Café chủ nhật

Gìn giữ mùa Giáng sinh

GD&TĐ - Càng gần đến Giáng sinh làm tôi nhớ cảm giác buồn buồn, nhớ tiếng chuông Nhà thờ Lớn Hà Nội và nhớ những buổi xem hát Thánh ca của ca đoàn...

Minh họa Tiến Thành.
Minh họa Tiến Thành.

Mùa Đông năm nay, gió lạnh giá về chậm. Nhưng càng gần đến Giáng sinh làm tôi nhớ cảm giác buồn buồn, nhớ tiếng chuông Nhà thờ Lớn Hà Nội và nhớ những buổi xem hát Thánh ca của ca đoàn đêm Giáng sinh. Bất chợt tôi nhớ đến tiếng chuông nhà thờ St. Paul’s Cathedral ở London.

Nhà thờ Thiên Chúa Giáo mỗi năm kỷ niệm Advent một lần để chào mừng sự ra đời của Chúa Jesus. Trong tiếng Anh có hai từ nói về ngày giáng trần của Chúa: Từ nativity of Jesus có nghĩa ngày giáng sinh của Chúa, và từ Advent (viết hoa) dùng để nói về dịp kỷ niệm Chúa giáng trần.

Đã nhiều năm lắm rồi, đêm Giáng sinh tôi không đến nhà thờ. Ngày nhỏ, thỉnh thoảng chúng tôi rủ nhau đến xem Lễ Midnight Mass (Lễ tưởng nhớ sự ra đời của Chúa Jesus) chỉ vì tò mò. Vào những ngày đó chỉ có con chiên của Thiên Chúa giáo đến nhà thờ thôi. Đường vắng tanh như gìn giữ sự thiêng liêng của đêm Mass.

Bỗng dưng tôi muốn đến xem lễ Mass và thế là khoác chiếc áo bông ra đường, đạp chiếc xe đạp cà-tàng lên thẳng Phố Nhà Thờ. Nhưng ngày hôm nay ở đây cấm xe. Tôi quay ngang ra Bờ Hồ, cấm xe đi lại và đông nghịt người.

Không khí Giáng sinh ngày nay khác xa với thời thơ ấu của tôi. Tôi quay trở về, ngồi bên cây thông. Tôi có một bộ trang trí Giáng sinh, năm nào cũng bày ra bên lò sưởi: Một cây thông đầy tuyết trắng, mấy chiếc đèn trang trí và bóng màu, một ông già Noel to đứng cạnh cây thông, tay ôm gói quà nhỏ. Trông thật là thú vị.

Theo lịch sử phương Tây, mùa Giáng sinh (Christmas Season) kéo dài mười hai ngày bắt đầu từ đêm 24/12 đến Đêm thứ mười hai, đêm trước Epiphany (tiếng Hy Lạp cổ: Lễ Hiển Linh).

Mỗi ngày trong mười hai ngày đều có một món quà biểu tượng, tất cả đều là chim chóc, mỗi con mang trong nó ba ý nghĩa: Nó là hình tượng của Chúa, là món ăn đặc trưng truyền thống của mùa Giáng sinh (Christmas Food) và là một đồ trang trí Giáng sinh (Christmas Ornament).

Ví dụ chim đa đa (partridge) đại diện cho sự cứu thế của Chúa Jesus vì đặc tính của nó là sẵn sàng hy sinh thân mình để cứu con, nó là món chim nhồi cho bữa cơm Giáng sinh và là một đồ trang trí trong mùa Giáng sinh. Mười hai loài chim này đã được đưa vào Thánh ca (carol): “The Twelve Days of Christmas”.

Ngày đầu tiên Mùa Giáng sinh

Tình yêu chân thành mang đến cho ta

Một chú chim đa đa

(Trích carol)

Có một lần, trong khi dịch thơ Anh, tôi bắt gặp một bài Thánh ca nổi tiếng, “Once in Royal David's City”, đầu tiên do Cecil Frances Alexander sáng tác và xuất bản năm 1848, một năm sau nhạc sĩ người Anh Henry Gauntlett phát hiện ra bài thơ và phổ nhạc:

“Có một lần trên thành phố David

Một chuồng ngựa

Đức mẹ sinh con

Trên máng cỏ

Đức Mẹ hiền từ

Chúa Jesus, đứa con của Người

Đã xuống trần từ trời cao

Thành Chúa của muôn loài...”

Joyeux Noel. Jozy: Merry Christmas (video 2008).

Joyeux Noel. Jozy: Merry Christmas (video 2008).

Vào những ngày này ở Anh, những người hát rong đi hết làng nọ sang làng kia hát chúc mừng người trong nhà. Ngoài ra, bản thánh ca này còn được phát ra từ các cửa hàng bán đồ lưu niệm Giáng sinh trong suốt mùa, coi như lời chào đón (Season Greetings).

Ở Anh, cho đến ngày nay, Christmas là một ngày Tết gia đình, bắt đầu bằng giao thừa Giáng sinh (Christmas Eve), cả nhà đến một nhà thờ gần nhất trong địa phương mình cư trú, ví dụ St. Paul’s Cathedral hoặc Westminster Abbey ở London để dự lễ Midnight Mass và hát thánh ca.

Trở về, cả nhà quây quần bên cây thông (Christmas tree), và cùng nhau thưởng thức bữa cơm Giáng sinh (Christmas brunch/dinner) vào thời khắc giao thừa. Có lẽ vì lý do đó nên trước khi về nghỉ Giáng sinh, anh bạn Mark Osborn thường chia tay chúng tôi bằng câu an ủi: “Mùa Giáng sinh các cậu người nước ngoài chắc sẽ buồn lắm!”.

Trong những mùa Giáng sinh ấy chúng tôi chỉ ra phố một vài lần, mua ít đồ lưu niệm. Nhưng cứ mỗi lần dẫm chân trên tuyết, nghe tiếng chuông nhà thờ ngân vang chúng tôi không khỏi nhớ đến những câu chuyện Giáng sinh cảm động như “Cô bé bán diêm” (The Little Match Girl) của Hans Christian Andersen, 1845, và “Bản Thánh ca mùa Giáng sinh” (The Christmas Carol) của Charles Dickens, 1843. Hai cuốn truyện này nằm gọn trong đống sách của tôi.

Trong mùa Giáng sinh nếu ai ra đường cùng người yêu vào buổi đêm không thể không tạo ra và lưu giữ một kỷ niệm đáng yêu: Hôn người tình khi đi dưới hàng hiên có treo cành tầm gửi (mistletoe).

Diện đồ đôi đêm Giáng sinh. Ảnh: ITN.

Diện đồ đôi đêm Giáng sinh. Ảnh: ITN.

Quay trở lại với gia đình, cho đến ngày nay trẻ con Anh vẫn thích cả nhà cùng mặc bộ đồ đồng phục của cả gia đình (Family Christmas pyjamas) vào đêm Giáng sinh. Thật là ngộ nghĩnh! Nó có vẻ như nhắc nhở đến sự gắn bó và yêu thương gia đình, một truyền thống đáng yêu và duyên dáng.

Cũng đêm đó, cả nhà cùng nhau mỗi người tự làm một đồ chơi và trang trí cây thông. Về khuya, sau khi bọn trẻ đi ngủ, bố mẹ sẽ bí mật giấu một quả dưa chuột đồ chơi màu xanh (a pickle ornament) vào cây thông. Đồ chơi này có cùng màu với cành lá nên khó tìm.

Sáng hôm sau, bé nào tìm được pickle ornament đầu tiên sẽ được phép mở gói quà đầu tiên dưới cây thông và cả năm đó sẽ gặp may mắn.

Có một truyền thống nữa ít ai để ý đến đó là tục lệ viết câu đố (riddles) trên từng gói quà ở dưới cây thông. Sáng hôm sau, mọi người phải đọc câu đố và đoán xem mình được quà gì. Ví dụ câu hỏi: “What has a thousand needles but cannot sew?” (Cái gì có nghìn cái kim nhưng không dùng để may vá được?). Câu trả lời: “A porcupine” (Con nhím - Món quà trong gói là con nhím đồ chơi).

Ông già Noel cưỡi tuần lộc đi phát quà. Ảnh: Joyeux Noel. Jozy: Merry Christmas (video 2008).

Ông già Noel cưỡi tuần lộc đi phát quà. Ảnh: Joyeux Noel. Jozy: Merry Christmas (video 2008).

Còn rất nhiều tập tục nữa mà chúng ta chưa tiếp cận, nhưng dẫu sao, hãy kết thúc câu chuyện về đêm Noel bằng một tập tục mà trẻ con và trẻ lớn đều ham thích, đó là làm pháo (Make Christmas crackers).

Những ngày trước đêm Giáng sinh, ai trong gia đình thích chơi vui, hãy làm quả pháo, trẻ con Anh gọi là popper, một sáng kiến của Tom Smith - người sản xuất kẹo ở London vào năm 1846. Đó là một gói giấy, trong đó có đựng hoa giấy (confetti), một món quà tí hon, một câu đố, một truyện cười. Trong pháo chỉ có một cái thước kẻ bẹt bằng giấy có thuốc nổ nhẹ.

Vào bữa cơm Giáng sinh (Christmas Eve Dinner) người cầm pháo giật dây tạo ra một tiếng nổ nhỏ: Tạch!, đồ chơi, câu đố, truyện cười bay tung ra. Đồ chơi rơi vào chỗ người nào thì đấy là quà cho người nấy, ai nhặt được câu đố, phải giải đáp, ai nhặt được truyện cười phải đọc to lên cho mọi người cười vui! Bữa cơm bắt đầu!

Ngày nay, khi du lịch bùng nổ toàn cầu, hầu hết các nước trên thế giới đều tận dụng mùa Giáng sinh để quảng bá. Hàng tháng, trước đêm Giáng sinh các khu phố buôn bán sáng trưng đèn hoa rực rỡ, cửa hàng đầy ắp các đồ trang trí và vật kỷ niệm, nước Anh có Oxford Street và nhiều nơi nữa, Việt Nam có Hàng Mã.

Ngoài ra, các trò chơi, lễ hội được tận dụng vượt bậc. Hàng năm, triệu triệu khách du lịch kéo đến Anh và châu Âu, để thưởng thức những điều lạ, thú vị ở các miền đất xa. Vì thế, các chuyến du lịch ấy không mang tính chất tôn giáo như những cuộc hành hương (pilgrimage, Hồi giáo gọi là hajj) đến Mecca ít nhất một lần trong đời*. Mùa Giáng sinh đậm đà và có ý nghĩa nhất chỉ có trong tâm hồn người Anh.

***

Ngẩn ngơ ngồi nhìn góc Giáng sinh bên lò sưởi tôi như chìm trong những tập tục thi vị của người Anh, như nghe một câu chuyện kể, bỗng giây đèn trang trí nháy nháy liên tục làm tôi mỉm cười nói với ông già Noel (Santa Claus):

- Chào ông, giờ này ông đã đi đến đâu rồi. Bọn trẻ sắp đi ngủ rồi đấy, Stockings (bít tất dài) đang chờ ông ở cuối giường từ nãy rồi.

- Lúc nào ông cũng cười rất hiền lành, chẳng trách bọn trẻ yêu ông đến thế. Santa Claus không phải chỉ mang Christmas đến cho con người mà còn giúp con người giữ được Christmas (Keeping Christmas).

Tôi mở video clip ngắn về Giáng sinh nghe lại cái triết lý “Gìn giữ mùa Giáng sinh” (Keeping Christmas): “Ta có thể quên đi những điều đã làm cho người khác và ghi nhớ những điều người khác làm cho ta? Ta có thể quên đi những điều thế giới nợ ta và ghi nhớ những gì ta nợ thế giới?”.

______________________________________

* Hành hương là một chuyến đi tới thành phố Mecca ở miền Tây Ả-rập Xê-út (Western Saudi Arab), thành phố thiêng liêng nhất của đạo Hồi, nơi ra đời của Muhammad, người sáng lập ra đạo Hồi (Islam).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.