Thay đổi nhận thức về dạy và học
Theo PGS.TS Ngô Văn Hà, nguyên nhân của vấn đề trên bao gồm cả khách quan lẫn chủ quan. Về khách quan, môn học lịch sử vẫn bị coi là “môn học phụ” trong các môn học của hệ thống giáo dục Việt Nam.
Nhiều người, kể cả người có vị trí trong xã hội, hiểu không đúng về môn khoa học này, coi đây là môn học không cần tư duy nhiều, mà chỉ là kiến thức học thuộc, thách đố trí nhớ. Những người làm việc trong lĩnh vực khoa học lịch sử rất vất vả, phải có thời gian để khẳng định chuyên môn, có tên tuổi thì mới kiếm được tiền, sống được bằng nghề.
Học lịch sử lại rất khó xin việc làm, có việc làm rồi thu nhập lại thấp, nên ngành lịch sử thường không thu hút được người giỏi, nên những năm gần đây việc tuyển sinh cũng rất khó khăn. Về chủ quan, nội dung học môn lịch sử ở bậc đại học, về cơ bản tiếp cận được những thành tựu nghiên cứu mới, nhưng vẫn còn hiện tượng lặp lại ở cấp dưới, nặng về sự kiện.
Về phía người dạy, nói chung các thầy cô giáo giảng dạy môn khoa học lịch sử đều rất cố gắng, vì làm nghề giáo viên, ai chẳng muốn mình dạy giỏi, nhưng người giỏi về khoa học lịch sử và dạy giỏi thì không nhiều.
Chia sẻ về những kinh nghiệm giảng dạy môn khoa học lịch sử, PGS.TS Ngô Văn Hà bày tỏ: Để có một bài giảng hiệu quả, giảng viên cần tự chuẩn bị tốt bài giảng theo hướng giảng dạy tích cực, khơi dậy tư duy sáng tạo của người học.
Việc chuẩn bị bài giảng kỹ càng, chu đáo, có nội dung sâu sắc là điều kiện tiên quyết cho giảng dạy tốt. Đây không phải là vấn đề mới, được nói đến từ lâu, nhưng trong thực tế không phải ai cũng làm tốt.
Hiện nay, trên mạng Internet có đủ các loại bài giảng, nếu giảng viên không có tinh thần trách nhiệm cao, chỉ cần động tác đơn giản là đã có bài giảng nộp theo yêu cầu của bộ môn. Vì vậy, người giảng viên phải tự chuẩn bị bài giảng để “tiêu hóa”, nhuần nhuyễn kiến thức.
Bài giảng môn lịch sử cần phù hợp với từng đối tượng để phát huy được tính sáng tạo của người học, có đối tượng cần chi tiết. Cụ thể, có đối tượng cần khái quát, nêu vấn đề nghiên cứu. Ví dụ: nội dung môn Nhà nước và pháp luật Việt Nam trong lịch sử có hai đối tượng học là cử nhân luật và cao học lịch sử.
Cùng một môn học, nhưng yêu cầu về kiến thức và cấp độ nhận thức khác nhau thì bài giảng cũng phải được chuẩn bị cho phù hợp với từng đối tượng. Học viên cao học chuyên ngành, thì bài giảng không chỉ đơn thuần là có kiến thức môn học, mà phải hệ thống kiến thức, khái quát lên thành những luận điểm, hệ luận, nâng cấp bài giảng lên một tầm tư duy mới, vì vậy, từ kết cấu đến nội dung thể hiện cũng phải điều chỉnh cho phù hợp.
Nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên
PGS.TS Ngô Văn Hà chia sẻ: Nội dung bài giảng tiếp cận được kết quả nghiên cứu mới và có cách nhìn đa chiều, tạo cơ sở cho phương pháp giảng dạy đặt tình huống, nêu vấn đề cho sinh viên thảo luận. Bài giảng trình bày có hệ thống tiến trình lịch sử, các sự kiện lịch sử, các nhân vật tiêu biểu vừa chú trọng tư duy logic, khái quát, chú trọng tổng kết lịch sử.
Bài giảng phải kết nối được tính liên thông giữa các cấp học, bậc học, giữa kiến thức lịch sử ở cấp dưới với kiến thức ở bậc đại học, đảm bảo tính khoa học, tính hệ thống, nhằm tạo sự liên thông giữa các trình độ đào tạo. Hai phương pháp chủ đạo trong nghiên cứu và giảng dạy lịch sử là phương pháp logic và phương pháp lịch sử; nhưng trong thực tế phương pháp phân tích, so sánh, tổng hợp là rất quan trọng, làm cho bài giảng sống động, lôi cuốn.
Kết hợp tốt các phương pháp nói trên dù bàn về một vấn đề có thể coi là cũ, nhưng người dạy và người học vẫn có thể tìm thấy cái mới, bổ ích. Bàn về vấn đề cũ nhưng tìm ra yếu tố mới, phát hiện ra những điều mới mẻ là rất cần thiết trong giảng dạy và nghiên cứu lịch sử.
PGS.TS Ngô Văn Hà cho hay: Chương trình môn học có nhiều nội dung, kiến thức rộng lớn, trong khi đó thời gian lên lớp có giới hạn nên không thể dạy dàn trải đồng đều, mà chọn nội dung tiêu biểu phân tích, hướng dẫn cho sinh viên tư duy tiếp cận vấn đề, phương pháp phân tích chuyên sâu những vấn đề khác.
Như vậy, việc giảng dạy ở đại học chủ yếu là dạy về phương pháp tư duy, phương pháp tiếp cận vấn đề, để khơi dậy sự tìm tòi sáng tạo, đam mê của người học.
Lịch sử không lặp lại, nhưng những sự kiện tương tự sẽ lặp lại, nên những nội dung của bài giảng cần được liên hệ với thực tiễn để tăng thêm giá trị của bài giảng, làm cho khoa học lịch sử có sức sống, sinh động hơn.
Làm tốt được vấn đề này, đòi hỏi người giảng viên phải có sự trải nghiệm, luôn cập nhật kiến thức theo hơi thở của cuộc sống. Theo đó, thông qua các phương tiện hiện đại, bài giảng sẽ được minh họa bằng âm thanh trung thực, hình ảnh sinh động; phác họa nội dung thành các cây kiến thức, các mô hình sinh động, giúp cho sinh viên nhớ lâu, hình thành tư duy logic.
“Giảng dạy tốt các môn khoa học lịch sử cần sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa nội dung và phương pháp giảng dạy. Ở đây có sự tác dụng tương hỗ, bổ trợ lẫn nhau. Trong thực tế, có những giảng viên được đánh giá là vững vàng, chuyên sâu về kiến thức, nhưng khi giảng bài thì không thuyết phục, sinh viên nghe giảng trong trạng thái buồn ngủ.
Ngược lại, giảng viên kiến thức không sâu, nhưng lợi khẩu, nói năng lưu loát, nói lan man sang vấn đề khác, nhưng thực chất nội dung bài giảng lại mờ nhạt. Một buổi giảng dạy thành công phải chuyển tải được dung lượng kiến thức chuyên sâu, bổ ích và phương pháp giảng dạy sinh động, tạo ấn tượng, lôi cuốn được người nghe. Sau buổi học, sinh viên cảm nhận được ý nghĩa, giá trị của nó, vượt qua định kiến không đúng về môn học, từ đó yêu thích, đam mê khoa học lịch sử”, PGS.TS Ngô Văn Hà nhấn mạnh.