Cần luật hóa chính sách quản lý nhà giáo

GD&TĐ - Nhiều ý kiến đề xuất về chính sách trong Luật Nhà giáo (nếu ban hành) được các chuyên gia, nhà giáo đưa ra nhằm quản lý và phát triển đội ngũ nhà giáo ngoài công lập, người nước ngoài tham gia các hoạt động giáo dục tại Việt Nam.

Giờ học của cô trò Trường THCS-THPT Ban Mai, Hà Đông, Hà Nội.
Giờ học của cô trò Trường THCS-THPT Ban Mai, Hà Đông, Hà Nội.

Bảo đảm quyền lợi

Đề xuất nội dung đưa vào Luật Nhà giáo liên quan đến giáo dục mầm non ngoài công lập, bà Đinh Thị Kim Thoa, Chủ tịch Hiệp hội Giáo viên mầm non ngoài công lập Việt Nam, nhấn mạnh: Cần đưa vào Luật vai trò của các hiệp hội nghề nghiệp và quy định hoạt động cũng như sự phối kết hợp với các cơ quan quản lý giáo dục Nhà nước trong vận hành, bảo đảm chất lượng giáo dục. Triển khai chính sách miễn thuế cho đầu tư giáo dục - hiện chính sách này mới có trên văn bản, thực tế các công ty đầu tư giáo dục vẫn bị tính thuế 2% doanh thu.

Thêm đó, tinh giản thủ tục thành lập/thay đổi tên người đại diện/tên trường, trao quyền và trách nhiệm cho bộ máy quản lý cấp địa phương để linh hoạt, chủ động trong thực hiện. Ví dụ: Trường hợp thay đổi chủ đầu tư, chỉ cần đổi tên chủ đầu tư mà không cần làm giải thể và thành lập lại nếu các điều kiện khác (cơ sở vật chất, nhân sự...) vẫn giữ nguyên. Việc này sẽ giúp nâng cao chất lượng giáo dục khi việc chuyển nhượng/đổi chủ đầu tư linh hoạt, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài/nhà đầu tư lớn.

Bà Đinh Thị Kim Thoa cũng đề xuất cần linh hoạt trong việc đưa ra tiêu chuẩn cơ sở vật chất, giảm số lượng phòng ban yêu cầu trong việc thành lập các trường mầm non ngoài công lập. Trao quyền tự chủ hợp tác cho trường/hệ thống trường có đủ kinh nghiệm, nhân sự chuyên môn với các đơn vị có chức năng giáo dục trong và ngoài nước để phát triển chương trình giáo dục riêng (với điều kiện vẫn bảo đảm chương trình chính quy).

Có chế độ khen thưởng, đánh giá thi đua cho giáo viên mầm non ngoài công lập như giáo viên mầm non công lập để khích lệ tinh thần học hỏi, phát triển bản thân. Tạo điều kiện cho giáo viên mầm non ngoài công lập được tham gia tập huấn như giáo viên mầm non công lập…

Về vấn đề này, đại diện Sở GD&ĐT Thanh Hóa đề nghị có chính sách hỗ trợ lương hoặc bảo hiểm xã hội cho đội ngũ nhà giáo ngoài công lập. Tạo điều kiện để giáo viên ngoài công lập được học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Đại diện Sở GD&ĐT Quảng Ninh thì đề nghị quy định rõ các chính sách đối với nhà giáo làm việc tại các cơ sở giáo dục tư thục mầm non, phổ thông trên địa bàn tỉnh tương đương nhà giáo đang làm việc tại các cơ sở giáo dục công lập để đảm bảo sự công bằng. Cụ thể: Phụ cấp thâm niên cho người có ký hợp đồng lao động, tham gia đóng bảo hiểm xã hội và trực tiếp làm việc tại đơn vị ký hợp đồng và có thời gian công tác liên tục từ đủ 5 năm trở lên; chế độ đào tạo, bồi dưỡng, công tác phí; chế độ khuyến khích giáo viên giỏi đối với giáo viên cơ hữu đang trực tiếp giảng dạy.

Bà Nguyễn Kim Dung, Giám đốc Pháp chế và Hợp tác chính phủ, Trường ĐH Anh Quốc Việt Nam.
Bà Nguyễn Kim Dung, Giám đốc Pháp chế và Hợp tác chính phủ, Trường ĐH Anh Quốc Việt Nam.

Quan tâm tới chính sách

Trường ĐH Anh Quốc Việt Nam được vận hành theo mô hình tư thục có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, với đội ngũ giảng viên quốc tế 100%. Hiện, trường có 58 giảng viên người nước ngoài đến từ nhiều quốc gia; trong đó, có 26 tiến sĩ và 32 thạc sĩ. Từ thực tiễn hoạt động của nhà trường, Giám đốc Pháp chế và Hợp tác chính phủ, Trường ĐH Anh Quốc Việt Nam, bà Nguyễn Kim Dung chia sẻ một số vấn đề còn bất cập về chính sách. Trong đó có việc nhiều văn bản pháp luật như thông tư, nghị định được các bộ, ngành ban hành không đồng nhất dẫn tới việc thực thi không hiệu quả.

Điển hình, luật cho phép thành lập cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài nhưng lại chưa có chính sách đặc thù cho những cơ sở giáo dục này về việc mở ngành, điều kiện giáo viên phải đáp ứng. Chưa có sự liên kết để các quy định về giáo viên nước ngoài được chính sách đồng nhất, dẫn tới khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực GD-ĐT.

Tại Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 11/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, Thủ tướng nhấn mạnh, việc “sửa đổi các quy định nhằm khuyến khích chuyển dịch nhân lực hai chiều giữa khu vực công và tư; có cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí và tạo thuận lợi về thủ tục xuất/nhập cảnh, visa, giấy phép lao động... để thu hút nhân lực trình độ cao từ nước ngoài”. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Kim Dung, các chính sách hiện hành chưa đáp ứng được định hướng này.

Từ những hạn chế, bất cập, bà Nguyễn Kim Dung cho rằng, nếu Luật Nhà giáo được xây dựng cần bổ sung quy định về việc mở ngành đối với trường có vốn đầu tư nước ngoài; quy định về phê duyệt hiệu trưởng tại trường phổ thông có vốn đầu tư nước ngoài trong Nghị định 86/2018. Đồng thời, sửa đổi thủ tục miễn giấy phép lao động cho giảng viên nước ngoài quy định tại Nghị định 152/2019/NĐ-CP.

Cùng với đó, khi ban hành các chính sách về nhà giáo cần quy định rõ áp dụng cho giáo viên trong nước và cho giáo viên nước ngoài vì đặc thù hệ thống ngành nghề các nước khác nhau và điều kiện lao động tại Việt Nam cũng khác. Đồng thời, bỏ các quy định về cung cấp đủ hồ sơ như hợp đồng lao động, giấy phép lao động tại khâu xin cấp phép mở ngành mà thay thế bằng hậu kiểm hoặc báo cáo về điều kiện giảng viên trước kỳ học đầu tiên.

Nên bổ sung các quy định về trình độ bằng cấp của các trưởng khoa, trưởng phòng ban chuyên môn (như Phòng Quản lý đào tạo, Phòng Hợp tác quốc tế…) đã bị bãi bỏ theo Quyết định 70/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Luật cần có 1 điều khoản về việc giáo viên, giảng viên nước ngoài có quyền lợi và nghĩa vụ tham gia các hoạt động chuyên môn đào tạo và được quyền tham gia vào nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước.

Khi xây dựng Luật Nhà giáo, bà Nguyễn Kim Dung cũng đề cập đến việc cho phép cơ sở giáo dục đại học chi cho nghiên cứu khoa học sẽ được khấu trừ thuế phải nộp. Cũng cần 1 điều khoản cho phép các giảng viên có trình độ tiến sĩ và học hàm giáo sư vào Việt Nam giảng dạy dưới 1 năm sẽ không phải xin giấy phép lao động. Các cơ sở giáo dục phải chịu trách nhiệm báo cáo số lượng giảng viên được miễn giấy phép này tới sở GD&ĐT (sở sẽ báo cáo Bộ theo đúng chức năng). Quy định này sẽ giúp thu hút các giảng viên nước ngoài có trình độ cao vào làm việc tại Việt Nam, giảng dạy các học kỳ tại nhà trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hệ thống THAAD của Mỹ.

Kích hoạt vụ phóng Oreshnik mới

GD&TĐ - Theo Reuters, lực lượng tên lửa Nga có thể phóng tiếp tên lửa Oreshnik vào Ukraine, sau khi bị Kiev tập kích lãnh thổ bằng ATACMS.

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.