Nghỉ Tết quá... dài
Thực hiện Nghị quyết Phiên họp thường kỳ tháng 1/2019 của Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH đã nghiên cứu, đề xuất cách thức nghỉ Tết Nguyên đán mới, bảo đảm vui tươi, đầm ấm, thiết thực và hiệu quả.
Theo đó, 2 phương án về thời gian nghỉ Tết Nguyên đán dự thảo Bộ luật Lao động đưa ra lấy ý kiến là: Phương án 1, giữ nguyên hiện hành. Người lao động được nghỉ 5 ngày Tết Âm lịch. Nếu ngày nghỉ Tết Âm lịch trùng với ngày nghỉ hàng tuần thì được nghỉ bù vào ngày kế tiếp.
Phương án 2, người lao động được nghỉ 5 ngày Tết Âm lịch. Nếu ngày nghỉ Tết Âm lịch trùng với ngày nghỉ hàng tuần thì không được nghỉ bù.
Theo Ban soạn thảo, quy định về nghỉ Tết trong Bộ luật Lao động 2012 đã được thực hiện từ 1/5/2013 và được đa số nhân dân ủng hộ. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng kỳ nghỉ Tết Âm lịch của Việt Nam là dài so với một số quốc gia trong khu vực, ví dụ: Trung Quốc nghỉ 7 ngày, Đài Loan 5 ngày, Hàn Quốc 3 ngày, Singapore và Malaysia 2 ngày, Brunei, Thái Lan và Philippines 1 ngày.
Việc đề xuất sửa đổi quy định nghỉ Tết Âm lịch với bỏ hoán đổi và nghỉ bù, vì hiện có nhiều ý kiến nghỉ Tết của Việt Nam lệch với thế giới, thời gian nghỉ lại quá dài, có thể làm ảnh hưởng, gián đoạn kế hoạch sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp gia công sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu.
Các sản phẩm, hàng hóa sản xuất ở Việt Nam sẽ không cung ứng kịp thời cho các quốc gia trên thế giới trong tuần nghỉ Tết Âm lịch vì người lao động nghỉ việc.
Bên cạnh đó, hiệu quả thực hiện công việc cũng không cao khi người lao động trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết. Quá trình thảo luận và tham vấn ý kiến chuyên gia, đa số ý kiến thể hiện sự đồng thuận với Phương án 1.
Doanh nghiệp muốn nghỉ bù
Góp ý kiến vào dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi nói chung và về quy định nghỉ Tết Âm lịch nói riêng, nhiều đại diện các hiệp hội doanh nghiệp cho rằng, nên giữ nguyên quy định về nghỉ bù dịp Tết Nguyên đán như hiện tại.
Theo đại diện Hiệp hội điện tử Việt Nam, bà Đỗ Thị Thuý Hương: Điện tử là ngành tập trung đông lao động tại một số địa phương. Nghỉ Tết Nguyên đán, người lao động cần có khoảng thời gian di chuyển từ nơi làm việc về gia đình. Với quy định ngày nghỉ Tết ngắn quá sẽ khó bảo đảm được lịch nghỉ trọn vẹn.
Có cùng quan điểm, bà Đào Thị Thu Huyền, Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho rằng, thời gian nghỉ Tết gồm cả nghỉ bù kéo dài khoảng 7 ngày là phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và người lao động.
Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang có trụ sở ở các khu công nghiệp tập trung lao động, việc đi lại cũng cần có thời gian, đặc biệt là những lao động có quê xa nơi làm việc. Vì vậy, quy định về ngày nghỉ bù trong dịp Tết Nguyên đán là phù hợp.
Tiếng nói người lao động
Bên cạnh ý kiến các hiệp hội doanh nghiệp chia sẻ, trao đổi thêm với doanh nghiệp, một số ý kiến cũng cho rằng, chế độ nghỉ lễ, tết hiện nay là phù hợp hơn.
Bà Trần Thị Huyền, Giám đốc nhân sự Tập đoàn Tân Phát chia sẻ: Số ngày nghỉ lễ, tết được tính lương trong một năm của người lao động Việt Nam hiện nay là 10 ngày, nằm ở mức trung bình thấp so với các quốc gia trên thế giới và ở mức thấp so với các quốc gia trong khu vực như Campuchia là 28 ngày; Brunei là 15 ngày; Indonesia là 16 ngày; Malaysia là 12 ngày, Myanmar là 14 ngày, Philippines là 12 ngày, Singapore là 11 ngày; Thái Lan là 16 ngày.
Như vậy, số ngày nghỉ vốn đã ít, nếu thực hiện phương án không có ngày nghỉ bù, quyền lợi của người lao động sẽ bị ảnh hưởng khi ngày nghỉ Tết trùng với ngày nghỉ thông thường là thứ 7, Chủ nhật.
Đối với người lao động, một số ý kiến cũng cho rằng việc được nghỉ bù là cần thiết. Đặc biệt, trong khu vực sản xuất trực tiếp, nhiều doanh nghiệp quy định thời gian làm việc là 44 giờ một tuần, bên cạnh đó, còn có thỏa thuận làm thêm giờ. Công việc được cho là rất áp lực về mặt thời gian, việc nghỉ bù sẽ giúp cho người lao động có thêm thời gian nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động.
Mặt khác, người lao động còn có thể được hưởng thêm quyền lợi khi tham gia lao động vào những ngày nghỉ bù.
Cùng với các nội dung khác trong dự án Bộ luật Lao động sửa đổi, việc đề xuất thêm phương án sửa đổi quy định nghỉ Tết Âm lịch với bỏ hoán đổi và nghỉ bù là một nội dung cần được tiếp tục thảo luận và lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân, nhất là người lao động, các chuyên gia, nhà khoa học.
Bộ LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục nhận góp ý của xã hội đối với dự thảo ngay cả khi hết hiệu lực xin ý kiến theo quy định của pháp luật và sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan của Quốc hội trong soạn thảo, thẩm tra dự án Bộ Luật.