Từ một cuộc thi viết văn: Chớ… ném quàng!

GD&TĐ - Ai cũng biết, người cầm bút sáng tác văn học thường được bắt đầu từ nhu cầu tự thân.

Minh họa/INT.
Minh họa/INT.

- Này bác, bác thấy điều này có “lạ lùng” không?

- Lạ lùng gì cơ? Là nắng Thu bớt vàng, sắp có mưa chăng?

- Bác cứ vui tính. Em đang nói về một giải thưởng văn học…

- Đã hết năm đâu mà các hội nhà văn tổng kết trao giải chứ? Bác lại lơ tơ mơ rồi…

- Thực tình, ban đầu em cũng nghĩ như bác và thấy sai sai. Em cũng mong mình đang mơ màng nhưng nó cứ là sự thật hiển nhiên bác ạ. Ngắn gọn lại thế này, có một tác giả kết hợp cùng công ty cổ phần Sách điện tử tổ chức cuộc thi viết văn xuôi thuộc giải thưởng văn học mang tên mình. Một tác phẩm giới hạn trong vài nghìn chữ mà giải Nhất lên tới vài chục triệu cơ đấy.

- Ồ, việc làm đó tốt quá chứ, sẽ đem lại bầu không khí sáng tác văn chương sôi động hơn, tích cực hơn…

- Vâng, nếu dừng lại ở đó thì thực là việc làm rất cần được biểu dương, khích lệ, qua đây cổ vũ các cây bút tài năng sáng tạo, hy vọng thu được những tác phẩm xuất sắc. Vậy nhưng, chuyện không dừng ở đó bác ạ. Chẳng là, dù cuộc thi khép lại đã hơn một tuần (tính từ khi ban tổ chức công bố trao giải đến nay), thì tác giả đó có hành xử thật lạ lùng.

Ấy là, ông giãi bày nỗi “ngậm ngùi” trên trang cá nhân Facebook rằng cuộc thi viết đó “thất bại hoàn toàn” về chất lượng kèm một số ý kiến giám khảo chê tác phẩm được giải không xứng và sau đó đưa ra nguyên do: “Đây là lỗi của toàn xã hội, lỗi của hệ thống giáo dục”…

- Ơ, thế là thế nào? Chính ông ấy khởi xướng và trao giải kia mà? Lạ lùng thật đấy…

- Thế nên, khi tiếp nhận thông tin đó, nhiều tác giả liền yêu cầu trả lại giải thưởng đấy bác. Trước phản ứng mạnh mẽ đó, ông ấy đã gỡ bài và đăng mấy lời xin lỗi, khẳng định “các giải thưởng đều được nhất trí thông qua một cách đàng hoàng dân chủ và miễn bàn”, đó là hành động “ném chuột vỡ bình”, “muốn đề cập đến một vấn đề lớn”...

- Nghe bác nói mà em tức cười quá. Tiền hậu bất nhất. Khi trước dẫn cả giám khảo kêu tác phẩm không xứng, miễn cưỡng thì sau đó lại là… Vậy nên, đừng có ngụy biện rằng đó là hành động dũng cảm dám “vạch áo cho người xem lưng” nhé mà là cách hành xử coi thường thậm chí là đem tiền trao giải rồi sỉ nhục người viết nên không có gì lạ khi các tác giả phản ứng như thế.

Hơn nữa, cũng là người cầm bút, xuất bản sách vậy mà sao lại đưa ra góc nhìn phiến diện, thiếu hiểu biết, vơ quàng, vơ xiên, đổ lỗi việc cuộc thi ngắn ngủi, giới hạn đề tài không tìm được “cây bút trẻ tài năng” là do “toàn xã hội” và “hệ thống giáo dục” kia chứ? Trong khi, ai cũng biết, người cầm bút sáng tác văn học thường được bắt đầu từ nhu cầu tự thân.

Danh tiếng được khởi dựng bằng tài năng thiên bẩm cùng sự lao động ngôn từ miệt mài. Không có nhà trường, thầy cô nào phải thực hiện nhiệm vụ đào tạo ra nhà văn. Bởi vậy, chớ có… ném quàng khiến bao người bị tổn thương và tự chuốc lấy những vết xước xấu xí, bác nhỉ!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.