Nữ sĩ Xuân Quỳnh - yêu cho đến hết và đến chết

GD&TĐ - Xuân Quỳnh (1942-1988), là một nhà thơ nữ Việt Nam. Bà được xem là nữ thi sĩ nổi tiếng với nhiều bài thơ tình được nhiều người biết đến như Thuyền và Biển, Sóng, Thơ tình cuối mùa thu, Tiếng gà trưa…

Nữ sĩ Xuân Quỳnh - yêu cho đến hết và đến chết

Bà tên thật là Nguyễn Thị Xuân Quỳnh, sinh ngày 6 tháng 10 năm 1942 tại làng La Khê, xã Văn Khê, tỉnh Hà Tây (nay là quận Hà Đông, Hà Nội). Xuất thân trong một gia đình công chức, mẹ mất sớm, bố thường xuyên công tác xa gia đình, bà được bà nội nuôi dạy từ nhỏ đến khi trưởng thành. Xuân Quỳnh, một cô gái nghèo khổ lớn lên giữa một thời kì đất nước phải đương đầu với vô vàn khó khăn về kinh tế, về chiến tranh… Nhưng Xuân Quỳnh, khác nào một cây xương rồng kiên cường và kì diệu trên sa mạc, đã vắt kiệt sức mình để nở những bông hoa quý cho cuộc đời.

Xuân Quỳnh bước vào làng thơ rất sớm và ra đi cũng vội vã bất ngờ, để lại những hẫng hụt, mất mát cho những người yêu thơ. Tuy thời gian ngắn ngủi nhưng chị đã kịp để lại một gia tài mang một giá trị, một ý nghĩa nhất định, là một đóng góp cho nền vãn học Việt Nam hiện đại: “Từ khi xuất hiện cho đến khi vĩnh biệt cuộc đời, quá trình sáng tác của thơ Xuân Quỳnh là một chặng đường đi lên không đứt đoạn. Hồn thơ của chị ngày một đa dạng và không ngừng được thử thách qua thời gian, với nhiều loại chủ đề khác nhau. Trong đó có những bài thơ tình yêu đã đạt đến đỉnh cao”.

Đến với thơ một cách hồn nhiên như để ca hát về đời mình, thơ Xuân Quỳnh đã thể hiện rõ nét phong cách, bản sác riêng của chị. Chị là người đã “đem chính mình, chính cuộc đời mình ra làm thơ” “ ...chị trở thành nhân vật văn học của chính thơ chị”. Chính vì vậy mà thơ chị hấp dẫn bao bạn đọc - bởi cái vẻ phong phú và chân thực của những trạng thái xúc cảm, những tình cảm được khơi nguồn từ những mối quan hệ trong cuộc sống. Cũng vì điều khác lạ này. mà khi nói về Xuân Quỳnh, Vương Trí Nhàn nhận xét: “Xuân Quỳnh đã có được điều cần thiết nhất đối với một tác giả thơ: một cách nghĩ và một cách nói của riêng mình”.

Khi bàn về thơ, Xuân Quỳnh từng tâm sự: “Người ta làm thơ đầu tiên là để tự thể hiện, là một hành động khẳng định, rồi là một hành động khai sinh, đáp ứng yêu cầu sáng tạo, nhu cầu nối liền mình với đồng loại, với các sự vật vũ trụ, với thế giới”. Nét nổi bật của hồn thơ Xuân Quỳnh là sự dung dị, hồn nhiên, tươi tắn, nồng nhiệt và chân thành, vừa giàu trực cảm vừa lắng sâu suy tư.

Riêng thơ tình yêu- mảng đặc sắc của hồn thơ Xuân Quỳnh- tình điệu của thơ bao giờ cũng sôi nổi, mãnh liệt mà tự nhiên, chân thành, đằm thắm của một trái tim phụ nữ trong tình yêu. tình yêu với nhà thơ là cái đẹp, cái cao quý. Tình yêu tượng trưng cho sự khao khát tự hoàn thiện mình. Với Xuân Quỳnh thơ với tình yêu cùng ra đời, cùng sống và cùng “yên nghỉ”:

Ơi trời xanh xin trả cho vô tận

Trời không xanh trong đáy mắt em xanh

Và trong em không thể còn anh

Nếu ngày mai em không làm thơ nữa

Cái tôi yêu của nhà thơ, người phụ nữ có sự trải nghiệm rất chân thành:

Không sĩ diện đâu nếu tôi yêu được một người

Tôi sẽ yêu anh ta hơn anh ta yêu tôi nhiều lắm

Tôi sẽ yêu anh dẫu vạn lần cay đắng

Đó phải chăng là phẩm chất của tình yêu và cũng là phẩm chất thi ca? Xuân Quỳnh được xem là người viết thơ tình hay nhất trong nền thơ ca hiện đại Việt từ sau 1945.

Thơ Xuân Quỳnh là tiếng lòng của một tâm hồn thiết tha gắn bó với cuộc đời, với con người, khao khát tình yêu, trân trọng hạnh phúc bình dị đời thường. Khát vọng sống và khát vọng yêu mãnh liệt gắn liền với những dự cảm về sự bất trắc của tình yêu và cuộc đời. Nên Xuân Quỳnh lấy tình yêu làm mái ấm chở che, làm cứu cánh :

Đó là tình yêu em muốn nói cùng khát vọng

Nguồn gốc của muôn vàn khát vọng

Lòng cốt để duy trì sự sống

Cho con người thực sự người hơn

Nhưng đời đâu lặng tờ mà đầy sóng đầy gió. Tình yêu chốn nương thân của tâm hồn cũng chỉ là “ Những cánh chuồn mỏng manh ’’, nên hồn thơ Xuân Quỳnh mãi hoài khắc khoải âu lo :

Em âu lo trước xa tắp đường tình

Trái tim đập những điều không thể nói

Cũng vì thế mà Xuân Quỳnh luôn trân trọng niềm hạnh phúc có thật trong đời, và nghĩ “ Chỉ có sóng và em ” thôi :

Chỉ riêng điều được sống cùng nhau

Niềm sung sướng với em là lớn nhất

Trái tim nhỏ nằm trong lồng ngực

Giây phút nào tim chẳng đập vì anh

Thơ tình Xuân Quỳnh mang gương mặt đời thường mà có sự thăng hoa lớn lao là thế chăng?

Một điểm đáng trân trọng nữa đối với con người và thơ Xuân Quỳnh đấy là vẻ đẹp nữ tính, thiên nhiên nữ tính. Không phải ngẫu nhiên mà luôn đi – về trong thơ Xuân Quỳnh là hình ảnh những người vợ, người mẹ với một tâm hồn mẫn cảm, hồn hậu nhân ái và chịu thương chịu khó . Mẹ trong thơ Xuân Quỳnh là những hình ảnh hoài niệm, lồng trong hình ảnh quê hương qua tình cảm tinh khôi sâu lắng :

Tháng xuân này mẹ có về không

Con thắp nén hương thơm ngát

Bờ đê cỏ ướt

Lá tre xào xạc đường làng

Sông Nhuệ đò sang

Hoa xoan tím ngõ

Cánh cò trắng xóa

Như lời ru của mẹ bay về

Với bà, Xuân Quỳnh nhìn bằng con mắt trẻ thơ hồn nhiên, nhưng xiết bao yêu kính :

Nắng ở xung quanh bình tích

Ủ nước chè tươi cho bà

Bà nhấp một ngụm rồi khà

Nắng trong nước chè chan chát.

Với chồng, tiếng thơ Xuân Quỳnh ân cần, nhỏ nhẹ và đằm thắm :

Sao không cài khuy áo lại anh

Trời lạnh đấy, hôm nay trời rét

Xuân Quỳnh là người đàn bà yêu cho đến hết và đến chết. Cho nên chị không giữ lại cái gì cho riêng mình. Yêu cho đến lúc chết đi vẫn yêu, “Biết yêu anh cả khi chết đi rồi" - (Thơ “Tự hát” – Xuân Quỳnh).

Theo Tiếng nói giáo viên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ