Theo đó, 3 đường bay trục Hà Nội - Đà Nẵng, Hà Nội - TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng - TP Hồ Chí Minh sẽ tăng tần suất khai thác 6 chuyến khứ hồi/ngày cho mỗi đường bay.
Cụ thể, Vietnam Airlines khai thác 2 chuyến/ngày, VietJet Air 2 chuyến/ngày, Bamboo Airways 1 chuyến/ngày và Pacific Airlines 1 chuyến/ngày.
Các đường bay khác vẫn giữ nguyên tần suất không quá 1 chuyến khứ hồi/ngày trên mỗi đường bay đối với mỗi hãng hàng không. Riêng hãng hàng không Vietravel Airlines được xem xét khai thác với tần suất 1 chuyến khứ hồi/ngày trên mỗi đường bay từ tháng 11.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, đề xuất trên được áp dụng từ ngày 21/10, khi hết giai đoạn thí điểm. Với phương án này, chuyến bay xuất phát từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc vùng phong tỏa (như TP Hồ Chí Minh), hành khách cần có kết quả xét nghiệm âm tính bằng phương pháp PCR hoặc test nhanh trong 72h trước khi khởi hành bay.
Chuyến bay xuất phát từ các địa bàn khác cần đáp ứng 1 trong 3 điều kiện: Người có chứng nhận đã tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 hoặc có chứng nhận F0 khỏi bệnh hoặc người có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ trước khi khởi hành.
Được biết, từ ngày 10/10 khi thí điểm mở lại đường bay nội địa đến nay, tỷ lệ chuyến bay đã thực hiện còn thấp do số lượng khách đặt chỗ ít, thậm chí không có khách.
Nguyên nhân do hành khách chưa kịp tiếp cận thông tin nên không chủ động lập kế hoạch di chuyển. Nhiều đường bay có nhu cầu thấp như đường bay Thanh Hóa - Liên Khương; TP Hồ Chí Minh - Cà Mau/Rạch Giá, Đà Nẵng - Cần Thơ/Buôn Ma Thuột.
Các đường bay đi/đến các địa phương khu vực phía Bắc như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An bị hạn chế, không đáp ứng được nhu cầu hành khách giai đoạn hiện tại.
Đặc biệt, tỷ lệ tiêm vắc xin phòng Covid-19 của một số địa phương còn thấp nên hành khách chưa thể đáp ứng yêu cầu của địa phương, nhất là gia đình có trẻ em dưới 18 tuổi chưa được tiêm vắc xin, nên không thể di chuyển dù có nhu cầu.