Vận dụng kinh nghiệm thế giới làm hấp dẫn SGK Lịch sử mới

GD&TĐ - Từ nghiên cứu chương trình, sách giáo khoa hai nước Anh và Australia, Tiến sĩ Hoàng Thanh Tú - Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) - rút ra kinh nghiệm để vận dụng cho xây dựng chương trình, sách giáo khoa môn Lịch sử ở Việt Nam.

Vận dụng kinh nghiệm thế giới làm hấp dẫn SGK Lịch sử mới

Định hướng rõ ràng về mục đích, mục tiêu, nội dung và chuẩn đánh giá

Kinh nghiệm đầu tiên, theo chia sẻ của tiến sĩ Hoàng Thanh Tú là cần xây dựng chương trình quốc gia với các định hướng rõ ràng về mục đích, mục tiêu (năng lực cần đạt), nội dung và chuẩn đánh giá, làm cơ sở biên soạn sách giáo khoa (SGK).

Tiến sĩ Hoàng Thanh Tú dẫn dụ: Chương trình môn Lịch sử của Anh chỉ rõ: "Giáo dục lịch sử chất lượng cao sẽ giúp học sinh đạt được kiến thức và sự hiểu biết thống nhất về quá khứ của nước Anh và thế giới rộng lớn, đồng thời kích thích học sinh tìm hiểu thêm về quá khứ.

"Chương trình giảng dạy quốc gia của Anh cung cấp một bản phác thảo kiến thức cốt lõi giúp giáo viên có thể xây dựng các bài học cuốn hút học sinh. Qua đó, nâng cao sự hiểu biết và rèn luyện các kỹ năng về tiếng Anh, Toán học và CNTT; kỹ năng cá nhân, học tập và tư duy, bao gồm làm việc nhóm, nghiên cứu cá nhân, tự đánh giá, học tập phản ánh, kỹ năng tham gia hiệu quả và tư duy sáng tạo" - Tiến sĩ Hoàng Thanh Tú.

Dạy học Lịch sử sẽ trang bị cho học sinh câu hỏi nhận thức, tư duy phê phán, xem xét các chứng cứ, lập luận và đưa ra các dự đoán, đánh giá. 

Lịch sử giúp học sinh hiểu được sự phức tạp của đời sống con người, các quá trình thay đổi, sự đa dạng của xã hội và các mối quan hệ giữa các nhóm người khác nhau cũng như bản sắc riêng của họ và những thách thức của các thời kỳ đó".

Còn chương trình của Australia tuyên bố mục đích đảm bảo cho học sinh phát triển: Mối quan tâm, hứng thú của việc học tập lịch sử vấn thiết cho công việc và học tập suốt đời, bao gồm khả năng và sự sẵn sàng trở thành những công dân tích cực; kiến thức, sự hiểu biết và nhận thức sâu sắc về quá khứ, các lực lượng tạo thành xã hội, trong đó có xã hội Australia;

Sự hiểu biết và sử dụng các khái niệm lịch sử như: Bằng chứng, sự liên tục, thay đổi, nguyên nhân và kết quả, quan điểm, sự đồng cảm, ý nghĩa, sự cạnh tranh; năng lực thực hiện các nghiên cứu lịch sử trong đó có kỹ năng phân tích và sử dụng các nguồn tài liệu, giải thích và giao tiếp.

Toàn bộ mục đích chung được thể hiện qua mục tiêu cần đạt, nội dung học tập, câu hỏi định hướng của từng cấp, lớp. Các bản chương trình chi tiết đều được cung cấp trực tuyến, thuận lợi cho việc truy cập, sử dụng cũng như đánh giá phát triển.

Chương trình của Anh và Australia, theo nghiên cứu của tiến sĩ Hoàng Thanh Tú, quy định rõ các năng lực chung cần đạt và cụ thể hóa ở các kỹ năng hình thành qua từng môn học.

Ví dụ, ở Australia, năng lực chung gồm kiến thức, kỹ năng, thái độ, khuynh hướng giúp học sinh có thể sinh sống và làm việc thành công trong thế kỷ XXI như: Khả năng đọc, viết, làm toán, sử dụng CNTT, tư duy phê phán, sáng tạo, các năng lực cá nhân và xã hội, hiểu biết đạo đức và liên văn hóa. Từng năng lực đó được định hướng phát triển qua từng môn học.

Trong môn Lịch sử, học sinh phát triển năng lực đọc, viết qua việc hình thành kiến thức lịch sử và khám phá, phân tích, đặt câu hỏi, thảo luận và trao đổi thông tin, khái niệm lịch sử, các ý tưởng.

Học sinh cũng được phát triển năng lực sử dụng CNTT khi xác định nguồn, xử lý, phân tích và truyền đạt thông tin lịch sử. Học sinh có thể truy cập vào một loạt các nguồn thông tin kỹ thuật số; phân tích các bằng chứng và xu hướng lịch sử, giao tiếp, trình bày, hợp tác, thảo luận và tranh luận để cùng hình thành kiến thức.

Những tham góp cụ thể biên soạn SGK Lịch sử

Nghiên cứu SGK các nước, tiến sĩ Hoàng Thanh Tú rút ra được một số điểm vận dụng cho biên soạn SGK ở Việt Nam.

Theo đó, về nội dung, theo các chủ đề của chương trình quốc gia, SGK được biên soạn theo hướng tích hợp lịch sử thế giới và lịch sử dân tộc, các sự kiện quan trọng được lựa chọn làm chủ đề nghiên cứu sâu (bắt buộc hoặc tự chọn), tập trung vào những vấn đề gắn với thực tiễn cuộc sống hoặc có ý nghĩa với học sinh trong hiện tại và tương lai.

Về cấu trúc, các bài viết (phần chữ) ngắn gọn, hình ảnh trực quan sinh động, tư liệu phong phú. Ví dụ, SGK của Australia, bài 2 trong SGK Lịch sử 10 (NXB Pearson) gồm 9 trang, có 8 tranh ảnh minh họa. Bài 3 trong SGK Lịch sử 7 (NXB Pearson) gồm 6 trang, có 3 tranh ảnh minh họa và 3 bản đồ.

"Bài ôn tập, tổng kết kiến thức được viết sau các chương của một giai đoạn lịch sử nhất định và chú trọng các bài tập rèn luyện các kỹ năng cũng như câu hỏi thảo luận thể hiện quan điểm của học sinh về các vấn đề của lịch sử" - Tiến sĩ Hoàng Thanh Tú.
Ở một kiểu bài khác của Lịch sử 10 (NXB Macmillan), với 28 trang sách cho 1 chương (chủ đề chuyên sâu), có 19 tranh ảnh, 1 bản đồ, 2 sơ đồ, 2 biểu đồ, 3 bảng niên biểu, 3 bảng thống kê.

Ngoài ra còn có các nguồn tư liệu điện tử hỗ trợ chỉ dẫn người học tìm hiểu sâu hơn nội dung của bài.

Hay trong SGK của Anh, bài về nhân vật lịch sử gồm 4 trang, có 4 ảnh và 4 tư liệu liên quan đến nhân vật.

Mục tiêu/chủ đề/câu hỏi định hướng tìm hiểu bài rõ ràng và ngắn gọn, giúp học sinh tập trung vào nội dung chính của bài.

Ví dụ, SGK của Australia, sau phần giới thiệu bài học là các câu hỏi khám phá nội dung chính của bài.

Bài Châu Âu trung đại (SGK Lịch sử 8, Oxford University Press) gồm 3 câu hỏi: Xã hội ở Châu Âu thời trung đại được tổ chức như thế nào? Sự phát triển và thành tựu nào ảnh hưởng đến cuộc sống Châu Âu thời trung đại? Xã hội Châu Âu trung đại thay đổi như thế nào và vì sao?

Ví dụ cho SGK của Anh, sau tiêu đề bài học "Adolf Hitler là ai" (Key stage 4, nước Đức 1918 - 1945) có chủ đề chính của bài: Thu thập hiểu biết về cuộc sống và gia đình của Hitler; mục tiêu đánh giá tập trung vào khả năng người học có thể miêu tả về cuộc sống của Hitler lúc nhỏ và ảnh hưởng đến khi trưởng thành.

Sau đoạn giới thiệu ngắn gọn (3 dòng) về Hitler, vài trò của nhân vật này đến các sự kiện có ảnh hưởng lịch sử thế giới thế kỷ XX và lí do cần tìm hiểu về nhân vật, có 4 câu hỏi định hướng:

Cuộc sống gia đình của Hitler như thế nào? Khi còn trẻ, Hitler có những tham vọng gì? Ông đã tiến gần đến tham vọng ở mức nào? Lần đầu tiên ông tham gia chính trị như thế nào?

Một bài học khác tiến sĩ Hoàng Thanh Tú rút ra là hoạt động học tập đa dạng, phong phú, có hoạt động rèn luyện các kỹ năng như: Điền thông tin vào sơ đồ trống/vẽ sơ đồ, sắp xếp sự kiện; phân tích nguồn sử liệu; bình luận ý liến, chọn sự kiện quan trọng...

Hướng tới đánh giá năng lực người học, các bài tập/câu hỏi trong bài được chia theo cấp độ (nhớ, hiểu, vận dụng, phân tích, đánh giá, sáng tạo) hoặc câu hỏi hướng dẫn học sinh phân tích tư liệu trích dẫn, đặc biệt có những câu hỏi đòi hỏi khả năng sáng tạo của học sinh.

"SGK của Australia, chương 3 (Lịch sử 9, Oxford) dẫn các tư liệu cần đọc và yêu cầu học sinh lập một đoạn hội thoại giữa một người lính vô danh với người em trai sẽ phải ở lại chăm sóc nông trại một mình, đoạn hội thoại phải có ít nhất 3 câu tranh luận thể hiện sự ủng hộ hay phản đối lệnh nhập ngũ năm 1914 ở Úc (trong chiến tranh thế giới thứ nhất)" - Tiến sĩ Hoàng Thanh Tú đưa ví dụ.

"Cuối cùng, bài ôn tập, tổng kết kiến thức được viết sau các chương của một giai đoạn lịch sử nhất định và chú trọng các bài tập rèn luyện các kỹ năng cũng như câu hỏi thảo luận thể hiện quan điểm của học sinh về các vấn đề của lịch sử" - tiến sĩ Hoàng Thanh Tú nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.