Có thể nói từ khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (luật 34) có hiệu lực (1/7/2019) thì đây là lần đầu tiên một chủ tịch Hội đồng trường (HĐT) có đơn từ chức gửi cho Hội đồng trường. Vậy, quy trình, thủ tục để giải quyết Đơn từ chức của Chủ tịch HĐT một trường đại học công lập như thế nào?
Quy trình giải quyết thôi chức chủ tịch HĐT
Trao đổi với GD&ĐT về thủ tục để giải quyết đơn từ chức của Chủ tịch HĐT, Tiến sĩ - luật sư Nguyễn Thị Kim Phụng (Giám đốc Công ty Luật TNHH Kim Phụng và Cộng sự, nguyên Vụ trưởng Vụ GDĐH - Bộ GD&ĐT) cho rằng luật không quy định từng trường hợp. Từ các quy định có tính nguyên tắc, chúng ta có thể suy ra.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng, việc giải quyết thôi giữ chức vụ quản lý theo quy định của Luật Giáo dục đại học, Luật Viên chức và Nghị định số 115/2020/NĐ-CP, cụ thể như sau:
- Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận đơn, đơn vị tham mưu về tổ chức cán bộ hoặc Phó chủ tịch HĐT phải trao đổi với Chủ tịch HĐT về việc xin thôi giữ chức vụ; nếu Chủ tịch HĐT rút đơn thì dừng việc xem xét.
- Nếu Chủ tịch HĐT không rút đơn thì phải triệu tập cuộc họp tập thể lãnh đạo gồm: Ban thường vụ Đảng ủy hoặc cấp ủy (nơi không có ban thường vụ Đảng ủy), Chủ tịch HĐT, Phó chủ tịch HĐT (nếu có), hiệu trưởng, các phó hiệu trưởng để xem xét về việc Chủ tịch HĐT xin từ chức. Tập thể lãnh đạo biểu quyết hoặc bỏ phiếu và kết luận theo đa số; trường hợp tập thể lãnh đạo là số chẵn, có kết quả biểu quyết hoặc bỏ phiếu 50/50 thì kết luận theo ý kiến của bên có người chủ trì và gửi kết luận sang HĐT để xem xét quyết định.
- Họp HĐT để thảo luận, tham khảo ý kiến của tập thể lãnh đạo để biểu quyết và ra Nghị quyết về việc cho/không cho Chủ tịch HĐT thôi giữ chức vụ.
- Nếu cho Chủ tịch HĐT thôi giữ chức vụ thì lập Hồ sơ gửi Cơ quan quản lý trực tiếp ra quyết định công nhận việc cho Chủ tịch HĐT thôi giữ chức vụ. Hồ sơ xin công nhận việc cho Chủ tịch HĐT thôi giữ chức vụ bao gồm: Tờ trình của Hội đồng trường; Các văn bản có liên quan: Quyết định công nhận Chủ tịch HĐT; Đơn từ chức của Chủ tịch HĐT; văn bản kết luận của tập thể lãnh đạo, nghị quyết của HĐT; Biên bản họp và biên bản kiểm phiếu của tập thể lãnh đạo; Biên bản họp và biên bản kiểm phiếu của HĐT và các tài liệu khác có liên quan, nếu có.
- Đồng thời, cơ sở GDĐH xin cơ quan quản lý trực tiếp chủ trương cho bầu Chủ tịch HĐT mới; giao cho Phó chủ tịch hoặc Thư ký HĐT chỉ đạo các công việc của HĐT sau khi Chủ tịch HĐT được công nhận cho thôi giữ chức vụ cho đến khi bầu được Chủ tịch HĐT mới.
- Trước khi cơ quan quản lý trực tiếp ra quyết định công nhận việc cho Chủ tịch HĐT thôi giữ chức vụ thì Chủ tịch HĐT vẫn phải tiếp tục thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
- Chủ tịch HĐT không được thôi giữ chức vụ trong trường hợp đang trong thời gian chịu sự thanh tra, kiểm tra, điều tra của cơ quan chức năng có thẩm quyền theo quy định của Đảng và pháp luật.
Bầu Chủ tịch HĐT mới
Việc bầu Chủ tịch HĐT mới, Tiến sĩ - luật sư Nguyễn Thị Kim Phụng cho rằng theo quy định của Luật GDĐH trong trường hợp HĐT và Cơ quan quản lý trực tiếp cho Chủ tịch HĐT thôi giữ chức vụ.
Cụ thể, trước đây Chủ tịch HĐT được bầu vào HĐT đại diện cho thành phần nào thì bầu bổ sung 1 người thuộc thành phần đó để thay thế.
Trên cơ sở chủ trương bầu HĐT mới được cơ quan quản lý trực tiếp cho ý kiến, Phó chủ tịch (nếu có), hoặc Thư ký HĐT (nếu không có Phó chủ tịch) tổ chức họp HĐT để bầu Chủ tịch HĐT mới và gửi hồ sơ đề nghị cơ quan quản lý trực tiếp ra quyết định công nhận.
Đồng thời, cơ quan quản lý trực tiếp ra quyết định công nhận Chủ tịch HĐT (mới) trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ HĐT hiện tại.
HCMUTE là một trong số 23 cơ sở GDĐH hoạt động theo mô hình thí điểm tự chủ ĐH theo nghị quyết 77 của Chính phủ và đã có những thành công nổi bật, đặc biệt là những đổi mới trong quản trị ĐH, đổi mới trong phát triển chương trình đào tạo, NCKH, hợp tác quốc tế, sáng tạo khởi nghiệp…
Tuy nhiên, từ khi có HĐT (tháng 12/2020) đến nay trường chưa thể kiện toàn chức vụ Hiệu trưởng do còn một số vướng mắc.