Đề xuất đổi mới phương thức đánh giá thể hiện trong SGK mới

GD&TĐ - Đưa ra một số nhận định về phương thức đánh giá thể hiện qua sách giáo khoa Sinh học hiện hành, tiến sĩ Dương Quang Ngọc (Viện khoa học giáo dục Việt Nam) đồng thời đề xuất đổi mới phương thức đánh giá thể hiện trong sách giáo khoa mới.

Đề xuất đổi mới phương thức đánh giá thể hiện trong SGK mới

Chưa nhiều nội dung đánh giá về năng lực

Nghiên cứu đại diện sách Sinh học 9 và Sinh học 12 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, tiến sĩ Dương Quang Ngọc cho biết, còn một số vấn đề tồn tại về phương thức đánh giá.

Cụ thể, mục tiêu đánh giá chưa được thể hiện trong SGK mà chỉ được thể hiện trong sách giáo viên, hầu như chưa có phần đánh giá chẩn đoán.

Nội dung đánh giá vẫn tập trung vào đánh giá kiến thức, kỹ năng, chưa nhiều nội dung đánh giá về năng lực, thái độ và kỹ năng thực hành của học sinh. Nội dung đánh giá ít thể hiện tính phân hóa.

Việc phân tích, sử dụng kết quả đánh giá chưa được thể hiện tường minh trong SGK, chưa hỗ trợ cho giáo viên và học sinh trong sử dụng kết quả đánh giá để điều chỉnh dạy học, phân loại học sinh, hỗ trợ dạy học phân hóa.

"Phương thức đánh giá trong SGK được hiểu bao gồm: Mục tiêu đánh giá, hình thức đánh giá, nội dung đánh giá, phương pháp đánh giá, kỹ thuật đánh giá (thang, chuẩn, tiêu chí, công cụ, xử lý dữ liệu..), cách thức sử dụng kết quả đánh giá và được thể hiện ở các công cụ, hoạt động đánh giá trong cấu trúc của SGK" - tiến sĩ Dương Quang Ngọc
 Sách chưa có những gợi ý sử dụng kết quả đánh giá, chưa giúp học sinh tự đánh giá kiến thức, kỹ năng của mình để chuẩn bị cho việc tiếp nhận một kiến thức mới.

Sách cũng chưa giúp cho giáo viên đánh giá chẩn đoán, phân loại đối tượng học sinh của mình để dự kiến, điều chỉnh việc dạy.

Cũng theo nhận định của tiến sĩ Dương Quang Ngọc qua nghiên cứu hai đầu sách trên, SGK chưa thể hiện sự hỗ trợ của công nghệ thông tin - truyền thông trong các công cụ đánh giá của SGK; chủ yếu tập trung vào truyền thụ nội dung, chưa giúp học sinh đánh giá lẫn nhau và tự đánh giá.

Đề xuất đổi mới phương thức đánh giá thể hiện trong SGK mới

Tiến sĩ Dương Quang Ngọc cho rằng, về phương diện đánh giá, SGK mới cần hỗ trợ giáo viên cung cấp cách thức đánh giá chẩn đoán; quá trình và tổng kết nội dung, công cụ, phân tích kết quả, sử dụng kết quả.

Sách cũng cần cung cấp các loại công cụ đánh giá như: Câu hỏi tự luận, trắc nghiệm, câu hỏi mở, câu trả lời ngắn, bảng kiểm. Đồng thời, hỗ trợ đánh giá năng lực người học dựa theo chuẩn đầu ra; gắn kết đánh giá vào tiến trình dạy học.

Đối với học sinh, SGK mới cần tạo cơ hội cho học sinh đánh giá và phản ánh sự tiến bộ của học sinh; tạo cơ hội học sinh đánh giá kết quả học tập theo cặp, nhóm và tạo cơ hội để các em được đánh giá năng lực.

Đánh giá năng lực, theo tiến sĩ Dương Quang Ngọc, nhằm ba mục đích: Cung cấp cho giáo viên thông tin về kết quả học tập để điều chỉnh hoạt động giảng dạy theo hướng phát triển năng lực học sinh; cung cấp thông tin phản hồi cho học sinh để điều chỉnh hoạt động học tập; cung cấp thông tin cho giáo viên và nhà trường để xác nhận, xếp hạng kết quả học tập.

"Mục đích thứ nhất cần được nhấn mạnh, vì để phát triển khả năng tiềm ẩn của học sinh, giáo viên cần phải chẩn đoán được mức độ năng lực hiện có và đưa ra các chiến lược giảng dạy cho phù hợp.

Bên cạnh đó, đánh giá năng lực tập trung vào mục tiêu đánh giá sự tiến bộ của người học so với chính họ hơn là mục tiêu đánh giá, xếp hạng giữa các người học với nhau.

Các năng lực chung cốt lõi mà học sinh Việt Nam cần hướng tới là: Tư duy (suy luận, phê phán, sáng tạo); tự học, học cách học; tự quản lý bản thân và phát triển bản thân; hợp tác; giao tiếp; tìm kiếm, tổ chức, xử lý thông tin; phát hiện và giải quyết vấn đề, đặc biệt là những vấn đề thực tiễn..." - tiến sĩ Dương Quang Ngọc nêu quan điểm.

Hình dung thiết kế với SGK Sinh học mới

Từ quan điểm đổi mới nêu trên, tiến sĩ Dương Quang Ngọc cho rằng, SGK Sinh học cần được thiết kế để tạo điều kiện cho việc học liên tục và củng cố việc học; đáp ứng nhu cầu đa dạng của học sinh; khuyến khích học sinh học tập tích cực, hoạt động tương tác và học tập chủ động, tự giác, sáng tạo; khuyến khích giáo viên đổi mới phương pháp dạy học và đánh giá kết quả học tập; giúp học sinh liên hệ việc học với cuộc sống bên ngoài nhà trường.

Về thể hiện phương thức đánh giá, theo tiến sĩ Dương Quang Ngọc, SGK bộ môn mới cần đa dạng hóa các loại công cụ đánh giá và tăng cường đánh giá trong mỗi bài, chương, cả về hình thức và nội dung đánh giá.

Đặc biệt, nội dung đánh giá mang tính thực tiễn nhiều hơn. Các câu hỏi, bài tập cần soạn theo hướng phát triển tư duy và vận dụng để giải quyết các tình huống cụ thể hơn là tái hiện kiến thức đơn thuần.

Nội dung đánh giá cũng cần có sự đảm bảo để phân hóa trình độ học sinh bằng các câu hỏi ở mức độ tư duy khác nhau. Cần có đánh giá kỹ năng khai thác công nghệ thông tin trong quá trình học tập của học sinh.

Đề xuất cấu trúc sách và phương thức đánh giá kết quả giáo dục thể hiện trong sách của tiến sĩ Dương Quang Ngọc gồm: Trang bìa; mục lục; hướng dẫn sử dụng sách; các chương; câu hỏi và bài tập cuối ký, cuối năm; chú thích thuật ngữ.

Trong đó, hướng dẫn sử dụng sách được thể hiện bằng các biểu tượng/ từ khóa/ hình vẽ kèm mục đích của từng biểu tượng/ từ khóa/ hình vẽ đó để giúp học sinh, giáo viên, phụ huynh học sinh hiểu rõ ý tưởng của tác giả viết sách.

Nội dung chương gồm: Tên chương, giới thiệu chương (có thể là một vài lời giới thiệu hoặc bắt đầu bằng một ví dụ có liên quan đến chương để khơi dậy hứng thú học tập cho học sinh); mục tiêu cần đạt sau khi học xong chương; các bài; câu hỏi và bài tập cuối chương.

Ở các bài gồm: Tên bài (ngay sau tên bài có thể có câu hỏi gợi mở hoặc câu phát biểu kích thích óc tò mò khoa học, thôi thúc học sinh tìm tỏi, khám phá kiến thức mới); mục tiêu cần đạt của bài; các tiểu mục kiến thức của bài; chốt kiến thức cốt lõi của bài, có thể bằng bản đồ khái niệm; câu hỏi và bài tập cuối bài.

Phần nội dung chính trong từng tiểu mục bài có thể thiết kế các hoạt động học tập, trong đó có gợi ý về cách thức tổ chức hoạt động là hoạt động cá nhân, nhớm hay toàn lớp.

Ngoài ra, để tăng cường đánh giá học sinh, tiến sĩ Dương Quang Ngọc cho rằng, cần có thêm các mục như: Hoạt động thực hành/thử làm; hoạt động luyện tập/vận dụng; kết nối internet, kết nối giúp học sinh xâu chuỗi được kiến thức giữa các phần trong sách; khoa học ngày nay; điều tra khoa học; kỹ năng khoa học; những chuyện khoa học; tự đánh giá; đánh giá lẫn nhau qua hoạt động kiểm tra nhanh; giáo dục quốc gia để tích hợp các vấn đề xã hội, kinh tế, môi trường...

Câu hỏi bài tập cuối bài được thể hiện bằng nhiều dạng khác nhau, như câu hỏi tự luận, câu hỏi trắc nghiệm khách quan, hay tổ hợp cả hai dạng, giúp học sinh củng cố và cập nhật lại những gì đã học.

Với câu hỏi bài tập cuối chương, tiến sĩ Dương Quang Ngọc gợi ý, được thể hiện bằng nhiều dạng khác nhau, như câu hỏi tự luận, câu hỏi trắc nghiệm khách quan, hay tổ hợp cả hai dạng. Về nội dung đánh giá, nên biên soạn để đánh giá theo chuẩn, có chỉ rõ cấp độ tư duy, có cho điểm số từng câu và có hướng dẫn giải.

"Nên có chỉ dẫn cách thức sử dụng kết quả đánh giá giúp học sinh điều chỉnh việc dạy, phân loại học sinh góp phần hỗ trợ dạy học phân hóa, giúp học sinh điều chỉnh việc học, tăng cường khả năng tự học.

Câu hỏi và bài tập cuối kỳ, cuối năm được biên soạn thành các câu hỏi, bài tập với những nội dung đánh giá theo chuẩn, có thể có những câu hỏi nâng cao, đặc biệt nên có những câu hỏi vận dụng vào giải quyết vấn đề thực tiễn" - tiến sĩ Dương Quang Ngọc đề xuất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ