Đưa việc làm đến với người lao động

GD&TĐ - Chương trình Tiếp sức người lao động (TSNLĐ) và Ngày hội tuyển dụng việc làm năm 2018 như một “thương hiệu” hàng năm đón đầu người lao động. Đây cũng chính là cầu nối để doanh nghiệp (DN) và các bạn trẻ, sinh viên tìm kiếm việc làm, đồng thời cũng là nơi cung cấp nguồn nhân lực đáp ứng sự phát triển của thành phố.

Đưa việc làm đến với người lao động

Thu hút nhiều sinh viên tham gia

Ngày hội tuyển dụng việc làm 2018 đã thu hút hơn một nghìn lượt sinh viên, thanh niên, người lao động trên địa bàn TPHCM nói riêng cũng như các tỉnh, thành phố nói chung đến tham gia ứng tuyển.

Ngày hội tuyển dụng việc làm năm nay, trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) Thanh niên thành phố đã liên kết, phối hợp 17 đơn vị là các trung tâm DVVL của các tỉnh như: Quảng Bình, Phú Yên, Bình Định, Bình Dương, Tiền Giang, Vĩnh Long, Đắk Nông, Gia Lai… Các đơn vị cũng phối hợp về hoạt động dự báo nguồn nhân lực, thông tin thị trường lao động, giới thiệu việc làm và đào tạo kỹ năng nghề giai đoạn 2018 - 2020.

Ghi nhận tại ngày hội, có khoảng 100 doanh nghiệp (DN) đóng trên địa bàn thành phố và các tỉnh tham gia, với chỉ tiêu tuyển dụng là 15.000 vị trí ở nhiều lĩnh vực: Dược, may mặc, viễn thông, ga, bảo hiểm, nhà hàng, chăm sóc mảng xanh; công nhân làm việc ở các khu chế xuất, khu công nghiệp.

Tùy theo vị trí tuyển dụng, mức lương được các DN thông tin đến ứng viên dao động từ 6 đến 10 triệu đồng/tháng; Ở những vị trí quản lý mức lương cao hơn, trung bình từ 9 đến 13 triệu đồng/tháng.

Tại quầy tuyển dụng của Công ty TNHH Căn hộ Vườn phố Việt Nam, một số sinh viên mới ra trường đến đăng ký ứng tuyển vào vị trí nhân viên điều phối kỹ thuật (điều kiện tốt nghiệp từ cao đẳng trở lên, Anh văn giao tiếp), mức lương từ 9 đến 10 triệu đồng/tháng; tổ trưởng kỹ thuật từ 11 - 13 triệu đồng/tháng.

Sau khi điền vào mẫu ứng tuyển vị trí nhân viên điều phối kỹ thuật của công ty này, Nguyễn Văn Khang (ngụ quận 10) chia sẻ: “Em đến với ngày hội này nhằm tìm cơ hội mới để phát triển tốt hơn trong lĩnh vực nghề nghiệp, chế độ đãi ngộ và môi trường làm việc của DN cũng rất quan trọng để ứng viên như em chú trọng quan tâm”.

Ngoài tuyển dụng lao động có trình độ, có kinh nghiệm, nhiều DN cũng rao thông tin tuyển số lượng lớn lao động phổ thông vào làm việc ở các nhà máy, khu công nghiệp với mức lương từ 6 đến 15 triệu đồng/tháng.

Tại chương trình, Ban tổ chức đã xuất quân các đội hình tình nguyện hỗ trợ, giới thiệu việc làm cho người lao động tại các trung tâm cửa ngõ, bến xe, nhà ga của thành phố.

Nét đẹp từ việc hỗ trợ NLĐ

Được triển khai từ năm 2011 với mục đích hạn chế tình trạng “cò lao động” tại các bến xe và các khu vực khác trên địa bàn thành phố, đồng thời tư vấn, giúp đỡ, hỗ trợ giới thiệu việc làm miễn phí cho người lao động (NLĐ) từ các tỉnh đến TP Hồ Chí Minh tìm việc.

Hằng ngày, hàng trăm tình nguyện viên tiếp sức NLĐ thay phiên nhau túc trực, sẵn sàng tư vấn, cung cấp thông tin việc làm miễn phí tại các điểm trên. Ngay khi bước chân xuống bến xe, NLĐ được các tình nguyện viên hướng dẫn tới trước văn phòng “Tiếp sức NLĐ” để được hỗ trợ cụ thể.

Tại bến xe miền Tây, nhóm bạn Quỳnh Trâm vừa chân ướt chân ráo bước xuống xe lập tức được các tình nguyện viên tiến tới giới thiệu đưa về văn phòng “tiếp sức NLĐ” tư vấn tìm việc giúp.

Anh Nguyễn Quang Lộc (quê ở Bình Định) sau khi nhận được những lời chỉ dẫn tận tình từ văn phòng “Tiếp sức NLĐ” ở YES Center hồ hởi cho biết: “Lần đầu vào TP Hồ Chí Minh kiếm việc, tôi không ngờ mình lại nhận được nhiều sự hỗ trợ từ các tình nguyện viên “Tiếp sức NLĐ” đến thế.

Không chỉ có được thông tin tuyển dụng hợp với khả năng, không mất phí, mà tôi còn được giới thiệu về chỗ trọ giá rẻ, đi xe ôm tới nơi phỏng vấn với giá cả phải chăng, tận tình. Đây quả là một điều tốt đẹp với người lao động xa quê tìm việc như chúng tôi”.

Các thành viên tình nguyện đã được tập huấn kỹ. Hễ thấy chiếc xe nào vào cổng bến xe miền Đông, miền Tây, cầu vượt ngã tư ga là các tình nguyện viên nhanh chóng tiến tới với xấp tờ rơi.

Đứng xen lẫn với cánh tài xế xe ôm, cò taxi, những người bán hàng rong và thân nhân đến đón người thân, nhóm bạn chăm chú quan sát nơi cửa xe ra vào. Cứ thấy bạn trẻ nào mới từ quê lên, nhóm bạn lập tức sà tới tiếp cận để phát tờ bướm.

Thường sau vài câu bắt chuyện, các bạn tìm cách “dẫn dụ” được một vài hành khách đi theo mình đến một văn phòng nhỏ đặt cạnh bến xe. Nguyễn Thị Thanh Thúy, thành viên tình nguyện túc trực ở bến xe miền Đông cho biết: “Năm ngoái, mình đã trải nghiệm công việc hỗ trợ NLĐ. Năm nay, mình và một số bạn trong nhóm tiếp tục túc trực ở đây để hỗ trợ”.

Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM, năm 2018 dự kiến thành phố có nhu cầu 300.000 chỗ làm việc, tăng bình quân 5% so với năm 2017, trong đó có 130.000 chỗ làm việc mới tăng 4% so với năm 2017. Năm 2018, thị trường lao động thành phố tập trung thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào làm việc ở các ngành, lĩnh vực mũi nhọn. Trong đó, nhu cầu nhân lực tăng cao ở một số nhóm ngành thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin như: Phân tích dữ liệu (Big Data), bảo mật mạng, lập trình ứng dụng di động, lập trình game, lập trình thiết kế game 3D, lập trình thiết kế hiệu ứng hình ảnh và hoạt hình 3D.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ