Đề thi thử nghiệm Lịch sử tạo tâm lý thoải mái cho HS, tránh học tủ

GD&TĐ - Đó là nhận định của nhóm giáo viên dạy Lịch sử Trường THPT Yên Dũng số 3 (Bắc Giang) sau khi nghiên cứu đề thi thử nghiệm môn Lịch sử Bộ GD&ĐT mới công bố.

Đề thi thử nghiệm Lịch sử tạo tâm lý thoải mái cho HS, tránh học tủ

Tránh được cách học máy móc, phải nhớ nhiều sự kiện

Đề thi thử nghiệm môn Lịch sử kỳ thi THPT quốc gia 2017 theo cách nhìn nhận của các thầy cô giáo dạy Lịch sử Trường THPT Yên Dũng số 3 tạo tâm lý “thoải mái” “tránh học tủ”cho nhiều học sinh khi lựa chọn tổ hợp môn khoa học xã hội là môn thi xét tốt nghiệp. Việc dạy và học không thay đổi nhiều sau khi Bộ GD&ĐT công bố phương án thi và đề thi thử nghiệm.

Riêng đề thi thử nghiệm Bộ GD&ĐT công bố ngày 20/1/2017 gồm 40 câu. Phần câu hỏi kiến thức trải rộng trong chương trình Lịch sử 12 trong 13 chủ đề. Đề thi bao quát được toàn bộ hệ thống kiến thức, mức độ phân hóa được thể hiện rõ nét.

Với đề thi như trên thực sự tạo tâm thế thoải mái cho học sinh và các thầy cô giáo tiếp tục học tập và nghiên cứu do đã tránh được cách học máy móc, phải nhớ nhiều sự kiện, ngày tháng, nhân vật lịch sử đây chính là điểm yếu mà trước đây học sinh rất sợ khi phải học và thi môn Lịch sử.

Phân tích đề thi minh họa nhận thấy, đề thi bám sát chuẩn kiến thức, kĩ năng của môn Lịch sử. Bên cạnh phần kiến thức phải bám chuẩn kiến thức, kĩ năng học sinh phải chú trọng đến việc rèn luyện các kĩ năng đặc thù của bộ môn như khả năng phán đoán, phân tích, tư duy và rút ra bài học áp dụng trong thực tiễn…

Khi nghiên cứu đề thử nghiệm của Bộ GD&ĐT công bố vào ngày 20/1/2017, các thầy cô giảng dạy môn Lịch sử Trường THPT Yên Dũng số 3 đã thấy rõ cấu trúc đề thi, xây dựng kế hoạch giảng dạy cho kì thi THPT quốc gia sát với cấu trúc, bám chuẩn kiến thức kĩ năng, đồng thời phân hóa rõ đối tượng học sinh trong giảng dạy.

Ngoài những câu hỏi về kiến thức phổ thông, trong chương trình học Lịch Sử 12 thì vẫn có một số câu hỏi yêu cầu học sinh phải biết vận dụng những kiến thức đã học để giải quyết những vấn đề gắn thực tiễn, thời sự mang tính cập nhật liên quan đế các vấn đề chính trị -xã hội, rút ra bài nhằm ứng dụng vào cuộc sống và trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Yêu cầu học sinh phải nắm chắc nội dung kiến thức

Đề thi đảm bảo tính vừa sức của học sinh và có tính phân hóa rõ ràng theo các mức độ nhận thức, phù hợp với các đối tượng học sinh khác nhau và phù hợp với các mục tiêu khác nhau (chỉ xét tốt nghiệp hoặc chỉ thi đại học hoặc cả xét tốt nghiệp và thi đại học).

Đưa ra nhận định này, các thầy cô dạy Lịch sử của Trường THPT Yên Dũng số 3 lưu ý, đối với học sinh có học lực từ trung bình khá, chỉ cần nắm vững kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa và một số kĩ năng thực hành thì mức điểm 5-6 có thể đạt được là không quá khó khăn.

Còn đối với những học sinh có học lực khá giỏi muốn đạt điểm cao hơn để xét tuyển đại học thì bên cạnh việc nắm vững kiến thức, kĩ năng cơ bản, các em cần phải bổ sung kiến thức xã hội, biết vận dụng linh hoạt những kiến thức đã học để đưa ra nhận định, rút ra bài học.

Đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT yêu cầu học sinh phải học tập nghiêm túc, tránh học tủ và quan trọng là phải nắm chắc nội dung kiên thức,,thấu hiểu các vấn đề lịch sử được đề cập trong mỗi chủ đề.

Về cơ bản, hình thức thi tự luận hay trắc nghiệm khách quan (TNKQ) chỉ khác về hình thức chứ không khác về nội dung, mỗi ý đúng trong câu hỏi hoặc bài tập tự luận sẽ là phương án đúng trong câu TNKQ.

Tuy nhiên khi học sinh ôn tập nhằm hướng tới kì thi THPT quốc gia môn Lịch sử cũng cần có cách nhìn nhận chính xác hơn đối với môn học này, đề thi thử nghiệm cho thấy học sinh không cần nhớ máy móc các sự kiện,nhân vật.

Đây sẽ là điểm mới, giảm áp lực trong học và thi môn Lịch sử, tuy nhiên học sinh phải hiểu rõ nội dung, bản chất của nội dung đã học trong từng chủ đề, xóa bỏ tư tưởng “học tủ” và cần quan tâm tới các vấn đề xã hội.

Cũng cần nhấn mạnh rằng, muốn có điểm cao trong kì thi THPT quốc gia, mỗi học sinh cần trang bị cho mình một hành trang tri thức vững vàng, một tâm thế thoải mái, niềm tin vào chính khả của bản thân mình.

Dù thi theo hình thức nào thì học sinh vẫn cần phải nắm vững và sử dụng cùng một kiến thức, kĩ năng theo chuẩn kiến thức, kĩ năng trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, thể hiện trong sách giáo khoa để trả lời câu hỏi. Do đó, việc dạy và học vẫn không có sự thay đổi nhiều so với trước đây.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ