Đến với bài thơ hay: Đêm cuối năm

GD&TĐ - Thơ Xuân Quỳnh gần gũi, gắn bó với cuộc sống đời thường và tâm hồn dân tộc Việt.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Lời bình của Lê Thành Văn

Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ tiêu biểu của nền thơ Việt Nam hiện đại. Nhắc đến chị, người ta nghĩ ngay đến các thi phẩm nổi tiếng như Thuyền và biển, Thư tình cuối mùa thu, Sóng... Thơ Xuân Quỳnh gần gũi, gắn bó với cuộc sống đời thường và tâm hồn dân tộc Việt.

Đêm cuối năm có cái man mác của tiếng lòng rung ngân tràn đầy cảm xúc - Một cảm xúc rất thật về những gì đã đi qua, những khát khao hướng đến, để rồi tất cả chung hòa, bừng thức theo tiếng gọi của con tàu đang đến phút xuân sang.

Thể thơ 5 chữ quen thuộc và cũng là sở trường của Xuân Quỳnh một lần nữa vang lên trong Đêm cuối năm thật lắng sâu, đằm thắm. Có lẽ với thể thơ này, tác giả dễ dàng bộc lộ cảm xúc, nỗi niềm tâm tư sau những tháng ngày trăn trở chăng? Cuối năm là thời khắc để chiêm nghiệm việc đời, việc mình, bâng khuâng như lắng nghe tiếng thời gian ra đi nhanh lắm:

“Đã mùa hoa cúc vàng

Lại một năm sắp hết

Thời gian sao trôi nhanh

Ngổn ngang nhiều công việc”.

Mới mùa hoa cúc vàng thu ngày nào giờ đã bước sang đêm cuối năm sắp hết. Thời gian trôi đi tuyến tính, không ai cưỡng được như một lẽ tuần hoàn của tự nhiên nên cách cảm nhận của nhà thơ cũng giản đơn nhẩm đếm theo mùa.

Không quá triết lí cao siêu về đời người, về thân phận, Đêm cuối năm chỉ là cái cớ cho tác giả soi lại chân thành những gì đang diễn ra của cuộc sống gia đình mình - một gia đình bé nhỏ, ấm áp, thân thương như của bao người khác. Tỉ tê kể chuyện một cách thấm đượm ân tình, Xuân Quỳnh quả đã rất nữ tính và sâu sắc ở khổ thơ này:

“Thế là ba cái Tết

Hai chúng mình có nhau

Dù chưa phải là lâu

Nhưng cũng không ngắn ngủi

Hạnh phúc tính bằng năm

Cây tính bằng mùa trái”.

Các số từ cụ thể vừa mang tính định lượng, vừa có sự định tính: “ba cái Tết”, “hai chúng mình”, “tính bằng năm”, “không ngắn ngủi”, “bằng mùa trái”..., cho thấy Xuân Quỳnh là người phụ nữ biết chắt chiu hạnh phúc qua những hằng số thời gian. Ba cái Tết có nhau không phải là dài mà cũng đâu phải ngắn.

Giản dị và chân thành, tác giả bộc bạch về quan niệm hạnh phúc của cá nhân mình một cách thật lắng sâu, tha thiết: “Hạnh phúc tính bằng năm/ Cây tính bằng mùa trái”. Nhờ đó, hai câu thơ có sức gợi lớn, nó mang tình người hòa điệu với thiên nhiên, trời đất.

Từ thời khắc đêm cuối năm, nhà thơ hoài vọng về quá khứ. Có điều tác giả không nghĩ đến mình mà hướng đến người mình yêu dấu. Kỷ niệm gắn với đời anh lại được chính Xuân Quỳnh nhắc nhớ, dù là kỷ niệm hắt hiu buồn về một con đường cát bụi sân ga, một dòng sông đôi bờ xa vắng. Đó là những ngày tháng cô đơn của đời anh khi chưa có em.

Cái hay ở đây là chính là nỗi niềm sẻ chia, cảm thông và dường như mang một chút cảm giác tội lỗi của nhà thơ với người mà mình yêu mến. Thơ Xuân Quỳnh nhân hậu, đằm thắm và thiết tha cũng chính là ở đó: “Dẫu lòng em không quên/ Con đường ga cát bụi/ Bóng anh đi lầm lụi/ Sông đôi bờ cách xa”.

Ba khổ thơ cuối bài là niềm hạnh phúc thực tại, niềm vui vỡ òa sau biết bao nghĩ suy, trăn trở về những gì gian khổ đã trải qua. Đêm cuối năm nhắc lại chuyện cũ đâu phải để xót xa, cay đắng.

Với Xuân Quỳnh, đó là niềm vui được chưng cất qua bao biến động thăng trầm. Quả vậy, hạnh phúc chính là thời khắc hiện tại, hãy mở lòng ra để đón những niềm xuân đang vang động trong đời.

Quá khứ là cái cần cho ta nhắc nhớ, có thể là hồi còi báo động thời chiến tranh, là căn hầm tránh bom ngập nước, là con thơ còn khóc quấy đòi ăn...; nhưng đó chỉ là cái cớ để hướng đến hôm nay, phút giây cuối năm hiện tại này. Khép lại lòng mình trong đêm cuối năm tràn đầy thương yêu, nhà thơ hân hoan mở rộng lòng mình để một lần nữa chiêm cảm về tình yêu và hạnh phúc:

“Qua bao ngày lửa đạn

Đất về với mùa xuân

Như em về với anh

Qua những ngày sóng gió”.

Cuối bài thơ là hình ảnh phố phường lên màu tươi mới của sắc xuân tràn ngập. “Màu áo chen màu hoa” hay đó là tiếng lòng Xuân Quỳnh nở hoa kết trái ngọt ngào khi trời đất vào xuân? Thêm nữa, thanh âm vang động của tiếng con tàu ngoài sân ga mang theo một niềm hạnh ngộ, sum vầy cất lên trong đêm cuối năm nghe thật tươi vui, giòn giã. Nó là khúc bè cao cất lên từ giai điệu của hồn người:

“Ở ngoài kia, đường phố

Màu áo chen màu hoa

Anh có nghe ngoài ga

Tiếng con tàu đang gọi”.

Đêm cuối năm của Xuân Quỳnh là bài thơ giàu tâm sự, một tâm sự rất đời thường và tha thiết yêu thương. Hạnh phúc nở hoa cùng mùa xuân kết trái nơi cõi lòng riêng tác giả như hòa cùng giai điệu đẹp tươi của đất nước đang dựng xây, phát triển. Nhờ đó, thi phẩm đã phả vào lòng người một cảm xúc thiết tha, sâu lắng, một niềm vui chan chứa bay cao cùng trời đất vào xuân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ