Nhà giáo cần được bảo vệ, trân trọng
Cô Phạm Thị Nhiễu, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học An Hòa (Kim Sơn, Ninh Bình) cho rằng Luật Nhà giáo cần sớm xây dựng, ban hành để hành trình giáo dục của mỗi nhà giáo được thấu hiểu, bảo vệ và trân trọng trong xã hội.
Minh chứng cho sự cần thiết, theo cô Nhiễu, thời gian qua khi có vấn đề liên quan đến ngành giáo dục, giáo viên (dù chưa tích cực, hoặc chưa được hiểu đúng) đều được đẩy lên mạng xã hội thì cộng đồng mạng vào bàn tán, “ném đá”, bày tỏ quan điểm trên tinh thần không xây dựng.
Thậm chí nhiều người không hiểu biết cũng đưa ra những phán xét, quả quyết, nhục mạ… khiến nhiều người bị kích động, dẫn dắt tâm lý, góc nhìn. Bản thân ngành giáo dục và nhà giáo bị ảnh hưởng uy tín, hình ảnh, tổn thương, chạnh lòng trong khi đa số đã, đang và vẫn cống hiến cho sự nghiệp và xã hội.
Khi Luật Nhà giáo được xây dựng chắc chắn sẽ quy định rõ về quyền và nghĩa vụ phải làm của nhà giáo. Nên đứng trước một vấn đề cần điều chỉnh thì xã hội, nhà giáo sẽ có “chuẩn” để soi chiếu. Nếu nhà giáo làm sai có luật điều chỉnh, xử lý, nhắc nhở. Ngược lại khi đúng, nhà giáo sẽ được bảo vệ bởi luật; công chúng đánh giá phải dựa trên Luật, và chịu trách nhiệm về hành vi, lời nói của mình trước vấn đề Nhà giáo.
Đặc biệt, với một số ít nhà giáo tự cho mình quyền hành động, cử chỉ, việc làm, thái độ… thiếu tích cực với học trò cũng phải chịu sự điều chỉnh, xử lý của Luật Nhà giáo; Tự soi vào luật để kiềm chế, răn đe, chỉnh đốn bản thân, biết cách ứng xử phù hợp, đúng đắn với học trò, đồng nghiệp với nghề giáo.
Cô Phạm Thị Nhiễu khẳng định, nghề giáo mang đặc thù rõ nét, do đó cần có cơ chế đặc thù trong việc xử lý tình huống, sự việc được quy định trong Luật Nhà giáo khi xây dựng, ban hành.
Luật Nhà giáo cần đề cập được tính đặc thù của nghề giáo. Ảnh: Đức Trí |
Nếu những hành vi, lời nói (có thể chưa dẫn tới tổn hại về thể chất) đối với giáo nhưng nếu không được đưa ra xử lý theo quy chuẩn, quy định chung thì không chỉ triệt tiêu nhiệt huyết giáo viên trong quá trình dạy học mà tinh thần, sự yên tâm tin tưởng nghề cũng bị giảm sút. Từ đó động lực để giáo dục, rèn giũa học trò trên mọi mặt (tư tưởng, đạo đức, lối sống, văn hóa, kiến thức) sẽ dần giảm sút.
“Có Luật Nhà giáo thì đội ngũ giáo viên sẽ được bảo vệ bằng những quy định cụ thể của pháp luật. Tránh được đối xử tiêu cực, thiếu tôn trọng, vi phạm pháp luật từ phụ huynh, học sinh, xã hội. Và quan trọng hơn nhà giáo sẽ có Luật để tham chiếu, điều chỉnh suy nghĩ, hành vi chính mình từ đó nâng cao năng lực, đạo đức, cống hiến hết mình cho nghề nghiệp…”, cô Nhiễu khẳng định.
Luật Nhà giáo cần có yếu tố đặc thù
Thầy Nguyễn Đức Long, nguyên giáo viên Trường THPT Ngô Thì Nhậm (Hà Nội) cho rằng, những chuyển biến kinh tế, xã hội, chính trị đặc biệt là công nghệ 4.0 đang tác động mạnh mẽ đến ngành Giáo dục và đội ngũ nhà giáo.
Với nhà giáo nhạy bén, tiếp cận linh hoạt đã không ngừng vươn lên, tự học tập nghiên cứu để nâng cao trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu của dạy học trong đổi mới giáo dục. Song ngược lại, một bộ phận nhà giáo chưa bằng lòng với thực tế cuộc sống nhà giáo đã bỏ ngành, chuyển đổi công việc; thậm chí nhiều cá nhân thiếu đổi mới, sáng tạo nên không thích nghi được với nghề, thấy áp lực nhiều hơn động lực… đã bỏ nghề nên dẫn tới tình trạng thiếu giáo viên.
Luật Nhà giáo góp phần nâng cao vị thế người thầy. Ảnh: Đức Trí |
Thầy Long bày tỏ mong muốn với những yếu tố tác động mạnh mẽ từ thực tiễn xã hội, đời sống mang đến hiện nay cho đội ngũ nhà giáo cần sớm ban hành Luật Nhà giáo để vị thế người thầy được nâng lên tầm cao mới. Không thể xem và soi chiếu công việc đặc thù của nhà giáo như những công chức, viên chức các ngành nghề khác theo Luật viên chức.
Đặc biệt, quá trình xây dựng Luật nhà giáo cần định nghĩa, làm rõ làm rõ đặc điểm, tính chất lao động của nhà giáo, các vấn đề về tiền lương; phạm trù được và không được trong quá trình giáo dục học sinh; quy định rõ sự đầu tư về cơ sở vật chất cho quá trình dạy học; bán trú của thầy và trò…
Cần đưa ra những chính sách mới để thu hút, phát triển đội ngũ; đãi ngộ nhà giáo có tài năng tâm huyết với trò với nghề; tôn vinh, khen thưởng kịp thời nhà giáo khi đạt được những thành quả, việc làm tốt để tiếp thêm động lực; cần chế độ đãi ngộ phù hợp với thực tế vùng miền, công việc hơn nữa với đội ngũ nhà giáo vùng khó...
“Xây dựng và ban hành Luật Nhà giáo với những điều mới mẻ, tích cực, phù hợp thực tế, thể hiện đúng đặc thù nghề giáo… cần thiết để Nhà giáo được tiếp thêm động lực, yên tâm cống hiến tận tâm cho nghề, cho trò…”, thầy Long trao đổi.