Để không hổ thẹn với ngòi bút!

GD&TĐ - Ở một đất nước chịu ảnh hưởng Nho giáo sâu sắc như nước ta, văn chương có vị trí quan trọng.

Minh họa/INT.
Minh họa/INT.

“Văn học là nhân học”, “Học văn là để học làm người”. Đó là hai câu trích dẫn kinh điển của nhiều giáo viên Văn, khiến học sinh và cả phụ huynh cũng thuộc lòng.

Ở một đất nước chịu ảnh hưởng Nho giáo sâu sắc như nước ta, văn chương có vị trí quan trọng. Việc thi cử xưa thể hiện rõ điều ấy. Các nho sĩ đỗ đạt phải là người làu thông kinh sử, ứng đối trôi chảy, giỏi thơ ca ngâm vịnh.

Qua nhiều lần đổi mới giáo dục, môn Ngữ văn vẫn luôn có vị trí quan trọng ở trường phổ thông. Các tác phẩm thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết từ cổ chí kim được chọn lọc đưa vào sách giáo khoa, tiếp cận với hàng triệu học sinh. Đi cùng đó là những bài giảng về giá trị nhân đạo, nhân văn của tác phẩm, tác giả. “Văn dĩ tải đạo” là thế.

Điểm qua vài nét để thấy rằng tiếng nói, vai trò của nhà văn trong xã hội vô cùng ý nghĩa. Đó là tiếng nói trí thức, có giá trị thúc đẩy tiến bộ xã hội.

Câu chuyện về nhà văn Lỗ Tấn của Trung Quốc là ví dụ tiêu biểu. Khi đang theo học nghề y, ông đột ngột chuyển sang viết văn, bởi ông quan niệm: Làm bác sĩ thì chỉ chữa bệnh cho một số người. Làm nhà văn thì chữa bệnh cho cả một dân tộc, thậm chí cả nhân loại.

Ở nước ta, nhiều nhà văn, nhà thơ được tôn vinh gắn với lịch sử chống ngoại xâm và dựng xây Tổ quốc. Họ là những nghệ sĩ trí thức, nhà văn hóa lớn.

Bước sang thế kỷ 21, văn hóa nghe nhìn phát triển đa dạng, vị trí xã hội của nhà văn và ảnh hưởng của tác phẩm văn học không còn mạnh mẽ như trước, nhưng văn chương vẫn là cái gốc vững bền. Đây là điều cần được khẳng định.

Nền văn học đương đại Việt Nam đang phát triển theo nhiều dòng, song dòng chủ lưu vẫn là phản ánh, phê phán những bất công, phi lý, vô đạo đức đang tồn tại trong xã hội, làm tha hóa con người. Vấn đề đạo đức là vấn đề trung tâm của văn chương Việt tính từ thời Đổi mới đến nay, thể hiện trách nhiệm công dân của người cầm bút.

Song, trong vòng xoay cuộc sống, dường như chúng ta chỉ đọc, chỉ nghe thấy tiếng nói phê phán về cái bên ngoài mà ít được đọc, được nghe, được thẩm thấu tiếng nói phê phán từ bên trong.

Nhiều dư luận không hay liên quan đến trình độ, đời tư, lối sống của một số hội viên Hội Nhà văn Việt Nam thời gian qua, trong đó có những người nổi tiếng, có chức sắc của làng văn nghệ phần nào làm xấu đi hình ảnh nhà văn. Tác phẩm của họ liệu có giá trị, có đủ sức thuyết phục bạn đọc, khi chính họ “nói một đằng làm một nẻo”?

“Sống đã rồi hãy viết”. Trích dẫn này gắn với nhà văn Nam Cao - người luôn trăn trở về cách sống và cách sáng tạo. Sống sao cho xứng đáng với danh xưng? Sống thế nào để khỏi hổ thẹn với những gì đã và sẽ viết ra? Yêu cầu này có bị lạc lõng, giáo điều hay không, khi càng ngày càng ít người cầm bút tự vấn chính mình, nêu gương về cách sống, cách sinh hoạt, về khát vọng lý tưởng cống hiến cho xã hội?

Tài năng, tác phẩm, danh xưng rất giá trị. Nhưng trước hết phải là phẩm giá.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giá lúa ở ĐBSCL những ngày giáp Tết giảm, khiến nông dân lo lắng. (Ảnh: Q.A)

Để nông dân trồng lúa có Tết

GD&TĐ - Nông dân các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang thu hoạch lúa Đông Xuân, nhưng giá lúa giảm sâu khiến thu nhập bị ảnh hưởng.

Kyle Walker viết tâm thư rời Man City

Kyle Walker viết tâm thư rời Man City

GD&TĐ - Kyle Walker viết tâm thư chia tay đầy xúc động gửi tới người hâm mộ Man City sau khi hoàn tất vụ chuyển nhượng đến AC Milan.