Để trở thành bình thường...

GD&TĐ - Miễn nhiệm, từ chức không phải là vấn đề mới mà đã được đề cập từ lâu.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Tuy nhiên trên thực tế, việc này chưa được thực hiện tốt như chủ trương đã đề ra. Có rất ít trường hợp tự nguyện từ chức khi không hoàn thành nhiệm vụ hoặc tự xét thấy năng lực, trình độ, đạo đức không đủ, không đáp ứng yêu cầu công việc.

Thế nên, khi Bộ Chính trị ban hành Quy định 41-QĐ/TW thay thế Quy định số 260 ngày 2/10/2009, nhiều ý kiến cho rằng, đây là việc cần thiết, kịp thời, góp phần sàng lọc, thay thế các cán bộ làm việc kém hiệu quả, yếu về năng lực, trách nhiệm, đạo đức mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm hay hết tuổi công tác. Đặc biệt, qua đó từng bước xây dựng, hình thành văn hóa từ chức.

Thực tế, qua hơn 10 năm thực hiện Quy định 260 đã xuất hiện nhiều điểm không còn phù hợp với thực tiễn, chưa cập nhật đầy đủ chủ trương, quy định mới của Đảng về công tác cán bộ theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII. Nhiều vấn đề chưa bảo đảm đồng bộ, liên thông, thống nhất giữa quy định của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Vẫn còn tình trạng cán bộ yếu kém, không đủ năng lực, uy tín nhưng vẫn giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong nhiều lĩnh vực, ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, khi xem xét, đánh giá kết quả hơn 20 năm thực hiện Nghị quyết về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước tại Hội nghị lần thứ 7 Khóa XII, Ban Chấp hành Trung ương cũng đã nhận định rằng, nhìn tổng thể, đội ngũ cán bộ đông nhưng chưa mạnh.

Năng lực của đội ngũ cán bộ chưa đồng đều, có mặt còn hạn chế, yếu kém; nhiều cán bộ, trong đó có cả cán bộ cấp cao thiếu tính chuyên nghiệp, làm việc không đúng chuyên môn, sở trường.

Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp chiến lược, thiếu gương mẫu, uy tín thấp, năng lực, phẩm chất chưa ngang tầm nhiệm vụ, quan liêu, xa dân, cá nhân chủ nghĩa, vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm…

Vậy nên, những điểm mới trong Quy định 41 như khái niệm miễn nhiệm, từ chức được bổ sung đầy đủ, rõ ràng hơn; không cho cán bộ từ chức nếu phải miễn nhiệm; quy trình miễn nhiệm, từ chức cũng được quy định thống nhất, cụ thể hơn... sẽ là căn cứ quan trọng để việc thực hiện miễn nhiệm, từ chức trở thành “bình thường” hơn theo đúng nguyên tắc “có lên có xuống, có vào, có ra”.

Ngoài ra, với việc siết chặt quy trình công tác cán bộ, đổi mới việc đánh giá theo hướng xuyên suốt, liên tục, đa chiều sẽ hình thành nên các tiêu chí cụ thể để xử lý các cán bộ mắc sai phạm đến mức phải kỷ luật, miễn nhiệm nhưng lại làm đơn từ chức nhằm giảm bớt khuyết điểm.

Vậy nên, đã đến lúc việc miễn nhiệm, từ chức cần được nhìn nhận một cách “thông thoáng”, nhân văn hơn. Đó là khi cán bộ nhận thấy không đủ năng lực hoặc năng lực hạn chế thì sẽ chủ động xin miễn nhiệm, từ chức mà không phải chịu “tiếng chì, tiếng bấc”.

Hoặc khi cán bộ nhận thấy khuyết điểm, chủ động, tích cực sửa chữa khuyết điểm và có những cống hiến vươn lên cũng cần được ghi nhận một cách xứng đáng, tránh tình trạng sai nhưng tìm mọi cách bao biện, thậm chí chạy chọt, kéo bè phái để “giữ ghế”.

Và để việc miễn nhiệm, từ chức trở thành nền nếp văn hóa ứng xử của cán bộ và trở thành việc bình thường trong công tác cán bộ, ngoài những căn cứ đã nêu trong Quy định 41, điều quan trọng là mỗi người cán bộ phải nhận thức sâu sắc về đạo đức cách mạng, về trách nhiệm nêu gương để dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám từ chức vì lợi ích chung, đồng thời thẳng thắn trong đánh giá, nhìn nhận bản thân để không ngừng phấn đấu, nỗ lực tự rèn luyện nâng cao năng lực và uy tín.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ