Không gian nghệ thuật trong vườn thơ Xuân Quỳnh

GD&TĐ - N.Konrat (1891 - 1970) Viện sĩ - Nhà Phương Đông học - là nhà khoa học của Liên Xô (cũ) từng viết: “Thế giới khách quan là đối tượng của nhận thức.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Bản thân nhận thức là ở chỗ: Bằng cách đi sâu vào vật, nắm được quy luật của nó. Cả thế giới gồm cả trong tâm con người, rằng thế giới cũng là tâm”. Người phương đông khám phá thế giới và đời sống theo nhãn tuyến trên. Ta đem đối chiếu với cá tính sáng tạo trong thơ Xuân Quỳnh có những điểm rất phù hợp.

Sự hòa hợp của các đối cực

Hầu hết các bài thơ trong tập “Xuân Quỳnh thơ và đời - NXB văn hóa, 1998” đều là sự hòa hợp của các đối cực, sự nối kết giữa các đối cực với nhau. Có mùa thu là có tình yêu:

.... “Mùa thu vào hoa cúc

Chỉ còn anh và em”....

(Thơ tình cuối mùa thu - SĐD trang 26)

Có thuyền là có biển:

.... “Chỉ có thuyền mới hiểu

Biển mênh mông nhường nào”...

(Thuyền và biển – SĐD - trang 28)

Và khi trẻ em xuất hiện thì cần phải có tình yêu:

.... “Khi trẻ con tập đi

Đường có từ ngày đó

Nhưng còn cần cho trẻ

Tình yêu và lời ru”...

(Truyện cổ tích và loài người)

Và tất cả sự vật, hiện tượng đều chuyển động theo chiều, có phương, có hướng. Cho dù là mây, con đường, sóng, thuyền, biển.

Mới đây, nhà khoa học Geodakian, người Acmenia, bằng những luận cứ có sức thuyết phục đó lý giải thế giới vật chất như sau:

“Sự tồn tại và phát triển của một giống loài bao giờ cũng gắn liền với việc chiếm lĩnh những không gian mới (không gian hiểu theo chiều rộng và chiều sâu)” thì không gian nghệ thuật trong thơ Xuân Quỳnh có đầy đủ chiều sâu và bề rộng.

Màu sắc trong thơ 

Có lẽ xuất phát từ đời tư, như: “Ngọn sào thưa cánh buồm như ngái ngủ. Những cánh chuồn mỏng mảnh như tình yêu” (Chuồn chuồn báo bão). Hàn Thị đời Đường Hy Tôn ở Trung quốc có câu: “Phương tri hồng diệp thị lương môi”- Nghĩa là lá thắm làm mối giỏi. Tình duyên của Xuân Quỳnh không được thuận buồm mà phải qua hai lần đò. Phận mỏng cánh chuồn là vậy.

Tuổi thơ và hiện tại đó hướng Xuân Quỳnh chiếm lĩnh không gian động giữa con người và cảnh vật: Mái phố, núi Hoàng liên, gió Lào, thời gian trắng... Quan hệ con người thơ và xoay quanh là quan hệ chiêm nghiệm, trực giác, soi sáng lẫn nhau, tương thông, tương cảm, hô ứng lẫn nhau. Tĩnh là điều kiện của trữ tình, nhưng tĩnh là chết nếu như không có hoạt động nhỏ, ý biểu đạt nằm trong cốt lõi bên trong.

Không gian khắc nghiệt tự nhiên tưởng chừng như bỏ rơi thường là nguồn cảm hứng mà Xuân Quỳnh luôn hướng tới. Trong tác phẩm “Xuân quỳnh thơ và đời - Nhà xuất bản văn hóa 1998” có các bài mang tiêu đề Cỏ dại, Mùa hoa dại, Hoa dại núi Hoàng Liên, Màu hoa còn lại, Hoa cỏ may… thì cuộc đời của nhà thơ lẫn vào cỏ cây mọi nỗi buồn vui:

… Đã lẫn vào cỏ cây

Đã về cùng cát bụi

Để lại dương gian này

Mọi buồn vui trần thế...

(Hà Phương - Về một nhà thơ chết trẻ)

“Đối với Xuân Quỳnh có nghĩa là đưa vào thơ chính bản thân mình, có nghĩa là đưa chính cuộc đời mình vào đó để đánh dổi, để trả giá cho nghệ thuật” - Đoàn thị Đặng Hương. Đó là: Cỏ dại chấp nhận sự khắc nghiệt của không gian nắng tháng năm:

... Tình yêu như tháng năm

Mang gió nồng nắng lửa

… Lòng anh là đầm sen

Hay là nhành cỏ úa

(Tháng năm - S Đ D - Trang 14)

Và đôi lúc Xuân Quỳnh thu nhỏ mình lại trở thành sinh linh bé nhỏ mà đời thường mấy ai nhắc tới:

... Em chỉ là hạt muối

Loài rong rêu chưa ai biết bao giờ

Em chỉ là ngọn cỏ dưới chân qua

Là hạt bụi vô tình trên áo...

(Thơ vui về phái yếu - S Đ D - Trang 19)

Và trong cõi thế gian, cỏ vẫn tồn tại, dám đương đầu chấp nhận thách thức:

“Cỏ dại quen nắng mưa

Làm sao mà giết được

Tới mùa nước dâng

Cỏ thường ngập nước

Sau ngày nước rút

Cỏ mọc đầu tiên”....

(Cỏ dại - S Đ D - Trang 24)

Nhà văn, nhà phê bình Pha-đê-ep (Liên xô) trong nền văn học xô viết thế kỷ XIX ông đã khẳng định: “Cần phải biết dùng từ ngữ sao cho chúng biểu hiện được chính xác nhất và tinh vi nhất những tư tưởng đang khiến nhà nghệ sĩ phải băn khoăn”.

(Văn học Nga Xô viết thế kỷ XIX - NXBGD 1996 - Trang 245). Như vậy, thi sĩ Xuân Quỳnh lý giải cảm xúc bằng cách đem tác phẩm soi vào cuộc đời và qua tác phẩm tự mình soi mình, bộc lộ cốt lõi bên trong của xúc cảm.

Màu sắc trong thơ ca là phương tiện miêu tả thế giới mà cũng là phương tiện thể hiện cái nhìn nghệ thuật đối với cuộc đời phụ thuộc vào cái nhìn của người nghệ sĩ. Ở Xuân Quỳnh nổi bật lên là khuynh hướng dùng màu sắc để tạo thành các hình tượng có nội dung khái quát rộng lớn, giàu giá trị thẩm mĩ.

Có những bài thơ của Xuân Quỳnh là bức tranh ký họa không pha màu. Để thiết lập nên các thái cực và nối kết các thái cực Xuân Quỳnh có hai bài thơ nói về Sóng, thuyền và biển. Bài thuyền và biển đó được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đó chắp cánh cho bài thơ bằng nốt nhạc trên bình diện phẳng của biển cả: Có thuyền, có sóng nhưng bức tranh đó có màu sắc hay không:

.... “Từ ngày nào chẳng  biết

Thuyền nghe lời biển khơi

Cánh Hải âu sóng biếc

Đưa thuyền đi muôn nơi”...

(Thuyền và biển – S Đ D - Trang 28)

Hay:

... “Con sóng dưới lòng sâu

Con sóng trên mặt nước”

(Sóng S Đ D trang 11)

Nhìn đại cục thì đó là bức tranh thủy mặc, cái nhìn trong suốt qua thế giới hữu hạn. Có chăng chỉ pha chút xanh của biển nước. Cũng nói về biển, nhưng các nhà thơ khác ít “Vẽ”
như vậy.

Nói về các loại hoa cũng là đề cập đến màu sắc. Chỉ có một điều hoa đó là biểu thị của dòng chảy về thời gian như tháng năm có hoa phượng đỏ và cái màu đỏ đó như tín hiệu trỏ lối sang mùa hè, bó với không gian đồng quê:

.... “Nhưng hãy nghe hãy nghe

Trên những cành phượng đỏ”....

(Tháng năm – S Đ D - Trang 13)

Nếu như Nguyễn Du dồn cái sầu của một ngày dài: (Ba thu dồn lại một ngày dài ghê - Truyện Kiều) thì dòng thời gian của mùa thu đã thu vào cái màu vàng của hoa cúc:

...“Mùa thu vào hoa cúc

Chỉ còn anh và em”...

(Thơ tình cuối mùa thu – S Đ D trang 26)

Khi ta đọc đến bài hoa cúc thì màu vàng đó trở thành kỷ niệm thực trong đời người con gái ấy:

… “Gương mặt ấy lời yêu thuở ấy

Màu hoa vàng vẫn cháy
ở trong em”...

(Hoa cúc - S Đ D - 1980)

Rải rác trong tập thơ là những màu hoa trắng, nắng hồng đã làm duyên trong thơ:

...”Em về hoa trắng dâu da

Nắng hồng cho nắng
mau khô”...

Hoặc:

... “Màu Ban trắng khắp đèo cao vực thẳm

Cỏ xanh rờn như tiếng hát lan xa”...

(Màu hoa còn lại - S Đ D - Trang 76)

Thực vậy, nếu bỏ yếu tố màu sắc, đề tài về hoa đi, hoặc giả thay chúng bằng các chi tiết khác thì có mang cá tính Xuân Quỳnh hay không? Hoàn toàn không... Nếu như vậy, thì cái nhân bản nữ tính sẽ tiêu tan. 

Nặng tình đời, tình người

Lấy Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh chấp nhận dấn thân vào con đường chông gai để đến với hạnh phúc. Ngôi nhà tập thể 96A phố Huế lại hiện ra trong thơ Quỳnh khuôn hình cứ nhỏ dần nhưng cũng đủ cho Vũ làm việc:

... “Tấm rèm cửa màu xanh

Trang thơ còn viết dở

Tách nước nóng trên bàn

Và lòng em mong nhớ”...

(Anh - S Đ D - Trang 43)

Và nói chung, không gian nhà ở, căn phòng trong thơ của nữ sĩ không bao giờ là nơi ngăn cách với người khác, trái lại là sự nối kết tình cảm gia đình và mở ra những con đường hướng ra phố phường:

... “Những người đàn ông các anh có bao nhiêu điều to lớn

Vượt khỏi ô cửa cỏn con, căn phòng hẹp hàng ngày”...

(Thơ vui về phái yếu)

Thơ Xuân Quỳnh dù viết về con đường ra trận hay viết về lá cờ nơi đầu cầu giới tuyến trong những năm đất nước ngập trong nỗi đau chia cắt cũng là những vần thơ xuất phát từ chữ TÂM mang nặng tình đời. Và cho dù là “đường” hay “lối” trong thơ đều có phương, có hướng và đôi lúc đó trở thành tín hiệu đưa Quỳnh nhận dạng ra, khỏi lạc bước.

Mở đầu là lối nhỏ thoáng chút ngập ngừng có cỏ chỉ đường:

... “Lối đi quen bỗng lạ

Cỏ lật theo chiều mây”...                                                             

(Thơ tình cuối mùa thu - S Đ D - Trang 26)

Và nghề nghiệp cũng trở thành con đường trong thơ Xuân Quỳnh:

... “Anh thuộc về những người ngoài cánh cửa

Của con đường trang viết,
câu thơ”...

(Thời gian trắng - S Đ D - Trang 96)

Không gian con đường là không gian có hướng gần xa, viễn cảnh, chân trời. Hình ảnh con đường còn lấp lánh những ý tưởng sâu rộng, khái quát một triết lý thiết thực. Đường đi - đường đời chỉ là một. “Con đường trang viết” đó là cách lựa chọn hướng đi, là hình ảnh lý tưởng, là mục tiêu hoàn hảo cho thi sĩ vươn tới nghiệp văn chương. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.