“Sống thực ra là cuộc đi tìm mình. Và trong cuộc kiếm tìm ấy, nhầm lẫn xảy ra thường xuyên. Tôi là một “Ví dụ”. 45 năm trước tôi cứ tưởng viết văn là đúng con người mình. Thế là cứ lao trên con đường ấy và chẳng để ý đến mọi khen chê.
Nhưng đến hôm nay, bỗng phát hiện ra nấu ăn có lẽ mới là khả năng đúng nhất của mình. Nhưng tuổi đã cao, có lẽ muốn thay đổi cũng muộn rồi. Thế là đời trở nên dang dở”.
Đó là những dòng tâm sự gần đây trên trang Facebook có dấu tích xanh của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Khi viết những dòng này, có lẽ trong ông đang trào lên một niềm hứng khởi vì nhận ra một khía cạnh khác, một cái tôi khác đã ngụ ở trong mình từ rất lâu.
Văn chương vốn dĩ giúp con người ta đi tìm mình. Người làm văn chương nếu không có niềm say mê đặc biệt và cả một niềm tin đặc biệt thì khó có thể đi dài lâu trên con đường chữ nghĩa nhọc nhằn ấy.
Nhưng đến một thời điểm, khi công cuộc tìm mình tưởng đã hoàn tất, người viết văn lại tìm thấy bản ngã qua một công việc dường như rất khác: Nấu ăn. Và rất có thể đây chưa phải là lần nhận diện cuối cùng.
Ở nước ta, văn chương vốn được đặt ở vị trí cao quý. Người viết văn luôn được tôn trọng bởi tài năng, vốn hiểu biết, tầm văn hóa. Vậy nên, dẫn đến suy nghĩ của không ít người khi cho rằng, có tấm thẻ hội viên Hội Nhà văn Việt Nam là đã trở thành nhà văn, nhà thơ đích thực, tác phẩm có ảnh hưởng lâu bền tới xã hội.
Suy nghĩ ấy không sai, nhưng bảo đúng thì chưa hẳn. Thực tế với sự phát triển đa ngành nghề như hiện nay, vị trí của văn chương nói chung càng ngày càng bị thử thách, thu hẹp.
Xã hội luôn có những tài năng lớn. Và khi tham gia ở bất cứ lĩnh vực nghề nghiệp nào, những tài năng và tâm huyết đều đem lại giá trị và chuỗi giá trị lâu bền cho xã hội.
Thế nên, một nhà thơ nổi tiếng, lại là Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam viết một tút ngắn trên trang Facebook cá nhân (để ở chế độ công khai) về “Đi tìm chính mình”, nhận ra mình trong công việc nấu ăn - điều ấy gợi rất nhiều suy ngẫm.
Suy ngẫm về bản thân mình. Suy ngẫm về nghề nghiệp, về năng lực, về khát vọng sống và những giá trị sống. Suy ngẫm về những cơ hội được thử thách, được tìm mình, được thăng hoa và hạnh phúc, được sống đúng với con người mình. Suy ngẫm về những quan niệm có tính mặc định đang tồn tại, về sự thực và những điều đang được che đậy trong cuộc đời…
Công cuộc đi tìm mình có thể là cuộc tìm kiếm suốt đời, những lựa chọn có thể thay đổi theo thời gian. Không có duy nhất và không có tuyệt đối.
Mở rộng ra, sự phát triển của xã hội cũng vậy. Luôn có những đổi thay qua từng giai đoạn, từng thời kỳ lịch sử. Nhận thức của xã hội nói chung, của mỗi chúng ta nói riêng cũng thay đổi, trên nguyên tắc tôn trọng quy luật phát triển, tôn trọng những giá trị Chân - Thiện - Mỹ.
Thấm thía được điều ấy, cũng là hợp với lẽ vô thường của tạo hóa.