờ lạy Cứu Chúa Giê-su”

Sự kiện Chúa Giáng sinh có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống của loài người. Đúng là “Cửa ân điển mở ra từ đêm ấy”. Chúa ra đời đồng nghĩa với một kỷ nguyên mới trong lịch sử nhân loại được mở ra. Chúa Giê-su luôn noi theo đức Cha (Giê – hô - va) một con người giàu lòng trắc ẩn, ngài tử tế với tất cả mọi người, không thiên vị ai, đặc biệt quan tâm giúp đỡ những con người kém may mắn, rơi vào hoàn cảnh nguy nan, khốn cùng.

Những lời ngài nói mang lại sự an ủi và hy vọng cho tất cả lòng thành lắng nghe. Chúa sẵn sàng chịu khổ, và hy sinh mạng sống vì yêu thương cả nhân loại. Chính vì vậy, tất cả những con người được nhận ân phước của Chúa hay chưa được nhận, từ những nhà thông thái đến những người dân thường đều một lòng yêu kính.

Hơn thế, nhà thơ muốn giãi bày niềm vui sướng hân hoan và tấm lòng tri ân với Chúa:

“Thêm một mùa Giáng sinh hạnh phước

Cho con đếm thêm ơn Chúa thương ban

Thêm những linh hồn tìm về với Chúa

Niềm vui này vui thỏa đến Thiên Đàng”

Từng trải biết bao vui buồn và thăng trầm trong cuộc đời, nhà thơ tìm được niềm vui lớn - bến đỗ bình yên trong tâm hồn mình khi tìm đến với Chúa nên tác giả muốn chia sẻ với mọi người, với vạn vật niềm vui ấy. Điệp từ “thêm” trong các kết hợp từ: “Thêm một”, “thêm những”, “thêm ơn” diễn tả sự gia tăng nhiều hơn lòng yêu kính và niềm biết ơn Chúa.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Bài thơ khép lại thêm một lần khẳng định niềm tin ấy:

“Trung tín bước trên linh trình tin kính

Được trưởng thành và được thêm ơn

Thêm một mùa Giáng sinh hạnh phước

Cho chúng con yêu kính Chúa càng hơn…”

Con người sống trên đời nếu không có niềm tin sẽ như con thuyền trôi trên sông không có bến đỗ, như con diều bay không có dây. Việc có tìm cho mình một niềm tin tâm linh làm điểm tựa tinh thần hay không là tùy nhận thức và quan điểm của mỗi người.

Đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước ta tôn trọng nhân quyền, tôn trọng tự do dân chủ và tín ngưỡng của công dân. Nhà thơ Phi Tuyết Ba đã tìm thấy niềm tin nơi Chúa và tự nguyện “Trung tín bước trên linh trình tin kính”, cuộc hành trình tâm linh trong đời sống con người đặt niềm tin nơi Đức Chúa.

Ai sống tốt đời cũng là đẹp đạo, người kính Chúa cũng là người yêu nước.Dưới sự lãnh đạo, tập hợp của Mặt trận Tổ quốc, người dân vẫn giữ truyền thống giáo – lương đoàn kết, làm nên sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong công cuộc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp.

Bài thơ “Mùa Giáng sinh” của Phi Tuyết Ba là những dòng cảm xúc chân thành tôn vinh và biết ơn cuộc đời, tri ân Đức Chúa đã mang lại bình an, hạnh phúc cho thi nhân nói riêng và con người nói chung. Với những giá trị nhân văn cao cả, bài thơ còn truyền tải thông điệp của hòa bình và yêu thương nên đã trở thành ngày lễ quốc tế được nhân loại toàn thế giới mong đợi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.