Biên soạn sách giáo khoa Địa lý theo mô hình mới

GD&TĐ - Để tạo điều kiện đổi mới sách giáo khoa Địa lý đáp ứng nhu cầu xã hội, PGS.TS Nguyễn Minh Phương (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) cho rằng: Cần xác định lại cả mục tiêu môn học, làm căn cứ cho đổi mới nội dung và cấu trúc chương trình, làm tiền đề cho việc đổi mới sách giáo khoa.

Biên soạn sách giáo khoa Địa lý theo mô hình mới

Một trong những định hướng chung xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới là phát triển năng lực người học. Định hướng na ỳ cần là một trong những điểm mới của mục tiêu giáo dục môn Địa lý trong nhà trường Việt Nam trong tương lai không xa.

Lựa chọn nội dung theo hướng các vấn đề hoặc chủ đề

Nói về nội dung sách giáo khoa Địa lý, PGS.TS Nguyễn Minh Phương cho rằng, quan điểm về việc lựa chọn các tri thức địa lý để đưa vào sách giáo khoa (SGK) cần chuyển từ dựa chủ yếu vào khoa học Địa lý sang hướng đáp ứng yêu cầu hình thành năng lực của người học, tạo điều kiện để học sinh có khả năng ứng phó với các tình huống trong cuộc sống.

"Các tri thức Địa lý được đưa vào SGK phổ thông phải tạo môi trường cho việc hình thành năng lực cốt lõi cũng như năng lực đặc trưng của môn học, tránh chỉ cung cấp kiến thức mang tính hàn lâm, phản ánh trung thành cấu trúc, logic của khoa học Địa lý" - PGS.TS Nguyễn Minh Phương.
Theo PGS.TS Nguyễn Minh Phương, trong phân môn Địa lý: Tự nhiên, kinh tế - xã hội chú ý việc đóng góp của môn Địa lý vào mục tiêu giáo dục của nhóm môn Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội, giúp học sinh nhận biết được thế giới xung quanh, hiểu, sử dụng và sống hòa hợp với thế giới đó.

Quan điểm này cho phép cấu trúc nội dung môn học theo các vấn đề đang được quan tâm mà không theo các cấu phần của khoa học Địa lý (từ đại cương đến khu vực). Trên cơ sở xác định những vấn đề liên quan nhiều đến khoa học Địa lý mà lựa chọn kiến thức địa lý phù hợp.

Ví dụ vấn đề nguồn nhân công lao động cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa; vấn đề an ninh lương thực trong điều kiện khí hậu đang biến đổi; vấn đề khai thác sông Hồng phục vụ phát triển công nghiệp, nông nghiệp...

Lưu ý việc hình thành và phát triển năng lực cho học sinh phải thông qua hoạt động hình thành và rèn kỹ năng, PGS.TS Nguyễn Minh Phương cho rằng, một trong những nguyên tắc của việc hình thành kỹ năng sống đó là nguyên tắc trải nghiệm. Theo đó, học sinh chỉ có kỹ năng khi các em tự làm việc đó, chứ không chỉ nói về việc đó.

Việc học sinh được hành động trong các tình huống đa dạng giúp các em dễ dàng sử dụng và điều chỉnh các kỹ năng phù hợp với điều kiện thực tế.

Vì vậy, để góp phần hình thành và phát triển các năng lực mà mục tiêu mới của môn Địa lý đặt ra, cần tạo điều kiện cho học sinh trải nghiệm.

"Với chức năng phát triển các kỹ năng và phương pháp của SGK, nhất thiết SGK phải thiết kế các tình huống và gợi ý học sinh thực hiện các hoạt động sao cho học sinh có cơ hội thể hiện ý tưởng cá nhân, tự trải nghiệm và biết vận dụng tri thức địa lý để giải quyết những vấn đề gặp phải trong cuộc sống.

Mục tiêu hình thành năng lực của môn Địa lý đòi hỏi sự lựa chọn nội dung môn học theo hướng các vấn đề hoặc chủ đề. Để giải quyết chúng, cần sự liên kết các tri thức của các cấu phần địa lý và đôi khi cả những kiến thức vượt ra ngoài khuôn khổ của nội dung môn học truyền thống" - PGS.TS Nguyễn Minh Phương nêu quan điểm.

"Để biên soạn được SGK mới theo cách tiếp cận trên, cần có Chương trình môn học mới được thiết kế theo quan điểm định hướng đầu ra, hướng tới việc hình thành năng lực học sinh" -PGS.TS Nguyễn Minh Phương.
Thay đổi cách trình bày SGK

Cũng nhằm thực hiện mục tiêu hình thành năng lực, cách trìn bày SGK, theo PGS.TS Nguyễn Minh Phương, cần thay đổi. Kênh hình, kênh chữ không còn được sử dụng để mô tả, giúp học sinh có được những khái niệm, thuật ngữ, những mối liên hệ nhân quả, những quy luật tự nhiên, kinh tế - xã hội như trong SGK hiện hành, mà trước hết để thể hiện các tình huống, các vấn đề cùng các yêu cầu sử dụng tri thức để giải quyết các tình huống vấn đề đó.

Như vậy, các tri thức địa lý đến với học sinh trước hết từ đòi hỏi cần có, cần biết, cần hiểu bản chất của chúng, vận dụng chúng nhằm giải quyết các tình huống, các vấn đề nào đó của thực tiễn cuộc sống, có liên quan tới khoa học Địa lý, được đưa vào trong sách.

Mặt khác, khi vận dụng được chúng trong các tình huống cụ thể, học sinh càng hiểu sâu sắc bản chất, ý nghĩa của tri thức và chắc chắn sẽ hứng thú khi tiếp cận chúng và ghi nhớ chúng được bền lâu.

Những gợi ý quan trọng

Với tiền đề là mục tiêu mới của môn Địa lý hướng vào sự phát triển năng lực học sinh và các chức năng của SGK được đề cập như trên, PGS.TS Nguyễn Minh Phương đề nghị tác giả SGK Địa lý nên quan tâm đến một số điểm sau:

Thứ nhất: Biên soạn SGK Địa lý theo mô hình mới nhằm tăng cường hoạt động học chủ động, tích cực, tự học cho học sinh với cấu trúc 3 hoạt động: Cơ bản (tạo hứng thú, trải nghiệm, phân tích - sáng tạo - rút ra bài học); thực hành (kết hợp lý thuyết và thực hành); ứng dụng (áp dụng kiến thức, kỹ năng vào tình huống thực tiễn).

Với mô hình này, chắc chắn phải thường xuyên đưa học sinh vào các tình huống thực tiễn để từ đó có được kiến thức, kỹ năng cần đạt; đồng thời, sách phải tạo cơ hội để học sinh vận dụng chúng ngay sau mỗi bài. Mô hình SGK mới này có thể đảm bảo góp phần thực hiện mục tiêu phát triển năng lực ở học sinh của môn Địa lý.

Thứ 2: Lựa chọn nội dung tri thức địa lý theo yêu cầu hình thành và phát triển các năng lực cốt lõi và năng lực đặc trưng của môn học. Không nhất thiết phải sắp xếp các bài học tuần tự theo cấu thành của các phân môn Địa lý mà cần cấu trúc nội dung tri thức địa lý thành các chủ đề, vấn đề. Và, để giải quyết chúng cần đến những trí thức địa lý nào đó mà tác giả sách cần lựa chọn được.

Thứ 3: Tăng sự chú ý vào phương pháp làm việc của học sinh qua giới thiệu cách học Địa lý (phương pháp, kỹ thuật) ngay ở đầu sách và cụ thể hóa trong các bài học, thực hành vận dụng phương pháp, kỹ thuật làm việc trong suốt quá trình học.

Thứ 4: Trình bày sách theo từng chương/phần với trang mở đầu hấp dẫn, chọn hình nền và ảnh thể hiện ý tưởng chính của sách và chương/phần đó. Không vần quá nhiều hình ảnh, dễ gây rối. Có thể sử dụng tranh biếm họa, dí dỏm, mang tính giáo dục.

Thứ 5: Trình bày nội dung từng chương/phần thành các vấn đề hoặc chủ đề, tạo điều kiện cho học sinh, giáo viên có cơ hội linh hoạt giải quyết trong khung thời gian cho phép, đỡ bị xơ cứng, ngắt quãng.

Thứ 6: Kết hợp hài hòa giữa kênh chữ và kênh hình (sơ đồ, biểu đồ, lược đồ, bản đồ, ảnh...). Nhìn chung, tỷ lệ kênh chữ so với kênh hình của SGK các lớp trên càng tăng. Tuy nhiên, tùy nội dung, có thể có một số trang tỷ lệ kênh hình là lớn hơn.

Thứ 7: Câu hỏi cuối các nội dung gợi ý, hướng dẫn học sinh sử dụng thông tin trong bài để giải quyết vấn đề và nhận biết kiến thức/vấn đề cũng như rèn cách làm việc với thông tin địa lý, rèn cách giải quyết vấn đề của thực tiễn, tránh chỉ mang tính ôn lại kiến thức, rèn kỹ năng địa lý đơn thuần. Tùy mục đích và nội dung từng bài có thể đưa vào câu hỏi giữa bài để giúp học sinh biết cách xử lý thông tin, tìm tiếp nguồn tư liệu hay đưa ra nhận xét cá nhân.

Thứ 8: Các bài thực hành nên chuyển dưới hình thức thực hiện dự án nghiên cứu, tìm hiểu thực tiễn vừa kết hợp việc tổng hợp, củng cố kiến thức với vận dụng kỹ năng học tập, rèn phương pháp và kỹ thuật làm việc đa dạng, rèn cách giải quyết vấn đề trong thực tiễn.

Thứ 9: Cuối mỗi chương/phần nên có hệ thống câu hỏi, bài tập mang tính tổng kết và cung cấp thêm nguồn tư liệu (sách tham khảo, trang web).

Thứ 10: Cuối SGK có bảng thuật ngữ xếp theo thứ tự bảng chữ cái Latinh.

Thứ 11: Cung cấp nguồn tư liệu để đảm bảo bản quyền các tài liệu trích dẫn.

Các nước thường coi trọng vai trò của môn Địa lý trong việc phát triển ở học sinh khả năng cảm nhận, sáng tạo trong học Địa lý; vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học vào cuộc sống (chương trình Địa lý của LB Nga); 

Hình thành tư cách công dân trong thời đại của khoa học kỹ thuật, của toàn cầu hóa, chú ý đến hình thành các phẩm chất văn hóa - nhân văn, tới khả năng nhận thức có phê phán, không xuôi chiều (chương trình Pháp, Singapo); 

Khám phá và tìm hiểu các kiến thức địa lý cơ bản để ứng phó với các tình huống trong xã hội, tìm hiểu về địa lý Tổ quốc, phát huy ý thức công dân, phát huy năng lực tư duy (chương trình Hàn Quốc)...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.